ĐĂNG BỞI  - 
Tại phiên thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng phải giải trình về tiến độ giải ngân của gói 30.000 tỉ và đề nghị trả lại cho Quốc hội và Chính phủ để bố trí làm việc khác.
Trả lại 30.000 tỉ để làm việc khác!
Báo Vneconomy đưa tin, vì tỉ lệ giải ngân gói 30.000 tỉ suốt gần 1 năm qua quá thấp, chỉ đạt gần 9% nên tại phiên họp ngày 6.3, đại biểu Ngô Văn Minh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu: “Tôi xin hỏi Bộ trưởng là gói 30.000 cho vay hỗ trợ nhà ở đâu rồi, đề nghị trả lại cho Quốc hội và Chính phủ để bố trí làm việc khác”
Trước câu hỏi "hóc búa" của đại diện Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phân trần: "Muốn cho vay thì phải có nhà thu nhập thấp, trong khi nguồn cung nhà loại này lại ít thì giải ngân thế nào được".
Bộ trưởng Dũng cho rằng, 30.000 tỉ không phải là gói giải cứu để chia hết cho nhanh như một số người hiểu lầm mà  phải ai đủ tiêu chuẩn mới được vay. Và nguồn vốn này cần kéo dài nhiều năm, thậm chí đến khi thu nhập bình quân đầu người đạt 50.000 USD. Vì nhiều nước thu nhập bình quân đầu người còn cao hơn mức đó họ vẫn có nguồn vốn cho vay hỗ trợ nhà ở.
 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại phiên thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
(Ảnh Báo Xây dựng)
Theo đại diện Bộ Xây dựng, tính đến ngày 17.2.2014, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 17 doanh nghiệp với số tiền 1.466,5 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng đã giải ngân cho 11 đoanh nghiệp với số tiền là 536,5 tỷ đồng.
Đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, đã có 5 ngân hàng cam kết cho vay 2.275 khách hàng cá nhân với số tiền là 821,3 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 2.261 khách hàng với dư nợ 550,5 tỷ đồng.
Nới lỏng điều kiện cho vay
Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, chính sách của Đảng, Nhà nước là phải tạo điều kiện cho người dân có nhà ở, do đó Luật nhà ở (sửa đổi) cần phải có những quy định, cơ chế quy định về nội dung này, đặc biệt tránh việc lợi dụng chính sách này để phát triển nhà ở thương mại, gây tình trạng sốt ảo… 
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng, gói tín dụng cần có thời hạn cho vay dài hơn, lãi suất thấp hơn và nên quy định cho tín chấp hoặc thế chấp ngay căn hộ người dân đăng ký mua, đồng thời không nên khống chế mức vay tối đa thì chính sách này mới đi vào cuộc sống.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng  Dũng khẳng định, sẽ làm rõ thêm một số nội dung liên quan tại Luật nhà ở (sửa đổi), đồng thời sẽ tạo mọi điều kiện cho người dân có nhà ở. Với gói 30.000 tỉ đồng sẽ được sử dụng hiệu quả và có thể nới lỏng các điều kiện cho vay để người dân có thể tiếp cận.
Thụy Miên (tổng hợp)