Cập nhật: 17:14 GMT - chủ nhật, 9 tháng 3, 2014
Khả năng tìm được chiếc phi cơ Boeing 777, số hiệu MH370 đang bị mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines từ hôm 08/3/2014 có thể là 'rất nhanh, nhưng cũng rất lâu' theo nhận định của một cựu quan chức lãnh đạo hàng không quốc gia Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 09/3, ông Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, người đồng thời là một phi công với nhiều năm trong nghề và có kinh nghiệm lái Boeing 777, nói chiếc máy bay có khả năng rất cao là đã bị rơi và cũng có thể phải mất rất nhiều thời gian mới tìm lại được.
Ông nói: "Cũng tùy theo mình xác định như thế nào và công tác tìm kiếm của mình như thế nào, cũng có thể rất là nhanh, nhưng cũng có thể rất lâu.
"Vì theo tôi nhận định thì có lẽ tai nạn này, máy bay này rơi xuống biển rồi, công tác tìm kiếm cũng tùy theo khả năng sẵn có của tất cả các phương tiện thôi.
"Rút kinh nghiệm chuyến máy bay của Air France rơi ở Đại Tây Dương, cũng xác định được, nhưng đến hàng năm sau mới phát hiện được."
Theo ông Trung, có thể chiếc phi cơ Boeing 777 đã phát nổ bất ngờ khiến tổ lái không kịp hành động, xử lý, hoặc cấp báo tín hiệu cho các trung tâm mặt đất và đây có thể là nguyên nhân của việc phi cơ bất ngờ mất tín hiệu trên màn hình radar mà tổ lái không kịp phát tín hiệu hoặc liên lạc gì thêm.
Nhận định về nguyên nhân có khả năng cao nhất đứng sau việc phi cơ mất tích, gần hai ngày sau sự cố, ông Trung nói:
"Trong hàng không cũng có rất nhiều nguyên nhân, nhưng đối với chiếc Boeing 777 này, tôi đã từng bay máy bay này và tôi cũng từng bay khu vực này, đường bay này, từ Singapore và Malaysia đi về hướng này, thì khu vực này, vào mùa này, thời tiết rất tốt.
"Giả xử nó có vấn đề gì về kỹ thuật, thì người phi công vẫn còn đủ thời gian và đủ thời lượng để liên lạc để nhờ tất cả các trung tâm không lưu để giúp đỡ cho họ"
Ông Nguyễn Thành Trung
"Cho nên khả năng về thời tiết có thể loại trừ, là không do thời tiết. Còn về kỹ thuật, tôi rất lấy làm lạ là tại sao máy bay này mất tín hiệu trên màn hình radar của cả hai trung tâm không lưu, của Singapore, của Malaysia và của Việt Nam.
'Phi công không nói được'
Ông Trung phán đoán thêm: "Thứ hai nữa, giả sử nó có vấn đề gì về kỹ thuật, thì người phi công vẫn còn đủ thời gian và đủ thời lượng để liên lạc để nhờ tất cả các trung tâm không lưu để giúp đỡ cho họ."
Cũng theo cựu phi công, một biến cố rất đột xuất đã có thể xảy ra, như một vụ nổ và việc này đã khiến phi công và tổ lái điều khiển không kịp trở tay.
Ông nói: "Theo tôi đánh giá, có một cái gì đấy rất đột xuất mà người phi công không trở tay kịp và chính vì thế gây ra tai nạn. Đột xuất là có khi máy bay bị nổ trên không, còn lý do gì nó nổ, hoặc ai làm nó nổ thì chúng tôi không dám khẳng định,
"Đột xuất mà người phi công không nói được một tiếng nào, thì chúng tôi đánh giá chỉ có trường hợp này làm người phi công không nói được tiếng nào."
Về khả năng phi cơ bị gặp không tặc hoặc khủng bố trong lúc bay, ông Nguyễn Thành Trung cho rằng dù điều này có xảy ra, thì rất khó cho nhóm này có thể tác động tới việc điều khiển chuyến bay của tổ lái và phi hành đoàn.
Về thông tin nói phi cơ MH370 có thể đã đổi hướng bay để quay đầu trở lại điểm xuất phát, ông Trung nói:
"Cái đó tôi cũng có nghe và cũng không loại trừ có một sự cố gì đấy bắt buộc người phi công muốn trở về sân bay cũ, bởi vị họ mới cất cánh lên cũng khoảng một tiếng đồng hồ thôi, thì ở quãng này, gặp sự cố, người phi công có thể quay trở lại Kuala Lumpur để hạ cánh.
"Hoặc có thể đi tiếp để hạ cánh ở trên đất nước Việt Nam, thí dụ như ở đảo Phú Quốc, ở Cần Thơ hoặc ở Tân Sân Nhất."
'Không thể vào buồng lái'
"Và buồng lái đó sau 11/9 được gia cố rất chắc, thậm chí anh bắn cũng không được, không lủng vào, thế cho nên việc thâm nhập vào buồng lái để khống chế phi công thì theo tôi đánh giá, ít có khả năng xảy ra"
Ông Nguyễn Thành Trung
Theo ông Trung, từ sau vụ khủng bố 11/9 ở Hoa Kỳ, không riêng gì phi cơ Boeing 777 mà nhiều phi cơ khác đã được củng cố lại hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh, đặc biệt ở cabin của tổ lái, với độ an toàn được củng cố, nên nếu đối tượng sử dụng súng, thì đạn cũng khó làm hư hại buồng lái.
Ông Trung nói: "Khi đã đóng cửa máy bay rồi thì buồng lái không ai vào được, chỉ trừ những người của phi hành đoàn, có tín hiệu thì người ta mới mở cửa, những người bình thường của khách đi trên máy bay không thể nào xâm nhập được buồng lái.
"Và buồng lái đó sau 11/9 được gia cố rất chắc, thậm chí anh bắn cũng không được, không lủng vào, thế cho nên việc thâm nhập vào buồng lái để khống chế phi công thì theo tôi đánh giá, ít có khả năng xảy ra."
Trong cuộc trao đổi hôm Chủ Nhật, cựu quan chức lãnh đạo Vietnam Airlines cũng loại trừ khả năng có thể có những vật thể lạ bay lên từ mặt đất hoặc xuất hiện từ trên không trung tác động vào chiếc phi cơ đang được tìm kiếm và làm phi cơ này bị mất tích.
Ông cũng cho hay mặc dù quá trình tìm kiếm đang diễn ra, sự cố với phi cơ của hàng không Malaysia là dịp để các hãng hàng không của Việt Nam rà soát, kiểm tra và tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh hàng không.
Các diễn biến tìm kiếm chiếc Boeing 777 đang diễn ra mau lẹ với nhiều quốc gia khu vực trong đó ngoài Malaysia, có Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines... cùng các tổ chức quốc tế từ an toàn hàng không, chống khủng bố v.v... tham dự.
Hôm Chủ Nhật, nhà chức trách Việt Nam cho hay phát hiện mảnh vỡ được nghi là có liên quan tới phi cơ bị mất tích ở gần đảo Thổ Chu.
Hôm thứ Bảy, truyền thông Việt Nam cũng đưa tin các phi cơ tìm kiếm của nước này đã chụp được hình hai vệt được ghi là dầu loang trên biển, nhưng không thể xác định có thuộc về chiếc phi cơ có số hiệu MH370 bị mất tích hay không.
No comments:
Post a Comment