RFA- 08/03/2014
Tuần qua, chuyện chiếc cầu treo Chu Va ở Lai Châu bị đứt cáp, hất những người đi đưa tang cùng cỗ quan tài rơi xuống suối đá làm ít nhất 8 người mất mạng và hơn 30 người bị thương một lần nữa đã làm dư luận xôn xao, chấn động bởi chất lượng cầu ở Việt Nam. Đó là chưa kể đến hàng trăm chiếc cầu nằm chông chênh qua suối bằng vài thanh cây, vài sợi dây thừng và một số cáp treo dã chiến có đến hàng chục học sinh bu bám lên để qua sông. Cũng là những chiếc cầu, nếu như ở miền Nam có cầu khỉ, thì miền Trung có cầu tre vắt qua sông. Chuyện của những chiếc cầu tre cũng li kì và thú vị không kém!
Cầu tre lắc lẻo…
Cây cầu tre được sinh ra trong một bối cảnh cũng khá lạ, thường thì những nơi có cầu tre là những nơi heo hút, dân cư đông đúc nhưng đường sá teo tóp, nhỏ nhoi, lại bị con sông chắn ngang đường đi, mùa nắng băng sông bằng đò, đến mùa mưa thì việc đi lại hết sức đáng sợ bởi nguy cơ lật đò, chết người. Bởi việc đi lại quá khó khăn, người dân tự góp vốn làm cầu tre hoặc một nhà đầu tư đứng ra làm cầu tre và bán vé qua cầu cho người đi lại.
Hiện tại, những chiếc cầu tre từ vốn đầu tư của tư nhân chiếm khá nhiều tại miền Trung, góp phần không nhỏ cho việc giao thương nhưng vẫn mang tính hai mặt của nó.
Một người tên Phi, chủ của một chiếc cầu tre được đầu tư với giá 60 triệu đồng, băng qua sông Trường Giang tại Duy Xuyên, Quảng Nam, chia sẻ: “Thường thì khoảng 60 chục triệu, tùy vào cái cầu, sông nó rộng thì khoảng 50-60 triệu, hẹp thì khoảng 10 triệu, nhưng 10 triệu thì lại không lấy được vốn, vì sông nó hẹp thì người ta lội bộ, mùa hè nó cạn, người ta lội qua. Chủ yếu là những cái sông phải rộng, sông rộng làm cầu tre thì nguy hiểm thật, nhưng không có cầu thì phải làm sao, nên phải làm cầu. Từ chỗ nộp tiền thuế cho nhà nước, tiền đấu giá, tiền đầu tư làm cầu, tiền thuê người giữ cầu, có người giữ cầu thì đỡ nguy hiểm cây cầu của mình, người ta điều tiết giùm mình, chứ nếu không ba xe, bốn xe vào một lần thì sập cầu, rồi họ lại thu tiền lại cho mình, bán vé mà, phải thế thôi. Trước đây cũng có người bỏ tiền ra làm cầu, gọi là làm cầu giúp dân, nhưng bây giờ nó đua nhau nó đấu giá rồi thì phải làm kinh tế thôi!”
Trước đây cũng có người bỏ tiền ra làm cầu, gọi là làm cầu giúp dân, nhưng bây giờ nó đua nhau nó đấu giá rồi thì phải làm kinh tế thôi!
O6ng Phi, Quảng Nam
Ông Phi nói thêm, nếu như trước đây, việc đầu tư làm cầu tre ít tốn kém, và mức thu phí cũng thấp, chỉ lấy 500 đồng đối với người đi bộ và 1 ngàn đồng đối với người đi xe máy thì bây giờ mọi chuyện đã hoàn toàn khác, giá ước đã tăng gấp bốn lần vì nhiều lý do.
Trong nhiều lý do như chi phí làm cầu tăng, đồng tiền mất giá, thời giá nhảy vọt… Thì có một lý do rất cơ bản mà ai cũng có thể thông cảm mặc dù nghe ra rất buồn cười. Đó là chính sách đấu giá làm cầu và thu thuế cầu ở cấp chính quyền địa phương. Nghĩa là trước đây, người làm cầu tre không phải đóng thuế, còn bây giờ, người làm cầu tre phải đóng thuế, thậm chí phải đấu giá để làm cầu và thu lợi nhuận.
Một người yêu cầu giấu tên, sống ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam chia sẻ, chuyện tổ chức đấu giá và đóng thuế làm cầu tre là hết sức vô lý, bởi vì dù sao chăng nữa, việc làm một chiếc cầu tre lắc lẻo qua sông để người dân đi lại cũng là việc làm mà nhà cầm quyền cần phải nhìn ra sự thiếu sót cũng như sự bất lực của mình. Lẽ ra nhà cầm quyền địa phương phải trích tiền thuế, trích ngân sách để làm những chiếc cầu cho dân đi miễn phí hoặc góp phần với tư nhân để làm cầu nhằm giảm bớt khoản thu phí xuống còn một nửa. Đằng này, nhà cầm quyền địa phương lại đè người làm cầu ra đánh thuế, bắt nộp tiền cọc để đấu giá, người nào đấu giá nộp thuế cho nhà nước với mức cao sẽ thắng thầu. Nhưng, một khi có đấu thầu, sẽ có yếu tố kinh doanh và động cơ lợi nhuận sẽ đặt lên trên hết. Điều này xãy ra hai vấn đề bất lợi cho nhân dân.
