Friday, March 7, 2014

Còn đâu văn hóa Hà Nội?



Thứ sáu, 2014-03-07 11:36:03 - Nguồn: GiaDinh.net.vn
Tại Hội thảo khoa học về văn hóa, con người Hà Nội do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 6/3, những câu chuyện mang tính thời sự như lối sống của giới trẻ, bảo tồn hay di dời cầu Long Biên… đã được các đại biểu “mổ xẻ” dưới lăng kính văn hóa Thủ đô.
Còn đâu văn hóa Hà Nội? 1
Nhiều nhà khoa cho rằng, cầu Long Biên là một biểu tượng của văn hóa Hà Nội. Ảnh: Chí Cường.
Cơm, áo, gạo, tiền tác động đời sống văn hóa
TS Lê Trung Kiên (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã đặt câu hỏi “Vài thập kỷ nữa, truyền thống thanh lịch của người Hà Nội sẽ ra sao khi mà giới trẻ hiện nay đang đua nhau thi các vào ngành nghề khoa học kỹ thuật, kinh tế, ngân hàng và bỏ rơi các ngành khoa học xã hội nhân văn?”.
Lấy ví dụ về kiến nghị của một đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua về việc đề nghị đóng tiền để thay thế làm nghĩa vụ công dân, TS Lê Trung Kiên cho rằng có lẽ vì những tư duy như vậy mà giới trẻ hiện nay đang sống gấp, sống nhanh mà đã có nhà nghiên cứu gọi là “nóng ruột kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ”. Theo TS Lê Trung Kiên, tiếp nhận lối sống thực dụng của phương Tây, nhiều người trong giới trẻ hiện nay đang xem tiền là một chìa khóa vạn năng và sẵn sàng giải quyết mọi việc bằng tiền; xem các mối quan hệ, các vấn đề cuộc sống (kể cả trong lĩnh vực tình cảm, tình yêu, gia đình…) như là những cuộc mua bán.
Cũng liên quan đến câu chuyện cơm, áo, gạo, tiền tác động đến đời sống văn hóa, TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đưa ra ví dụ người dân làng cổ Đường Lâm đòi trả lại danh hiệu. TS Nguyễn Ngọc Mai cho hay, việc đưa các giá trị chuẩn của người Việt Nam nói chung, người Thăng Long nói riêng vào các sản phẩm văn hóa, quan hệ kinh tế xã hội ít được để ý và hệ lụy của nó là “chưa bao giờ người Hà Nội lại nói bậy nhiều như bây giờ”. TS Nguyễn Ngọc Mai bày tỏ sự chua xót khi nói về sự giàu có trong di sản văn hóa Thủ đô nhưng lại nhận được sự đầu tư nghèo nàn về kinh tế: “Chúng ta có kinh phí cho những sân golf chỉ để phục vụ cho một nhóm người nhưng lại không có kinh phí để làm những thước phim tư liệu dài tập về các giá trị di sản văn hóa, con người Thăng Long - Hà Nội mang tính kinh điển”.
Tiếc nuối di tích lịch sử
Một số đại biểu đã thẳng thắn cho rằng, qua mấy chục năm đổi mới, Hà Nội chưa làm được một công trình văn hóa nào xứng tầm, mang tính biểu tượng của văn hóa Thủ đô. GS. TS Trần Ngọc Vương (ĐH Quốc gia Hà Nội) gọi “đó là một thất bại”. Và theo ông, cần nhìn nhận văn hóa Hà Nội bây giờ không chỉ là văn hóa Thăng Long xưa mà phải có sự nghiên cứu về giao thoa, bổ trợ với văn hóa xứ Đoài sau khi Hà Tây được sáp nhập về Hà Nội.
Liên quan đến những công trình mang tính biểu tượng cho văn hóa Hà Nội, PGS. TS Bùi Hoài Sơn (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, câu chuyện tranh cãi gần đây về số phận cầu Long Biên cho thấy sự yếu thế và bị động của ngành Văn hóa. Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, nếu sự tham gia của ngành Văn hóa chủ động, tích cực hơn với những phương án bảo tồn để vừa tạo ra giá trị văn hóa và chính trị, vừa tạo ra giá trị kinh tế thì có lẽ những tranh cãi về việc giữ hay không giữ cầu Long Biên không có cơ hội xuất hiện.
Cũng bàn về cầu Long Biên, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên cho rằng, nếu Hà Nội có đề xuất công nhận cầu Long Biên là di sản thì không có chuyện “lùm xùm” như vừa qua. Thứ trưởng Vương Duy Biên bày tỏ sự tiếc nuối di tích lịch sử Hỏa Lò, khi phần lớn diện tích của di tích này đã được lấy để xây dựng toà nhà Tháp Hà Nội. Thứ trưởng Vương Duy Biên nói: “Bây giờ chúng ta có thể xây được cả trăm tòa Tháp Hà Nội và ở bất cứ đâu. Nhưng phần lớn di tích cách mạng quý giá Hỏa Lò đã bị mất”.
Không đưa ra nhận xét cụ thể về con người Hà Nội trong bài phát biểu của mình, nhưng PGS. TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học) đã đưa ra 5 tính xấu của người Việt: Tùy tiện, thích làm bừa; Bình quân chủ nghĩa; Đố kỵ, tiểu nông; Ham muốn quyền lực, dễ tha hóa; Bè phái, cục bộ. PGS. TS Bùi Xuân Đính cho rằng, cần phải có giải pháp để khắc phục những tính xấu trên thì mới có thể xây dựng văn hóa người Việt, văn hóa người Hà Nội theo các tiêu chí mới, hiện đại.
 
Lê Minh

No comments:

Post a Comment