Thứ Sáu, 07/03/2014 - 16:39
(Dân trí) - “Hoạt động xét xử của tòa án ở các địa phương, không
nơi nào là không có sự tác động nhưng sự tác động rất khó chứng minh,
chủ yếu chỉ là một cái vỗ vai, một lời nói nhỏ” - Phó Chánh án TAND tối
cao Nguyễn Sơn bộc bạch.
Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của UB Tư pháp của Quốc hội
trong 2 ngày mùng 6-7/3 có nội dung xem xét, thẩm tra thảo luật tổ chức
TAND sửa đổi. Không ít đề xuất sửa đổi tổ chức, bộ máy ngành tòa án của
TAND tối cao đưa ra chưa nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra
luật. Tờ trình của Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết, thực hiện định hướng của TƯ, kết luận của Bộ Chính trị, dự thảo luật đã quy định hệ thống của tòa án được tổ chức gồm 4 cấp theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Cụ thể 4 cấp tòa gồm: TAND sơ thẩm khu vực, TAND tỉnh, TAND cấp cao và TAND tối cao.
Cơ quan soạn thảo phân tích, việc tổ chức TAND theo hướng này là phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp, để đảm bảo độc lập trong xét xử, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của ngành tòa án hiện nay. Đây cũng là phương thức để nâng cao vị trí, vai trò của tòa án trong nhà nước pháp quyền.
Tuy nhiên, ngoài đa số ý kiến đồng tình với việc tổ chức TAND theo 4
cấp, vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm việc thành lập TAND sơ thẩm
khu vực để bảo đảm thuận lợi cho người dân khi có công việc cần giải
quyết tại tòa.
Phó Chánh án Nguyễn Sơn: "Những suy tư của đội ngũ thẩm phán là có thật".
Phó Chánh án TAND tối cao – Chánh án TA quân sự TƯ, Trung tướng Trần
Văn Độ cho rằng, việc thành lập tòa án sơ thẩm khu vực là cần thiết. Còn
tòa án có gần dân hay không do cách thức tổ chức quản lý của Tòa án chứ
không phải về mặt địa lý. Ông Độ phân tích, thành lập hệ thống Tòa án sơ thẩm khu vực không chỉ bảo đảm tính độc lập của Tòa án mà còn khắc phục được những hạn chế, nâng cao chất lượng cán bộ, chất lượng quản lý…
Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn Nếu nêu thực tế: “Hoạt động xét xử của tòa án ở các địa phương, không nơi nào là không có sự tác động nhưng sự tác động rất khó chứng minh, chủ yếu chỉ là một cái vỗ vai, một lời nói nhỏ”.
Quyết định của các “quan tòa”, nhìn nhận một cách thẳng thắn, vẫn chịu sự ràng buộc nhất định vì thẩn phán có được tái bổ nhiệm hay không đều phải có nhận xét của cấp ủy.
“Thẩm phán chúng tôi có suy tư hay không khi vợ con, gia đình và cả xã hội cùng nhìn vào mình, có dũng cảm để bảo vệ công lý không? Câu trả lời, phải dũng cảm nhiều mới làm được như thế nhưng suy tư, suy nghĩ thì cũng phải nói thật là có” – ông Sơn bộc bạch.
Để đảm bảo sự độc lập xét xử của tòa án, ông Sơn cho là cần nhiều yếu tố mà việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực là một biệt pháp. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác như tiêu chuẩn, thời hạn bổ nhiệm thẩm phán, nhiệm kỳ bổ nhiệm hay yêu cầu về việc chủ động kinh phí hoạt động của tòa án.
Phó Chánh án TAND tối cao lấy ví dụ, ngay điều kiện về tuổi đến tầm nào mới có thể xét bổ nhiệm thẩm phán cũng là một bài toán vì ở độ tuổi nhất định, phù hợp một người mới đảm bảo kinh nghiệm sống, kinh nghiệm trong nghề nghiệp, mới rèn được bản lĩnh để khi ngồi xử án đàng hoàng, đĩnh đạc. Địa vị của thẩm phán theo đó cũng được nâng lên.
Ở khía cạnh khác, nếu người đứng đầu ngành tòa án có một ghế trong Bộ Chính trị, vị thế của ngành cũng khác, độc lập, không thua kém nhánh cơ quan hành pháp.
Phó Chánh án Nguyễn Sơn cũng đề nghị ủng hộ phương án quy định về kinh phí hoạt động của tòa án theo hướng để TAND tối cao lập dự toán và trình Quốc hội quyết định, sau khi thống nhất với Chính phủ thay cho phương án quy định kinh phí hoạt động của tòa án do Chính phủ trình Quốc hội quyết định, sau khi thống nhất với TAND tối cao.
Chia sẻ những “tâm tư” của lãnh đạo ngành tòa án nhưng Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, để TAND tối cao tự trình Quốc hội về kinh phí hoạt động là trái với Hiến pháp cũng như luật Ngân sách nhà nước. Việc này vẫn phải để Chính phủ trình nhưng tòa án có quyền kiến nghị thay đổi, điều chỉnh...
Nhiều nội dung khác ông Hiện cũng “lắc đầu” như đề xuất quy định về “trợ lý thẩm phán”, đổi mới bộ máy giúp việc tòa án, xây dựng án lệ, thành lập Học viện Tư pháp…
Chủ nhiệm UB Tư pháp chỉ ủng hộ đề xuất mở rộng nhiệm kỳ bổ nhiệm của thẩm phán, nâng tuổi nghỉ hưu của thẩm phán lên 65 tuổi (đối với nam), 60 tuổi (đối với nữ).
Theo đó, dự thảo luật hiện thiết kế 2 phương án. Phương án 1 quy định thẩm phán TAND tối cao được bổ nhiệm không thời hạn, các thẩm phán khác nhiệm kỳ đầu là 5 năm (như quy định hiện hành), nếu được tái nhiệm thì nhiệm kỳ sau được kéo dài cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Phương án 2, thẩm phán TAND tối cao cũng được bổ nhiệm không thời hạn, nhiệm kỳ của thẩm phán khác là 10 năm.
P.Thảo
No comments:
Post a Comment