Wednesday, February 5, 2014

Việt Nam bảo vệ Báo cáo định kỳ về quyền con người

(Chinhphu.vn) - Ngày 5/2, Việt Nam chính thức bảo vệ Hồ sơ nhân quyền trước Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR).
Theo TTXVN, Đoàn liên ngành Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu tham dự Phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ II trong bối cảnh Việt Nam vừa trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất trong số các ứng cử viên.

Báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ II của Việt Nam nhấn mạnh những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên thực tế; nêu bật kết quả thực hiện những khuyến nghị đã chấp nhận tại Báo cáo UPR chu kỳ I, những thách thức, tồn tại và hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển quyền con người.

Báo cáo nêu rõ: Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người như thông qua bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó dành toàn bộ Chương II quy định việc bảo vệ quyền con người và quyền công dân; Ban hành mới các luật như Luật Khám chữa bệnh (2009), Luật Lý lịch tư pháp (2009), Luật Người cao tuổi (2010), Luật Người khuyết tật (2010), Luật Nuôi con nuôi (2010), Luật Thi hành án hình sự (2010), Luật Tố tụng hành chính (2010), Luật Tố cáo (2011), Luật Phòng, chống mua bán người (2011),… 

Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế quan trọng về nhân quyền như: ký Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD) năm 2008; thông qua Luật Người khuyết tật năm 2010 và hiện đang hoàn thiện các thủ tục để sớm phê chuẩn CRPD; gia nhập Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (năm 2012); Công ước số 122 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về chính sách việc làm; Phê chuẩn Công ước số 186 về Lao động hàng hải ngày 8/5/2013 (có hiệu lực từ 8/5/2014).

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người như: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin; quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; quyền của người đang chấp hành án phạt tù, người bị tạm giam, tạm giữ đề điều tra; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Việt Nam luôn coi trọng xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII đạt 24,4%, đứng thứ hai khu vực ASEAN.

Trên phạm vi khu vực và quốc tế, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) và Tuyên bố Nhân quyền ASEAN; tích cực tham gia Sáng kiến cấp Bộ trưởng các nước Tiểu vùng sông Mekong về phòng, chống nạn buôn bán người (COMMIT); phối hợp chặt chẽ với các tổ chức LHQ như Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC), Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), Dự án Liên đối tác LHQ về chống buôn người (UNIAP) và ký nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác song phương với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Malaysia… về phòng, chống nạn buôn bán người trong khu vực (COMMIT); thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về nhân quyền với một số nước và đối tác như Mỹ, Liên minh châu Âu, Australia, Na Uy, Thụy Sĩ.

Bằng chứng cho thấy sự tích cực và chủ động của Việt Nam tham gia đóng góp vào những công việc quốc tế, nhất là việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người được thể hiện qua số phiếu  ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.

UPR là cơ chế được Hội đồng Nhân quyền thành lập năm 2007 nhằm đánh gia một cách toàn diện, khách quan tình hình thực hiện các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền của tất cả các nước thành viên LHQ. 
Năm 2009, Việt Nam đã trình bày và bảo vệ thành công báo cáo UPR chu kỳ I và được Hội đồng Nhân quyền LHQ đánh giá cao./.
PV

No comments:

Post a Comment