Đăng kiểm bấy lâu vẫn được xem là nơi “nhạy cảm”, nơi tiêu cực phát sinh trong quá trình thẩm định tính an toàn của phương tiện. Kết quả kiểm tra tại 9 Trung tâm kiểm định của Thanh tra Bộ GTVT phần nào hé lộ “mảng đen” trong lĩnh vực này.
Đăng kiểm là lĩnh vực đang có nhiều “tai tiếng” vì tiêu cực
Tồn tại nhiều vi phạm
Qua thanh tra tại 9 Trung tâm đăng kiểm trên cả nước, thanh tra Bộ GTVT đánh giá, các đơn vị đăng kiểm vẫn chưa đảm bảo đầy đủ các tiêu chí điều kiện hoạt động về diện tích nhà xưởng, bãi đỗ xe; đường dây nóng không kết nối được với Cục Đăng kiểm Việt Nam; một số nội dung công khai chưa niêm yết đúng vị trí; không đủ điều kiện về nhân lực đăng kiểm…
Đối với hoạt động kiểm định của các đăng kiểm viên, Thanh tra Bộ GTVT đã chỉ rõ hàng loạt tồn tại, vi phạm trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định, lưu trữ hồ sơ chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định; đăng kiểm viên thực hiện kiểm định phương tiện trong khi không được phân công nhiệm vụ dẫn đến phương tiện có thời gian kiểm định ngắn hoặc không hợp lý. Cụ thể như, qua kiểm tra thực tế tại Trung tâm đăng kiểm 37-03D (tỉnh Nghệ An), đoàn thanh tra phát hiện đăng kiểm viên Hồ Hữu Hưng (thực hiện công đoạn 5) không kiểm tra khung gầm và các bộ phận bên dưới thân xe. Tại Trung tâm 19-01V (tỉnh Phú Thọ), qua giám sát có 2 đăng kiểm viên không đạt các quy trình, công đoạn kiểm định.
Đáng chú ý, kiểm tra xác suất một số hồ sơ kiểm định, đoàn thanh tra phát hiện, một số phương tiện có thời gian kiểm định ngắn hoặc không hợp lý, ảnh hồ sơ lưu trữ mờ. “Cá biệt, phương tiện bị bẹp, biến dạng đầu xe hoặc biển số bị gẫy, gập không đọc được biển số nhưng vẫn kiểm định xe đạt và dễ dàng “lọt” qua cửa đăng kiểm,” ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết. Cụ thể, kiểm tra ngẫu nhiên phiếu kiểm định tại trung tâm đăng kiểm 29-07D (Hà Nội), ảnh chụp phương tiện xe tải BKS 30M-7290 cho thấy, phương tiện bị bẹp, biến dạng đầu xe, nhưng đăng kiểm viên Nguyễn Trường Giang vẫn cho phương tiện đạt. Xe sơ mi rơmooc BKS 29R-1510 biển số bị gẫy gập, không đọc được nhưng đăng kiểm viên Lê Trung Tâm vẫn cho phương tiện “lọt” kiểm định.
Nghỉ phép vẫn ký phiếu kiểm định
Bên cạnh đó, việc bố trí, phân công nhiệm vụ của đăng kiểm viên cũng còn nhiều điểm bất hợp lý. Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra, 3/9 lãnh đạo trung tâm không phân công đăng kiểm viên phụ trách dây chuyền kiểm định; 4/9 đơn vị có đăng kiểm viên kiểm định phương tiện không đúng với các công đoạn được phép thực hiện. Thậm chí, đăng kiểm viên phụ trách dây chuyền nghỉ phép nhưng vẫn ký vào phiếu kiểm định và thẻ đăng kiểm hết hạn vẫn được phép “khám” xe như, đăng kiểm viên Vũ Mạnh Hiền của Trung tâm 15-03D vắng mặt (nghỉ phép) nhưng vẫn ký vào phiếu kiểm định các xe 16M-8365, xe 16L-0062, 14N-4677… trong ngày 3-10-2013. Các đăng kiểm viên Bùi Minh Kiên, Lê Thành Chung, Đào Huy Chung, Nguyễn Trường Giang của Trung tâm 29-07D đã hết hạn thẻ đăng kiểm nhưng lại thực hiện kiểm định phương tiện các ngày từ ngày 21 đến 26-3-2013.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, thanh tra Bộ GTVT kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định số công đoạn tối thiểu mỗi đăng kiểm viên phải có. Thời gian tối thiểu (số lần) đăng kiểm viên phải thực hiện kiểm định phương tiện trong một năm. Riêng, số lượng đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao tối thiểu mỗi trung tâm đăng kiểm phải có khi thực hiện kiểm định phương tiện; mỗi dây chuyền phải có một phụ trách.
Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, khi cấp thẻ đăng kiểm viên mới, các đơn vị đăng kiểm phải tiến hành thu hồi, cắt góc thẻ đăng kiểm viên cũ và giao cho trung tâm đăng kiểm lưu trữ thẻ hết hạn trong thời hạn 3 năm để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.
Để tăng cường quản lý phương tiện vận tải và nâng cao hiệu quả công tác đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa có Công văn yêu cầu, trước 30-3-2014, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở GTVT các tỉnh, thành thực hiện xong việc niêm yết đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý phản ảnh về tiêu cực tại các trung tâm kiểm định.
Theo ANTD
No comments:
Post a Comment