Sunday, March 9, 2014

Trái phiếu Chính phủ hút ngân hàng..doanh nghiệp càng xa dòng vốn!

SM- 09/03/2014      -Thời gian gần đây, giới kinh doanh xôn xao chuyện ngân hàng “thừa tiền” đến độ buộc đi đến con đường giảm lãi suất cho vay như một phản ứng nóng lòng đẩy tiền vào dòng lưu thông. Nhưng, ở phía bên kia, các doanh nghiệp vẫn than là không thể tiếp cận. Tiền rõ ràng không “nắm chết”, vậy tiền đi đâu? Trái phiếu chính phủ!




Thường tăng trưởng tín dụng hay được đánh đồng với “cầu” của doanh nghiệp về nguồn vốn. Nhưng điều đó khó lòng áp dụng ở Việt Nam, khi trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh phát hành ở trong nước. Và lúc báo cáo, không thấy cơ quan quản lý tách bạch hai khối doanh nghiệp tư nhân và nhà nước ra. Việc đầu tư trái phiếu chính phủ khiến nhiều người lo ngại dòng tiền không chảy vào sản xuất ngoài tác dụng tăng... con số tăng trưởng tín dụng trên giấy tờ. Nhờ đó, tình hình có thể bi đát hơn nhiều, khi tín dụng không thể chỉ âm có 1,66% trong hai tháng đầu năm.
 
Theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), chỉ trong tháng 2 đã có 7 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ và huy động được 25.070 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng cộng hơn 35.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đã được huy động. Các khách hàng lớn nhất không đâu xa lạ, vẫn là các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Maritime Bank, VIB… với tỷ lệ trúng thầu đạt tới 80%, tương đương gần 30.000 tỷ đồng, chỉ trong 2 tháng đầu năm. Điều đó có nghĩa là, trong ngắn hạn, một nguồn tiền lớn bị rút ra khỏi lưu thông và chảy vào ngân sách nhà nước, cải thiện nguồn thu.
 
Nhưng sự cải thiện này không kéo dài được lâu. Từ đây, tiền sẽ quay trở lại lưu thông thông qua hai hoạt động chi tiêu chủ yếu của Chính phủ là chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Dù là chi kiểu gì thì điều đó cũng làm gia tăng bội chi ngân sách cho Chính phủ. Sau 2 tháng thực hiện nghiêm túc việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách, Bộ Tài chính báo cáo, tổng chi ngân sách đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2013, và tăng mạnh so với dự kiến trước đó của Tổng cục Thống kê là 114,7 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm nay, con số bội chi đã đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, tương đương 9% dự toán năm. Trong khi đó, những khoản nợ của Chính phủ không chỉ phải cáng đáng lãi suất đi vay, mà còn cả những chi phí “ẩn” như lời thừa nhận của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của  Quốc hội Nguyễn Văn Hiện từ hồi cuối năm 2013: “Tình hình tham nhũng trong quản lý vốn và tài sản nhà nước tại một số DNNN vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
 
Tất cả mọi khoản vay, đối với người đi vay nghiêm túc, sớm hay muộn đều phải trả. Tăng tín dụng cho nhà nước, cũng tức là tăng nợ cho nhà nước, hay chính là nhân dân. Điều này chỉ có thể được giải quyết thông qua nguồn thu lại. Đầu tư công có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, như tiêu thụ một lượng nguyên vật liệu nhỏ, giải quyết một phần việc làm, tạo một phần thu nhập nhất định cho giới quản lý địa phương..., từ đó kích thích sản xuất và nhà nước thu lại được tiền đã chi nhờ sự gia tăng đóng góp ngân sách của doanh nghiệp. Thế nhưng, hiệu quả thấp trong việc sử dụng công cụ này lại để lại nỗi đau trong dài hạn, khi tác dụng nó mang lại cũng chỉ đến vậy mà không đem lại hiệu ứng lan tỏa như những gì người ta thường kỳ vọng. Những dự án như Háng Đồng không giúp cải thiện đời sống cho người dân, không kích thích họ hăng say lao động hơn, mang lại năng suất cao hơn. Hay nói cách khác, vốn đã không tiếp cận được, mà ngay cả hiệu quả gián tiếp doanh nghiệp và người dân cũng không được hưởng.
 
Trên thế giới, các ngân hàng thường mạnh tay đầu tư vào trái phiếu chính phủ khi... bí quá, không thể cho vay được (khác với Việt Nam là gần như đóng chặt cửa với doanh nghiệp như lời phàn nàn của Hiệp hội Các doanh nghiệp vừa và nhỏ). Tờ Financial Times từng bình luận kiểu “giao dịch chéo” như vậy có tác dụng duy trì lợi nhuận thấp cho các ngân hàng và trì hoãn sức ép buộc họ phải cải cách và đổi mới kinh doanh, hay nói cách khác là triệt tiêu động lực phát triển. Tình hình này đang diễn ra ở các nước châu Âu, cũng chính là lý do khiến cho Chính phủ các nước vẫn nợ nần chồng chất dù cắt giảm rất lớn, trong khi khu vực tư nhân lâm vào cảnh đói vốn. Tình hình này cũng diễn ra ở Việt Nam, khi ngân hàng cứ kêu thừa tiền nhưng rất khó tính khi cho vay vì kêu doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu, trong khi sức khỏe ngân sách Việt Nam cũng không khá hơn là bao.
 
Theo Financial Times, một hệ thống ngân hàng lành mạnh là một hệ thống biết cách làm giảm áp lực cho nhà nước và thúc đẩy sản xuất phát triển. Nhưng tiếc thay, vai trò này đang tạm bị “ẩn” đi ở cả châu Âu và Việt Nam.
 

No comments:

Post a Comment