Bất lợi đầu tiên phải nói đến là sẽ có nhiều người không có tâm huyết với những chiếc cầu tre nhưng lại vì động cơ lợi nhuận, sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để thắng thầu, sau đó tha hồ bóc lột người qua cầu dưới sự bảo kê của nhà cầm quyền. Và trong trường hợp này, người vì động cơ lợi nhuận chưa chắc đã nắm đủ kĩ thuật để làm cầu tre băng sông, chất lượng cầu sẽ rất kém và nguy cơ cầu sập bất kì giờ nào là có thật.
Trường hợp thứ hai, vì không tâm huyết nhưng cuốn theo động cơ lợi nhuận, họ sẽ đóng thuế rất cao để thắng thầu, lúc đó, mọi yêu cầu về an toàn của nhân dân không được đặt ra nhưng nhân dân phải gánh chịu khoản phí qua cầu rất cao. Ví dụ như thay vì đóng một ngàn đồng để qua cầu, người dân phải đóng đến năm ngàn đồng, bởi chi phí này cõng cả tiền nuôi nhà cầm quyền, tiền nuôi người làm cầu và một số khoản nhậu nhẹt, bôi trơn chiếc cầu trước quyền thế địa phương.
Cầu tre đến bao giờ?
Đây là câu hỏi mới nghe tưởng nói chơi nhưng thực tế lại chứa quá nhiều trăn trở của nhân dân những vùng hẻo lánh, đi lại bằng đò hoặc cầu tre. Thường, mùa nắng thì phương tiện cầu tre giúp người ta đi lại thuận tiện nhất, chỉ có những ai quá tiết kiệm hoặc thấy quá tốn kém mới dùng ghe bơi qua sông. Nhưng đến mùa mưa, cả đò và cầu tre là hai phương tiện nguy hiểm ngặt nghèo.
Nếu đi đò thì có thể bị nước lũ cuốn bất kỳ giờ nào, còn việc băng qua chiếc cầu tre chóng vánh giữa dòng nước cuồn cuộn chảy cũng đáng sợ không kém. Bà Nguyên, cư dân xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, than thở với chúng tôi rằng không có gì đáng sợ và làm bà hãi hùng hơn kinh nghiệm một lần suýt chết khi đi qua cầu tre ở quê bà.
Với kết cấu gồm vài chục gốc tre già đóng chéo xuống sông, sau đó buộc hai cây tre to vào hai bên thành đường ray và đặt lên trên đường ray những mảng tre chẻ đôi, đóng đinh, buộc dây thép thật chặt cho tất cả những thanh tre liên kết với nhau thành chiếc cầu. Qui trình hết sức đơn giản và tải trọng của cầu không được phép quá 500kg.
Một người yêu cầu giấu tên, sống ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, chia sẻ: “Thì đóng cọc xuống, đóng chéo qua chứ sao, chéo như dấu nhân vậy đó, rải dài rồi người ta cọc, cột mấy cái róng tre dài dưới chân và phía trên rồi xong chứ có gì đâu!”
Chính vì thế, khi có hai chiếc xe máy ở hai đầu cầu chạy ngược chiều nhau và giáp nhau giữa cầu, lúc này chiếc cầu rung lắc cứ như chuẩn bị đổ ập xuống sông. Trong tình trạng mùa mưa lũ thì miễn bàn, cảm giác cây cầu nổi dần lên theo mực nước là cảm giác thật vì với những cây tre cắm xuống lòng sông không bao giờ đủ sức neo cây cầu đừng nổi theo mực nước lũ.
Lần bà Nguyên suýt chết là trận lũ năm 2010, vì phải đi mua lương thực dự trữ cho mấy ngày lũ, nên mặc dù nước đang dâng cao, bà vẫn liều mình đi mua, khi về thì nước đã dâng cao quá mức. Bà vịn vào thành cầu lội băng qua sông, đến giữa sông, cây cầu bị nước chảy giật lắc qua lắc lại liên tục, bà cắn răng ôm thùng thực phẩm lội đến đầu bên kia, vừa chạm chân vào bờ, thò tay quơ vội, nắm lấy cây ổi thì cây cầu bị nước cuốn phăng. Bà chỉ biết rùng mình nhìn theo.
Có thể nói kinh nghiệm đáng sợ của bà Nguyên cũng là kinh nghiệm chung cho những cư dân sống ở vùng sông nước heo hút, quanh năm suốt tháng phải băng sông, băng suối trên những chiếc cầu mà khi đi trên đó, cảm giác của một người làm xiếc pha lẫn với cảm giác đối diện tử thần, thân phận cái kiến, con sâu luôn hiện hữu. Đến bao giờ người dân nơi đây mới có những chiếc cầu đúng nghĩa?
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment