Friday, March 7, 2014

Các tỉnh thành ở Việt Nam tranh nhau mở sòng bài!

HÀ NỘI (NV) .- Sau khi Bộ Chính trị đảng CSVN thông báo cho phép mở một sòng bài để thử nghiệm, Bộ Kế hoạch - Đầu tư của Việt Nam nhận được mười bộ hồ sơ xin mở sòng bài.


Khách sạn sòng bài Hồ Tràm ở huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khai trương hồi Tháng Bảy 2013. (Hình: Thanh Niên)


Tại một cuộc hội thảo về cải cách thể chế diễn ra ở Viện Quản lý kinh tế Trung ương hôm 6 tháng 3-2014, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, tiết lộ thông tin này và than rằng, ông ta hết sức mệt mỏi do áp lực rất lớn từ chuyện tỉnh nào cũng muốn có sòng bài.

Viên bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư nhận định, nhà cầm quyền các tỉnh ở Việt Nam vẫn làm kinh tế theo phong trào. Mở sòng bài nay là phong trào sau phong trào mở sân golf, khu công nghệ, cảng biển, sân bay… Làm kinh tế theo phong trào là một trong những nguyên nhân biến Việt Nam từ nghèo thành mạt.

Một khách sạn 5 sao với 541 phòng mang tên The Grand - Hồ Tràm Strip tọa lạc tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khai trương ngày 26 tháng 7-2013 trị giá tới 4.2 tỉ đô, do Công ty Asian Coast Development-Canada làm chủ đầu tư.

Báo Thanh Niên, khi đưa tin sòng bài Hồ Tràm vừa kể còn cho biết, trước đó, tỉnh Quảng Bình cũng đã thiết lập một dự án xây dựng khu vui chơi-giải trí tại Vườn Quốc Gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Số vốn đầu tư khu vui chơi này lên tới 4 tỉ đô. Nhà cầm quyền tỉnh Quảng Bình đã chọn nhiều địa điểm ở xã Sơn Trạch và Phúc Trạch để giới thiệu với nhà đầu tư - Công ty Zeta Plan and Investment của Nam Hàn. Ngày 4 tháng 9, 2012, chính quyền tỉnh Quảng Bình và Công ty Zeta đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến dự án nói trên.

Tỉnh Quảng Ninh cũng từng rậm rịch với dự án rất lớn gồm khách sạn, khu nghỉ dưỡng và sòng bài gọi lòng thòng là “khu liên hợp vui chơi giải trí có thưởng” với vốn đầu tư hơn $4 tỉ đô la trên một diện tích đất khổng lồ, lấy 1,800 ha đất của xã Vạn Yên huyện Vân Đồn. Tin tức tiết lộ rằng dự án này “có sự hậu thuẫn của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” dù cho tới nay, luật lệ CSVN vẫn cấm người dân bài bạc lớn hay nhỏ. Những đám cờ bạc cò con dù chỉ một vài trăm ngàn đồng cũng bị bắt, phạt vạ.

Cuối năm ngoái, chế độ Hà Nội công bố một thống kê về việc sử dụng ngân sách để đầu tư vào các dự án kinh tế. Theo đó, chỉ trong vòng mười năm, dựa trên đề nghị của nhà cầm quyền các địa phương, Việt Nam đổ tiền xây 20 cảng biển quốc tế, 22 phi trường (có 8 là phi trường quốc tế), 267 khu công nghiệp (trung bình một tỉnh có 4 khu công nghiệp), 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 1.757 dự án trong các lãnh vực giao thông, thủy lợi và di dân. Tổng vốn đầu tư cho tất cả các dự án kinh tế này khoảng 444 ngàn tỉ đồng và gần như toàn bộ các dự án này đều bỏ hoang sau khi hoàn tất.

