Friday, March 7, 2014

Việt Nam dẫn đầu ASEAN về tù chính trị!

PARIS (NV) .- Liên đoàn Vì nhân quyền (gồm 178 tổ chức nhân quyền ở hàng trăm quốc gia - FIDH) vừa công bố một thống kê, theo đó, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tù chính trị.


Ông Đinh Đăng Định và vợ con trong ngày đầu tiên được tạm hoãn thi hành án. Ông Định là người lên tiếng tố cáo hình thức tra tấn tù chính trị bằng cách để cho ăn uống thiếu thốn, đau bệnh không cho chữa trị. (Hình: Internet)


Theo FIDH, ít nhất đang có 212 người bị nhà cầm quyền CSVN cầm giữ vì bất đồng chính kiến. Họ là luật sư, nhà báo, blogger, văn nghệ sĩ, tu sĩ và tín đồ các tôn giáo, những người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền. Đó là chưa kể số người đang bị quản thúc tại gia mà ở Việt Nam gọi là “quản chế”. Có những người dù không có bản án nhưng quanh nhà cũng có Công an canh giữ, đi ra khỏi nhà bị theo dõi hoặc bị cấm ra đường. Nếu nhất định đi thì Công an bị hành hung.

FIDH loan báo, tù chính trị tại Việt Nam đang phải thi hành các bản án tù trong môi trường tồi tệ, sức khỏe của họ bị suy kiệt và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Tù chính trị tại Việt Nam còn bị tra tấn thông qua tình trạng ăn uống thiếu thốn, đau ốm không được chữa trị. Tổ chức này dẫn trường hợp của ông Đinh Đăng Định như một ví dụ.

Ông Định, một giáo viên, tác giả một số bài viết kêu gọi đa đảng, phi chính trị hóa giáo dục, bị kết án 6 năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”, bị ung thư nhưng không được chữa trị kịp thời. Gần đây khi ung thư đã di căn, chuyển sang giai đoạn cuối và do áp lực của cộng đồng quốc tế, ông Định mới được “tạm hoãn thi hành án”.
Liên đoàn Vì nhân quyền kêu gọi chế độ Hà Nội trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho các tù chính trị để chứng minh sự tôn trọng nhân quyền và thiện chí thực thi các cam kết với cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, FIDH còn đưa ra một danh sách 17 tù chính trị cần được quan tâm đặc biệt. Trong đó có: Hòa thượng Thích Quảng Độ, ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), ông Lê Quốc Quân, ông Cù Huy Hà Vũ, cô Đỗ Thị Minh Hạnh, ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Trần Vũ Anh Bình, nhạc sĩ Việt Khang,...

Trò chuyện với VOA, ông Andrea Giorgetta, Giám đốc khu vực Châu Á của FIDH, giải thích thêm rằng, thống kê về số lượng tù chính trị tại Việt Nam mà FIDH công bố do  Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam – một tổ chức thành viên của FIDH nghiên cứu, thu thập qua mạng lưới các quan sát viên ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam.
Tuy nhiên theo ông Giorgetta, rất khó đạt được con số chính xác về tù chính trị tại Việt Nam, đặc biệt đối với những trường hợp là người thiểu số bị giam cầm vì theo đạo Tin Lành. Danh sách 212 tù chính trị chỉ gồm những trường hợp đã được Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam kiểm chứng. Khi điều trần ở Quốc Hội Hoa Kỳ hồi Tháng Giêng vừa qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, mẹ của cô Đỗ Thị Minh Hạnh, cho hay bà sẵn sàng cung cấp danh sách hơn 600 tù nhân chính trị và tôn giáo hiện đang bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ. Danh sách này là do chính các tù nhân chính trị và tôn giáo thiết lập.

Ông Giorgetta nhận định, thật đáng xấu hổ khi Việt Nam vừa là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vừa là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng tù chính trị. Việt Nam đã thế vào chỗ Miến Điện, đội sổ trong khu vực về vi phạm nhân quyền và giam cầm tù chính trị.

Trước nay, Việt Nam vẫn thường xuyên lập đi, lập lại rằng, tại Việt Nam không có tù chính trị hay tù lương tâm mà chỉ có những người vi phạm pháp luật bị kết án, ông Giorgetta chỉ trích kịch liệt kiểu biện bạch này, bởi luật pháp của Việt Nam không phù hợp với những tiêu chuẩn căn bản về nhân quyền của cộng đồng quốc tế.


Đại diện FIDH khẳng định, họ sẽ tiếp tục đề cập về những trường hợp bị giam cầm tùy tiện với Liên Hiệp Quốc, mở các chiến dịch vận động công khai cho những người tù chính trị này. Nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam đã thế chỗ Miến Điện kể từ khi Miến Điện bắt đầu thực hiện tiến trình dân chủ hóa, để cộng đồng quốc tế buộc chính quyền Việt Nam phải chấm dứt đàn áp những người phản kháng một cách ôn hòa và phóng thích tất cả tù chính trị. 

No comments:

Post a Comment