Trong khoang lái chiếc trực thăng cứu hộ Mi 171
|
Khu vực tìm kiếm được xác định ở tọa độ: 7 độ 27 phút 40 giây vĩ độ bắc - 102 độ, 58 phút 48 giây kinh độ đông.
Sau một đêm trúc trực tại sân bay Cà Mau, đoàn cứu hộ hết sức nóng ruột. Mọi công việc chuẩn bị cho chuyến bay đã được hoàn tất từ sáng sớm. Việc còn lại của mọi người trong phi hành đoàn là đợi lệnh xuất phát.
Buổi sáng trôi qua thật lâu khi chúng tôi dõi theo thông tin từ hai chuyến máy bay AN 26 xuất phát trước đó tại TP.HCM. Tin chưa tìm được tung tích chiếc máy bay gặp nạn càng làm cho mọi người thêm sốt ruột.
Buổi trưa, đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 917, thuộc sư đoàn 370, thông báo: “Chúng ta có thể xuất phát ngay bây giờ”. Mọi người gấp gáp chuẩn bị.
Dõi theo mọi dấu hiệu trên biển
|
Đúng giờ cho phép, trực thăng rời sân bay Cà Mau. Theo lệnh chỉ huy, chiếc Mi 171 - 02 do đại tá Quang chỉ huy cất cánh. Chiếc trực thăng số hiệu 04 xuất phát sau 10 phút. Máy bay được điều khiển bay ở tầm cao 500 mét ở tốc độ 200 km/giờ. Với tốc độ này, sau gần 2 giờ, trực thăng sẽ hiện diện tại khu vực được xác định.
Đây là trực thăng đầu tiên của Việt Nam được điều ra khu vực vùng biển nghi máy bay Malaysia mất tích. Tất cả phi hành đoàn đều là những người dày dạn kinh nghiệm, không ít lần bay cấp cứu, cứu hộ cứu nạn ở Trường Sa, Phú Quốc, Phú Quý, những vùng đồi núi hiểm trở, khi bão lũ…
Từ trên cao nhìn xuống một vùng biển rộng lớn với những đoàn tàu cá bình thản câu lưới không báo hiệu điều gì đó bất thường
|
Có mặt trên chuyến bay, phóng viên Thanh Niên Online vừa tác nghiệp, vừa cùng mọi người trong phi hành đoàn dõi mắt trên khắp mặt biển để hi vọng phát hiện ra dấu hiệu liên quan đến chiếc máy bay mất tích.
Trời trong, ít mây đã cho chuyến bay tìm kiếm được thuận lợi. Từ trên cao nhìn xuống một vùng biển rộng lớn với những đoàn tàu cá bình thản câu lưới không báo hiệu điều gì đó bất thường. Ngay cả khi chúng tôi tiếp cận được khu vực được cho là có dầu loang, tức là những vệt màu vàng khác thường kéo dài trên mặt biển.
So với hình ảnh phóng viên Thanh Niên Online chụp được từ máy bay AN 26 bay ở tầm cao, những gì chúng tôi quan sát được từ trực thăng thì khu vực này có những vệt màu vàng nhạt đan hình chổi, rộng khoảng 5 km. Trực thăng quyết định hạ độ cao để quan sát.
Đại tá Trần Văn Quang khẳng định với kinh nghiệm thực tế của cá nhân ông, tại vùng bãi cạn như bãi cạn Cà Mau, quan sát từ trên cao thường thấy những vệt màu vàng như quả cam. Thực chất đó không phải là vết dầu loang.
Trong suốt chuyến bay, thỉnh thoảng đội tìm kiếm lại phát hiện những vật thể lạ trôi trên biển. Tuy nhiên khi bay chậm và hạ độ cao quan sát, chúng tôi xác định đó không phải là vật thể rơi từ máy bay mất tích.
Chiều cùng ngày, sau 4 giờ bay, trực thăng Mi 171 - 02 về lại sân bay Cà Mau, tiếp tục đợi lệnh.
Phóng viên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV có mặt ở Phú Quốc
Lúc 17 giờ 45 ngày 9.3, chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Hải quân vùng 5, cho biết phóng viên CCTV đã có mặt tại Phú Quốc để đưa tin về công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn máy bay mất tích.
Trả lời CCTV, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát khẳng định Hải quân vùng 5 sẵn sàng huy động tối đa con người, phương tiện để ứng phó công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Hiện tại, mặc dù chưa có tung tích của máy bay mất tích, nhưng công tác tìm kiếm của các tàu cứu hộ, cứu nạn vẫn được thực hiện 24/24. Nhiều khả năng phạm vi tìm kiếm sẽ được mở rộng thêm trong những giờ tới. Ngoài ra các phương tiện khác cũng đã sẵn sàng xuất phát khi có lệnh.
Hiện các phương tiện cứu hộ vẫn đang tìm cách tiếp cận vật thể lạ được phát hiện cách đảo Thổ Chu gần 60 hải lý (hơn 100 km).
Đình Tuyển
|
Tiến Trình
No comments:
Post a Comment