Friday, March 7, 2014

Quốc tế lên án việc bỏ tù Blogger Trương Duy Nhất

PARIS (NV) .- Sau Mỹ, tới lượt Pháp và các tổ chức quốc tế lên án chế độ Hà Nội việc kết án ông Trương Duy Nhất hai năm tù vì “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”.


Khoảng 300 người đã đổ đến trụ sở Tòa án thành phố Đà Nẵng để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với nhà báo Trương Duy Nhất khi ông bị lôi ra tòa ngày 4/3/2014. (Hình: Blog Huỳnh Ngọc Chênh)


Ông Trương Duy Nhất, người thực hiện blog “Môt góc nhìn khác”, từng là phóng viên của báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng, sau đó chuyển qua làm phóng viên thường trú của báo Đại Đoàn kết tại miền Trung. Năm 2010, ông tuyên bố rời bỏ làng báo Việt Nam, dành thời gian cho việc viết blog để “có thể nói thẳng những suy nghĩ của mình”.

Blog “Một góc nhìn khác” của ông rất nổi tiếng trên mạng, có hàng loạt bài viết chỉ trích đích danh Tổng Bí Thư, Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Việt Nam,… Ông Nhất bị bắt hồi cuối tháng 5 năm ngoái, bị di lý ra Hà Nội, bị tạm giam tại đó cho tới khi Tòa án thành phố Đà Nẵng mở phiên xử sơ thẩm hôm 4 tháng 3-2014.

Ông Romain Nadal, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi Việt Nam phải tôn trọng những cam kết với cộng đồng quốc tế về nhân quyền và nhấn mạnh, Pháp rất quan tâm, tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng, kể cả trên Internet.

Một ngày trước khi hệ thống tư pháp Việt Nam đưa ông Nhất ra xử sơ thẩm, tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) phát hành một văn bản, kêu gọi chế độ Hà Nội trả tự do cho ông Nhất. HRW nhấn mạnh, họ xem phiên xử này là “một nỗ lực không ngơi nghỉ nhắm vào những người chỉ trích chính quyền một cách ôn hòa”. Cũng theo HRW, vụ xử ông Trương Duy Nhất là “một phần trong nỗ lực vô ích của nhà cầm quyền CSVN nhằm bịt miệng cộng đồng blogger ngày càng sôi động ở trong nước”.

Theo HRW, thay vì tạo ra một người tù chính trị mới, chế độ Hà Nội nên thả ông Trương Duy Nhất và tất cả những người khác, vốn bị giam giữ chỉ vì không đồng quan điểm với chính quyền và Đảng CSVN.
Ở buổi kiểm điểm định kỳ về nhân quyền (UPR) đối với Việt Nam hồi đầu tháng trước, một số quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã từng kêu gọi Việt Nam chấm dứt sử dụng Điều 258 (một điều trong luật hình sự hiện hành mà nhà cầm quyền CSVN thường sử dụng để tống giam những người như ông Nhất).

HRW đã lập lại yêu cầu vừa kể và đề nghị các quốc gia tài trợ cho Việt Nam cũng như các đối tác phát triển cần phải cho chính quyền Việt Nam thấy rằng họ không thể tiếp tục bỏ tù người dân mà không phải nhận lãnh hậu quả nào.

Ngay sau khi hệ thống tư pháp Việt Nam tuyên phạt ông Trương Duy Nhất hai năm tù, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã lên tiếng gần như lập tức để bày tỏ “sự lo ngại sâu sắc” và “kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho Trương Duy Nhất, cũng như các tù nhân lương tâm, đồng thời cho phép người Việt bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa”.

Các tổ chức quốc tế hoạt động cho nhân quyền như: Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, Phóng viên Không biên giới (RSF), cũng đã lên tiếng phản đốì việc kết án ông Trương Duy Nhất. RSF nhận định, giống như ông Lê Quốc Quân, ông Trương Duy Nhất đã phải trả giá cho việc dấn thân, tranh đầu vì quyền được có những thông tin khác, ngoài những tin tức của bộ máy tuyên truyền.

RSF nhắc lại rằng, Việt Nam hiện đứng thứ 174/180 trong bảng xếp hạng của RSF về quyền tự do báo chí. Việt Nam là nhà tù lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, đối với các blogger và những người sử dụng Internet. RSF kêu gọi mọi người tiếp tục ký tên vào bản kiến nghị đòi trả tự do cho 35 blogger đang bị chính quyền Việt Nam cầm giữ.


Theo lời ông Trần Vũ Hải – luật sư bào chữa cho ông Nhất, tại Tòa, ông Nhất không nhận tội. Khi được nói lời cuối cùng, ông Nhất bảo rằng, có những bản án làm người bị phạt tù xấu hổ nhưng cá nhân ông thì ông thấy tự hào về những điều ông đã làm. Đó là góp phần kiến tạo không khí dân chủ ở Việt Nam, góp phần giúp giới lãnh đạo Việt Nam nhận thức được những vấn đề của Việt Nam và những suy nghĩ của dân chúng. 

No comments:

Post a Comment