Ngoài lĩnh vực kinh tế, trong mười năm qua, chính quyền các tỉnh ở Việt Nam còn bắt chước nhau để mở trường đại học và cao đẳng nên trong vòng mười năm, Việt Nam có thêm 440 trường đại học và cao đẳng. Tính trung bình, mỗi tháng, có hai trường đại học, cao đẳng được thành lập. Nay, hàng loạt các trường đại học, cao đẳng chết dở vì thiếu cả giảng viên lẫn sinh viên.

Nếu bùng phát như nhiều phong trào khác, phong trào mở sòng bài ở Việt Nam có thể ngốn thêm của ngân sách hàng trăm ngàn tỉ đồng nữa. Câu chuyện về đầu tư của chính quyền Việt Nam cho các dự án công (đầu tư công) của Việt Nam có vẻ càng lúc càng nóng. Tại Việt Nam, năm nào chi tiêu cho đầu tư công cũng tăng so với dự tính, có năm tăng đến 30%  nhưng hiệu quả thì chẳng ra gì. Đó là căn bệnh trầm kha trong quản trị, điều hành của Việt Nam.

Hồi đầu tháng 10 năm ngoái, khi được mời góp ý tại hội thảo về “Tái cấu trúc và đánh giá hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam”, ông Lê Xuân Bá – cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định, những “bệnh tật của đầu tư công” có từ thời ông ta còn là sinh viên và đến nay, tuy đã nghỉ hưu nhưng “bệnh tật của đầu tư công vẫn vậy”.

Về nguyên tắc, dự án đầu tư sẽ không được chi tiền nếu không nằm trong kế hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều dự án đầu tư không hề có trong kế hoạch đã được phê duyệt vẫn được chi tiền. Vì sao? Ông Lê Xuân Bá giải thích, vì nhà cầm quyền các địa phương có thể lập dự án đầu tư và “chạy” để “trung ương đồng ý chi tiền”. 
        
Tình trạng cảng biển, phi trường quốc tế, khu kinh tế, khu công nghiệp mọc lên như nấm, ngốn hết ngàn tỉ này tới ngàn tỉ khác nhưng không sinh lợi đã trở thành bình thường. Lãng phí được xác định là “kinh khủng” nhưng không có ai chịu trách nhiệm.

Chế độ Hà Nội ban hành đủ thứ luật: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai,… và giới thiệu mục tiêu của chúng là nhằm chống lãng phí trong đầu tư công. Tuy nhiên lại chậm chạp trong việc ban hành Luật Đầu tư công. Các chuyên gia kinh tế giải thích lý do là vì “không viên chức nào muốn mất quyền lợi”.
Ngoài chuyện chi vô tội vạ cho các dự án đầu tư không nằm trong kế hoạch đã được duyệt, ông Vũ Đình Ánh, một chuyên gia tài chính, còn cảnh báo về tình trạng “chi vượt dự toán” (chi quá mức đã được phê duyệt) của các dự án đầu tư.

Đó cũng là lý do Việt Nam đối diện với nguy cơ vỡ nợ. Hồi tháng 5, tuy nhà cầm quyền trung ương khẳng định, tổng số nợ công của Việt Nam chỉ chừng 55,4% GDP nhưng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam lại cả quyết, nợ công của Việt Nam đã lên tới 95% GDP.

Vay mượn nhiều, thay vì dùng vốn đã vay để thực hiện các kế hoạch phát triển thì lại  dồn vốn vào những dự án vô bổ, tạo ra lạm phát rồi quyết định “thắt chặt chi tiêu”,… đã khiến các doanh nghiệp phá sản hàng loạt, đẩy kinh tế Việt Nam đến chỗ lụn bại và ngân sách chẳng còn bao nhiêu nguồn để thu vào. 


Mặt khác, tuy con số bội chi rất lớn nhưng chi tiêu của chế độ Hà Nội cho giáo dục, y tế lại rất ít. Vào lúc này, trên khắp Việt Nam, nhiều dự án xây dựng, sửa chữa trường học, bệnh viện đang bị bỏ dở hoặc không thực hiện vì không có ngân sách. 

No comments:

Post a Comment