Wednesday, February 5, 2014

Đường vào tù của sếp chứng khoán

Chủ mưu các phi vụ lừa đảo chiếm đoạt trên 225 tỷ đồng của nhiều ngân hàng và đơn vị gây chấn động thị trường chứng khoán là Lê Hồ Khôi, tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Tràng An.
khoi.jpg


































Sau thời gian ăn nên làm ra cùng phong trào “nhà nhà chơi chứng, người người chơi chứng” đến năm 2010 khi thị trường bắt đầu sụt giảm, Công ty cổ phần chứng khoán Tràng An lâm vào tình trạng thiếu vốn kinh doanh. Tổng giám đốc Lê Hồ Khôi chỉ đạo cán bộ, nhân viên dưới quyền hợp thức hồ sơ của cá nhân có tài khoản, và cổ phiếu mở tại Công ty Tràng An để vay tiền.
Trong số bị hại của vụ này, bị chiếm đoạt nhiều tài sản nhất là Công ty tài chính cổ phần Điện lực với số tiền lên tới hơn 104 tỷ đồng.
Để vay và chiếm đoạt tiền của công ty này, ông Khôi ký hợp đồng hợp tác thanh toán tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh với Công ty tài chính cổ phần Điện lực với nội dung: Công ty Tràng An giới thiệu khách hàng có nhu cầu hợp tác thanh toán tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh cho công ty điện lực. Công ty Tràng An đảm bảo vô điều kiện bằng toàn bộ tài sản của mình với các khoản hợp tác của khách hàng do Công ty Tràng An giới thiệu. Công ty Tràng An quản lý phong tỏa cổ phiếu của khách hàng đã được sử dụng để cầm cố, đảm bảo cho khoản hợp tác. Công ty Tràng An đảm bảo về tính hợp pháp và hợp lệ đối với các hồ sơ cung cấp cho Công ty tài chính cổ phần Điện lực. Hạn mức tối đa cho các khách hàng của Công ty Tràng An vay là 50 tỷ đồng và mỗi khách vay là 10 tỷ đồng.
Sau hợp đồng hợp tác trên, ông Khôi đã chỉ đạo kế toán trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan hợp thức hồ sơ của cá nhân để giúp công ty vay tiền tại Công ty tài chính cổ phần Điện lực theo hình thức hợp tác vay tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh rồi chuyền tiền về tài khoản của Công ty Tràng An sử dụng.
Thực hiện ý tưởng của tổng giám đốc, Lan lấy chứng minh nhân dân của 9 cá nhân bao gồm mẹ đẻ, anh trai và những người quen để mở tài khoản chứng khoán mang tên họ tại Công ty Tràng An. Lan đưa các thông tin liên quan tới tài khoản chứng khoán của 9 người này và 2 nhân viên trong công ty là Nguyễn Trí Dũng và Nguyễn Như Hiền cho nhân viên kế toán, chỉ đạo lập 11 hồ sơ thanh toán tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh theo mẫu do Công ty tài chính cổ phần Điện lực cung cấp.
Sau khi có 11 hồ sơ giả mạo, Lan cùng Lê Quang Hưng (kế toán) giả chữ ký của các cá nhân trong các giấy tờ hợp tác đầu tư, hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán, hợp đồng hợp tác thanh toán tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh. Lan còn lập một bản báo cáo tổng hợp tài khoản của 11 khách hàng trên cho nhân viên trong công ty ký xác nhận. Do tin tưởng Lan, các nhân viên trong công ty không kiểm tra tên tuổi của từng khách hàng và số dư chứng khoán có đúng thực tế không nên đã ký xác nhận. 11 hồ sơ được Tổng giám đốc Khôi ký duyệt để chuyển đến Công ty tài chính cổ phần điện lực vay tiền.
Công ty Điện lực chấp nhận cho vay và giải ngân trên 104 tỷ đồng. Số tiền này đã được Công ty Tràng An mang đi trả nợ.
Đến cuối 2011 sau khi đối tác phát hiện ra 11 hồ sơ được Công ty Tràng An hợp thức vay tiền, Khôi, Lan và Công ty Tràng An đã thế chấp tài sản và nộp tiền cho Công ty tài chính cổ phần Điện lực để khắc phục hậu quả.
Theo cơ quan điều tra, không dừng lại ở hành vi lừa đảo trên, sự liều lĩnh của Khôi còn tiếp tục ở việc lập hồ sơ giả để vay tiền nhiều đơn vị, ngân hàng khác. Tháng 10/2010, Khôi ký hợp đồng hợp tác với Ngân hàng TMCP nhà Hà Nội với nội dung: Công ty Tràng An giới thiệu khách hàng có nhu cầu nhận ủy thác đầu tư cho ngân hàng theo hình thức cầm cố chứng khoán niêm yết, là đầu mối liên hệ với ngân hàng về các giao dịch của khách. Công ty Tràng An kiểm tra rà soát hồ sơ, ký xác nhận hồ sơ của khách hàng trước khi trình ngân hàng.
Có được hợp đồng hợp tác trên, Khôi chỉ đạo Trịnh Văn Toàn (Phó tổng giám đốc) và Nguyễn Thị Ngọc Lan hợp thức khống hồ sơ của 4 khách hàng theo hình thức nhận ủy thác đầu tư để vay tiền tại Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội, sau đó chuyển tiền về tài khoản của công ty Tràng An. Ý đồ chiếm đoạt tiền của Khôi đã được kế toán trưởng thực hiện bằng việc dùng 4 chứng minh thư của 4 nhân viên trong phòng của gia đình Lan lập các giấy tờ cần thiết phục vụ việc vay tiền.
Số giấy tờ này được Lan và Lê Quang Hưng giả chữ ký của khổ chủ. Để hoàn thiện hồ sơ vay tiền của 4 cá nhân, Lan còn trình Trịnh Văn Toàn ký xác nhận việc 4 cá nhân này sở hữu và cầm cố 13 mã cổ phiếu các loại với số lượng lên đến hàng triệu đơn vị. Căn cứ hồ sơ của 4 cá nhân đã được phía Công ty Tràng An xác nhận, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội đã xét duyệt cho 4 khách hàng này được vay số tiền 56 tỷ đồng.
Theo yêu cầu của ngân hàng, trước khi giải ngân, Phó giám đốc Tràng An đã ký xác nhận phong tỏa tất cả các mã chứng khoán (thực chất là khống) của 4 khách hàng sở hữu. Thực tế 4 cá nhân đứng tên vay tiền ngân hàng không hề biết khoản vay trên bởi tiền được ngân hàng chuyển vào tài khoản của Tràng An. Số tiền này, Tràng An sử dụng hết vào thanh toán nợ.
Đầu năm 2011 thị trường chứng khoán giảm sút mạnh, giá trị chứng khoán đứng tên 4 cá nhân cầm cố tại Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội giảm xuống không đủ để đảm bảo cho khoản tiền nhận ủy thác nên phía ngân hàng yêu cầu Công ty Tràng An thông báo với các khách hàng trả một phần tiền ủy thác hoặc giảm cầm cố thêm chứng khoán cho ngân hàng.
Không có tiền để trả nợ ngân hàng, Khôi và Toàn đã dấn sâu hơn vào con đường lừa đảo, thống nhất lấy chứng khoán của các khách hàng có tài khoản chứng khoán tại công ty Tràng An, giả chứ ký của họ để thế chấp bổ sung vào Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội, đảm bảo cho khoản tiền ủy thác của 4 cá nhân.
Toàn tự ý lấy chứng khoán của 18 khách hàng, giả chữ ký của họ trong hợp đồng cầm cố chứng khoán niêm yết với Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội rồi xác nhận việc cầm cố, phong tỏa số chứng khoán trên tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, đảm bảo cho khoản tiền mà Tràng An đã hợp thức hồ sơ khống của 4 cá nhân vay rồi chiếm đoạt 5 tỷ đồng của ngân hàng.
Riêng tổng giám đốc Khôi đã giả chữ ký để cầm cố 58.200 cổ phiếu của một khách hàng có tên Trần Quốc Việt và cầm cố 199.000 cổ phiếu, tương đương gần 2 tỷ đồng, do Công ty Tràng An sở hữu vào Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội, đảm bảo cho khoản ủy thác đầu tư. Đến nay công ty Tràng An đã khắc phục trả cho ngân hàng 45,5 tỷ đồng, còn nợ 8,5 tỷ đồng.
Cuối 2011, Công ty Tràng An rơi vào vòng nợ nần ngập ngụa, tổng giám đốc Khôi càng liều lĩnh hơn. Để có tiền khắc phục hậu quả cho Công ty tài chính cổ phần Điện lực, cuối tháng 11/2011, ông Khôi đại diện Công ty Tràng An đã cầm cố 1.500.000 cổ phần tương đương 15 tỷ đồng mà Tràng An sở hữu tại công ty Cổ phần Fortika Trung Yên cho Công ty tài chính cổ phần Điện lực nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Thế nhưng sau khi cầm cố xong, ông Khôi lại đại diện cho Tràng An dùng số cổ phần đã chuyển nhượng trên để chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Tuệ 1.500.000 cổ phần và chuyển nhượng 450.000 cổ phần cho Công ty cổ phần Dịch vụ Đường cao tốc Việt Nam. Tổng số tiền chuyển nhượng đã chiếm đoạt là 16 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, để có tiền trả nợ Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hai Bà Trưng, cuối 2011 ông Khôi tiếp tục chỉ đạo Lan hợp thức hồ sơ của 9 cá nhân để vay tiền tại BIDV chi nhánh Hai Bà Trưng theo hình thức cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán rồi chuyển tiền về tài khoản của Tràng An. Lan lấy 4 chứng minh thư của người quen và chứng minh thư của 5 khách hàng đưa cho Lê Quang Hưng hợp thức, lập khống hồ sơ.
Thông tin trong 4 bộ hồ sơ khống này được tổng giám đốc Khôi ký xác nhận “đúng sự thật”, BIDV chi nhánh Hai Bà Trưng đã duyệt, giải ngân số tiền vay 45 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của Tràng An mở tại BIDV Hai Bà Trưng. Số tiền này sau đó đã được BIDV Hai Bà Trưng giữ lại để thu hồi các khoản nợ trước đây của Tràng An...
Kết thúc giai đoạn điều tra, Công an Hà Nội xác định các bị can Khôi, Toàn, Lan và Hưng đã hợp thức hồ sơ, giả chữ ký khách hàng vay và chiếm đoạt hơn 220 tỷ đồng; thế chấp tài sản và trả tiền khắc phục được gần 175 tỷ đồng. Họ phải có trách nhiệm bồi hoàn cho BIDV chi nhánh Hai Bà Trưng, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội số tiền 35,5 tỷ đồng. Ngoài ra, bị can Khôi phải có trách nhiệm bồi hoàn cho bà Nguyễn Thị Tuệ 12 tỷ đồng và Công ty cổ phần dịch vụ Đường cao tốc Việt Nam trên 3 tỷ đồng.
Khôi, Toàn, Lan bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự, mức phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.  Với cán bộ liên quan việc thẩm định hồ sơ vay tiền của Công ty Tràng An, Cơ quan cảnh sát điều tra kiến nghị Ngân hàng BIDV, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (nay sát nhập thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội), Công ty tài chính cổ phần Điện lực có hình thức xử lý hành chính nghiêm khắc.
Theo An ninh thế giới

No comments:

Post a Comment