Wednesday, February 5, 2014

CÁC LINH MỤC VIỆT NAM KÊU GỌI HUỶ BỎ ÁN TỬ HÌNH

VRNs (05.02.2014) – Thừa Thiên Huế – Bản án tử hình đối với phạm nhân đã từ lâu không diễn tả sự công tâm của pháp luật, mà mang nặng tính trả thù. Đặc biệt Giáo lý Công giáo, từ lâu, đã lên án hình thức kết án phi nhân này. Nhân dịp Việt Nam phải ra điều trần trước Hội đồng nhân quyền LHQ (UPR), mỗi 4 năm một lần, Nhóm linh mục Nguyễn Kim Điền và các linh mục Công giáo khác đã đồng ký tên kêu gọi Quốc hội hủy bỏ án tử hình.
14020500—–
          Kính gởi 
- Quý Cơ quan hữu trách Việt Nam.
          Đồng kính gởi 
- Quý Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
- Quý Anh Chị Em Tín hữu Công giáo.
- Quý Cơ quan Nhân quyền Quốc tế
          1- Nhận định
          - Kể từ sau năm 1975, Việt Nam là một trong số những quốc gia thi hành án tử hình nhiều nhất thế giới, vừa đối với các tù nhân hình sự, vừa đối với các tù binh chiến tranh (thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa), vừa đối với các tù nhân lương tâm. Có rất nhiều chứng từ lẫn tài liệu về vấn đề này. Và không thiếu những trường hợp chết oan vô tội. Gần đây lại có một loạt án tử hình được tuyên liên quan đến tham nhũng, cướp của, buôn ma túy, gây xôn xao cho toàn xã hội.
          - Việt Nam đang theo chế độ duy vật vô thần, độc tài toàn trị, không tam quyền phân lập, hệ thống tư pháp bị đảng Cộng sản kiểm soát hoàn toàn, lại có nạn công an điều tra lập thành tích, công tố viện và thẩm phán nhận đút lót, nên thường xuyên có những vụ xét xử bất công, dễ dẫn đến những sai lầm công lý trầm trọng và có thể đưa đến những bản án tử hình đi ngược các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
          - Với Nghị định số 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ ký ngày 17-12-2013, có hiệu lực từ 1-2-2014, cho phép bắn vào kẻ bị cho là “có hành vi chống người thi hành công vụ”, nhằm ngăn ngừa những cuộc nổi dậy ngày càng tăng của nhân dân, và trước hiện trạng nhiều công dân vô tội bị chết sau khi sa vào tay công an, công luận e rằng rồi đây sẽ có những bản án tử hình được thực thi tại chỗ, mà tính chất chính đáng sẽ là mối băn khoăn nhức nhối cho lương tâm của toàn xã hội.
          - Việc thi hành án tử hình tại VN còn nhiều thể thức vô nhân đạo. Như việc các tử tù bị giữ lâu năm lâu tháng trong cảnh biệt giam, cùm kẹp và đọa đày nghiệt ngã… khiến cho họ (và gia đình họ) sống trong khắc khoải khôn cùng, dễ dẫn đến tự hủy hoại; như việc thi hành án tử bằng những phương cách gây đau đớn kéo dài cho các phạm nhân; như việc mới đây, một nhóm bác sĩ được mời đến để chữa bệnh nhưng tới nơi thì bị cưỡng bức tiêm thuốc độc để giúp nhà tù thi hành án tử. Như thế là trực tiếp phá vỡ những cam kết chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của bác sĩ.
          - Nhân loại hiện nay có Ngày Thế giới chống án tử hình (được thiết lập từ 10-10-2003). Liên Hiệp Quốc, nhiều tổ chức nhân quyền, nhân đạo và tôn giáo đã kêu gọi các quốc gia mau chóng loại bỏ thứ án ấy, vì đó là một sự vi phạm quyền sống, thiếu nhân đạo và hạ nhân phẩm, như được nêu ra trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (đ. 3 và 5) và Công uốc quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (đ. 6 và 7). Ngoài ra, số lượng các nước bãi bỏ án tử hình không ngừng gia tăng. Nay đã có 138 quốc gia chẳng còn áp dụng án tử hình, trong đó 94 quốc gia đã ban hành luật bãi bỏ nó hẳn, số còn lại bỏ nó trong thực tế, nghĩa là vẫn duy trì, nhưng không thi hành án. (RFI 24-02-2010, Tóm lược Học thuyết Xã hội của GHCG số 405)
          2- Tuyên bố
          Từ những nhận định trên, là những linh mục Công giáo có nghĩa vụ rao truyền giáo huấn của Giáo hội, có trách nhiệm xây dựng nền văn minh sự sống theo lời dạy của Cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2, và từ lâu đấu tranh cho nhân quyền lẫn dân quyền theo tinh thần của Cố Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, chúng tôi cực lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự, vì những lý do như sau:
          a- Quyền sống của con người (từ lúc tượng hình trong bào thai đến lúc chết tự nhiên) là quyền tối thượng và cơ bản mà chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền định đoạt và kết thúc.
          b- Công lý, luật pháp và tòa án là nhằm giữ gìn trật tự xã hội và bảo vệ công dân vô tội, nhưng cũng nhằm giáo dục các công dân phạm tội, giúp họ hối lỗi và đền bù (sửa chữa), chứ không nhằm báo oán lên họ và gia đình họ.
          c- Án tử hình do đó thể hiện sự thất bại của luật pháp, vì mạng người mất đi thì không thể sửa chữa được. Ngoài ra, án phạt này chẳng có tác dụng gì trong việc đấu tranh chống tội phạm (tại những quốc gia áp dụng nó không hề thấy suy giảm các tội phạm nghiêm trọng, trái lại là suy giảm ý thức tôn trọng nhân mạng và nhân phẩm trong xã hội; đang khi chẳng có một hệ thống tư pháp nào mà không sai lầm trong xét xử (nhiều tử tội đã phải chết oan).
          d- Xã hội hiện nay đang có những phương thế trấn áp tội phạm cách hiệu quả, bẳng cách làm cho các can phạm trở nên vô hại mà không dứt khoát từ chối cơ may để họ cải tạo. (ĐGH Gioan-Phaolô 2, Thông điệp Tin mừng Sự sống số 27).
          e- Những biện pháp răn đe và trừng phạt không đổ máu phù hợp hơn với những điều kiện cụ thể của công ích và phẩm giá con người. (Giáo lý GHCG số 2267)
          f- Chúng tôi yêu cầu các cơ quan hữu trách Việt Nam sớm xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự để hủy bỏ hình phạt “tử hình” và ngưng ngay việc thi hành mọi án tử đã tuyên.
          Làm tại Việt Nam ngày 05-02-2014, ngày Kiểm điểm Định kỳ Toàn cầu về Nhân quyền
          Ký tên:
          Đại diện Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền:
- Lm Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Tổng giáo phận Huế
- Lm Tađêô Nguyễn Văn Lý, Tổng giáo phận Huế
- Lm Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Bắc Ninh
          Đồng ký tên:
- Lm Antôn Lê Ngọc Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế SG
- Lm Giuse Đinh Hữu Thoại, Dòng Chúa Cứu Thế SG

No comments:

Post a Comment