Friday, February 21, 2014

Thủ tướng Dũng đội sổ..quốc hội bỏ việc 'lấy phiếu tín nhiệm'!

HÀ NỘI (NV) .- Vừa mới làm được một lần, Quốc hội CSVN đã tính bỏ việc "lấy phiếu tín nhiệm" đối với những nhân vật đứng đầu đảng và nhà nước.


Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các lãnh đạo trong đợt “lấy phiếu tín nhiệm” đầu tiên. (Hình: Tuổi Trẻ)


Nhiều báo ở Việt Nam loan tin, trong buổi họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ngày 21/2/2014, ông chủ tịch Quốc hội CSVN Nguyễn Sinh Hùng chuyển đạt lệnh của Bộ Chính Trị "tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm". Lệnh tạm dùng này là để "chờ ý kiến của Bộ Chính Trị" của đảng CSVN dù theo bản hiến pháp của chế độ thì Quốc hội là "cơ quan quyền lực" cao nhất, trên hết, không dưới bất cứ cái gì.

Bản tin VietnamNet hôm Thứ Sáu 21/2/2014 nói rằng trong cái buổi Quốc hội "lấy phiếu tín nhiệm" (diễn ra lần đầu ngày 10/6/2013) thì "đã có những ý kiến khác nhau về thời gian lấy phiếu, các mức độ tín nhiệm, hình thức thực hiện v.v..." Kết quả được công bố trên mặt báo cho thấy các ông bà chóp bu của chế độ đều không đạt các kết quả "đẹp" ở cái mục "tín nhiệm thấp".

Theo kết quả đợt “lấy phiếu tín nhiệm” vừa kể, 47 cá nhân là lãnh đạo của quốc hội, nhà nước và chính phủ, Thủ tướng đương nhiệm CSVN, ông Nguyễn Tấn Dũng, nằm trong số ba người dẫn đầu về “tín nhiệm thấp” (160 phiếu). Hai người còn lại, cùng ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng, đội sổ về mức độ tín nhiệm là ông Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (209 phiếu) và ông Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo (177 phiếu).
Quốc hội Việt Nam tổ chức “lấy phiếu tín nhiệm” 49 cá nhân, đang đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong quốc hội, nhà nước và chính phủ của chế độ gồm: Chủ tịch Nhà nước, Phó Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và những thành viên khác của chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Vì Bộ trưởng Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước mới được bầu lại nên số cá nhân được đưa ra để Quốc hội Việt Nam “lấy phiếu tín nhiệm” chỉ còn 47. Vì kết quả chẳng đẹp mặt gì cho các ông bà lãnh đạo để tuyên truyền, có vẻ như đó là lý do để ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “dạo đờn” tạm dừng việc đánh giá tín nhiệm đối với quan chức do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. 

Theo VNExpress, “Việc tạm dừng này thực hiện theo ý kiến của Bộ Chính trị tại thông báo số 149 ngày 20/12/2013. Bộ Chính trị đề nghị tạm dừng tổ chức lấy phiếu tại kỳ họp đầu năm để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội”.

Theo một nghị quyết do Quốc hội CSVN đưa ra, “lấy phiếu tín nhiệm” là bước đầu tiên để xác định mức độ tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội, dành cho những cá nhân là lãnh đạo quốc hội, lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo chính phủ. Nếu cá nhân nào bị 2/3 đại biểu Quốc hội xếp vào loại “tín nhiệm thấp” thì Quốc hội sẽ khuyến cáo cá nhân đó từ chức, hoặc tổ chức cho đại biểu Quốc hội “bỏ phiếu tín nhiệm” để miễn nhiệm.
  
Do vậy, tuy cùng đội sổ về mức độ tín nhiệm, song Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo vẫn có thể tại vị, bởi số phiếu “tín nhiệm thấp” chưa vượt chạm mức 2/3.

Một điểm rất đáng chú ý là dù Quốc hội CSVN có tới 498 đại biểu, song kết quả kiểm phiếu đợt “lấy phiếu tín nhiệm” đầu tiên này cho thấy, có rất nhiều đại biểu không bày tỏ chính kiến: Không xác định họ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, hoặc “tín nhiệm thấp” một số cá nhân trong nhóm 47 cá nhân được đưa ra “lấy phiếu tín nhiệm”.
Chẳng hạn, nếu cộng toàn bộ số phiếu mà các đại biểu Quốc hội đã bỏ cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Chủ tịch Quốc hội, người dẫn đầu về mức độ “tín nhiệm cao” (372 phiếu) thì có thể thấy còn đến 8 đại biểu Quốc hội không bày tỏ chính kiến của họ đối với nhân vật này. Nói cách khác, chỉ có 490 phiếu/498 đại biểu cho biết mức độ tín nhiệm của họ đối với bà Ngân.

Tình trạng tương tự xảy ra đối với tất cả 47 cá nhân được đưa ra “lấy phiếu tín nhiệm” lần này. Không có ai nhận đủ toàn bộ số phiếu của 498 đại biểu Quốc hội cho cả ba mức độ tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, hoặc “tín nhiệm thấp”.

Nếu đại biểu Quốc hội kín đáo cho thấy việc họ không đồng tình với phương thức đã được chọn để bày tỏ “mức độ tín nhiệm” của họ, đối với việc “lấy phiếu tín nhiệm”, bằng cách không bỏ phiếu, thành ra không cá nhân nào nhận đủ 498 phiếu, thì dân chúng công khai chỉ trích chuyện chia mức độ tín nhiệm thành ba loại: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, hoặc “tín nhiệm thấp”.    
     
Một blogger viết: “Nói một cách bình dân thì tín nhiệm là tin. Bàn về niềm tin thì chỉ có hai khía cạnh là tin hoặc không tin. Khi chưa đủ cơ sở để tin hoặc xác quyết là không đáng tin thì người ta ‘bán tín, bán nghi’. Xét cho cùng, chuyện ‘lấy phiếu tín nhiệm’ của đại biểu Quốc hội đối với lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ cũng không thể nằm ngoài quy luật này.

“Sự khác biệt, nếu có, chỉ là cách gọi. ‘Tín nhiệm cao’ có nghĩa là ‘tin’. ‘Tín nhiệm’ là ‘bán tín, bán nghi’ và kế đó, ‘Tín nhiệm thấp’ có nghĩa là ‘không tin chút nào’. Đã là lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ mà tỷ lệ ‘tín nhiệm’ (bán tín, bán nghi) và tỷ lệ ‘tín nhiệm thấp’ (không tin chút nào) cao quá thì còn để đó làm gì?


‘Lấy phiếu tín nhiệm’ có giúp gầy dựng lại được niềm tin trong nhân dân hay không là ở chỗ đó đó. Cũng phải nói thêm là thông thường, nếu có tập thể nào đó, trong một dịp nào đó phải bày tỏ niềm tin mà đa số không bảo họ không tin, cũng chẳng khẳng định họ vững tin, chỉ ‘bán tín, bán nghi’. Và ‘bán tín, bán nghi’ chiếm tỷ lệ áp đảo thì rõ ràng là có rất nhiều thứ phải bàn”. 

No comments:

Post a Comment