LTS: Sau mạch bài NHỮNG SỐ PHẬN ĐỚN ĐAU SAU THẢM ÁN Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa, Báo điện tử Trí thức trẻ tiếp tục đưa tới bạn đọc những thông tin độc quyền về những số phận sau vụ án chấn động dư luận: Đoàn Văn Vươn.
Hơn 2 năm sau vụ cưỡng chế, thu hồi đất đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng), trong những ngày cuối cùng của năm Quý Tỵ, chúng tôi tìm lại nơi gia đình ông ở với mong muốn được tìm hiểu cuộc sống hiện tại của vợ con ông.
16 giờ 30 chiều, chúng tôi có mặt tại bờ đê dẫn vào khu đầm của gia đình ông Vươn. So với cách đây hơn 2 năm, khung cảnh vẫn vậy.
Đứng trước đống đổ nát của ngôi nhà hai tầng bị phá sau vụ cưỡng chế cách đây hơn 2 năm, chúng tôi lên tiếng gọi. Nghe tiếng, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) tất tả ra đón khách vào trong nhà.
Ngôi nhà cấp 4 mới được xây cất cách đây chưa lâu do các nhà hảo tâm đóng góp, giúp đỡ nằm ở vị trí phía sau khu lều dựng tạm trước đó của gia đình. Bên trong nhà, bà Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý) cũng vội bỏ bức tranh thêu đang làm dở để đón chúng tôi.
Hai chị em bà Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu (tức Hiền) trong ngôi nhà cấp 4 mới được xây cất lại cách đây chưa lâu.
Mặc dù đã sát 30 Tết nhưng không khí đón năm mới vẫn chưa đến với ngôi nhà có hai người phụ nữ và mấy đứa trẻ ở giữa khu đầm rộng mênh mông này. Trên bàn thờ gia tiên và bàn thờ cô con gái xấu số của ông Vươn vẫn chưa có gì ngoài một nải chuối của nhà trồng được.
"Tết thì cũng vậy thôi. Nếu sắm sửa thì phải 28 - 29 âm lịch mới bắt đầu nhưng đơn giản thôi vì gia cảnh như vậy và chỉ có vài mẹ con với nhau. Bánh chưng do bác ở trong làng gói rồi mang cho chứ ngoài này từ ngày mấy người đàn ông bị đi tù đến giờ không gói. Tết bây giờ là việc lo đi thăm nom các ông ấy trên trại để cho được đầy đủ, yên tâm thi hành án, rồi vài cái bánh chứng gọi là có để mấy đứa trẻ nó vui vẻ, bước sang năm mới chăm chỉ học hành hơn", bà Hiền bày tỏ.
Tiếp câu chuyện, khi nhắc đến gia cảnh hiện tại, cả hai người vợ, người mẹ này đều không giấu nổi nét đượm buồn trên khuôn mặt.
Theo bà Thương, sau khi tòa xử, hai người đàn ông từng là trụ cột trong gia đình bị đi tù thì hai chị em bà đã trở thành những lao động chính, phải lo toan mọi việc.
"Sau tất cả những sự việc đã xảy ra, giờ hai ông ấy phải ngồi tù để cải tạo, còn lại hai chị em chúng tôi ở nhà phải lo toan tất cả mọi việc lớn nhỏ. Khi mới xảy ra vụ việc, do nhà toàn đàn bà, trẻ con mà đầm thì rộng, không trông nổi nên mới bị những kẻ xấu đánh, bắt trộm mất gần hết tôm, cua, cá...
May là có đứa cháu gọi bằng cậu mợ trông nom, lo việc đầm cho suốt thời gian qua và mọi người giúp đỡ nhiều nên mọi việc đã dần quay trở lại bình thường", bà Thương chia sẻ.
Khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn hiện tại.
Tiếp lời chị dâu mình, bà Hiền cũng cho hay, mặc dù gia đình vẫn canh tác ở đầm nhưng thu hoạch giờ đây không được như xưa mà những khoản phải lo thì nhiều lên gấp bội.
"Trước các ông ấy ở nhà thì còn có người để làm làm, giờ mọi chuyện như thế rồi, nhà neo người nên phải cho người ta làm đỡ đi một phần đầm, phần còn lại thì mấy mợ cháu làm. Nhưng mấy vụ vừa rồi cũng không ăn thua do thiếu người chăm nom mà những khoản phải lo thì chồng chất.
Ngoài tiền tiếp tế hàng tháng cho các ông ấy ở trên trại lại còn tiền học của 4 đứa trẻ, trong đó 1 đứa mới vào đại học, rồi tiền sinh hoạt hàng ngày của gia đình.... Trăm thứ phải chi tiêu mà cái đầm thì một năm mới thu một lần. Có được ngôi nhà này cũng là nhờ mọi người giúp đỡ xây dựng, nếu để gia đình thì chả biết trông vào đâu...", bà Hiền nói.
Cũng theo bà Hiền, thời điểm hiện tại do mọi thứ trong đầm đã được thu hoạch xong hết nên cũng không có việc gì để làm, phải chờ sang năm mới, thời tiết ấm lên, gia đình sẽ tiếp tục lấy nước vào để thả tôm, cua, cá...
Bà Thương chuẩn bị cho bữa cơm tối của gia đình.
Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi ba cháu nhỏ con của hai bà đi học về từ ngôi trường trong làng trở về. Bà Thương xin phép đứng dậy để chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình và cũng để đãi những vị khách là chúng tôi.
Trong lúc bà Thương nấu cơm, những đứa trẻ chơi đùa trước sân đất nhỏ trước nhà thì bà Hiền trở lại với công việc thêu nốt tấm tranh thuê để trả cho khách.
Trời mùa đông nên khu đầm tối rất nhanh và do nằm sát biển nên gió cũng lạnh hơn. Sau bữa cơm tối đơn giản và đầm ấm, lũ trẻ cùng chơi, cười đùa với nhau khá vui vẻ.
Bên ấm trà nóng mới được pha trên chiếc nệm trải dưới nền nhà, chúng tôi lại tiếp tục câu chuyện còn đang dang dở từ cuối buổi chiều với hai người phụ nữ chịu nhiều nỗi vất vả.
Chia sẻ về sự giúp đỡ của mọi người sau khi sự việc xảy ra, cả hai người phụ nữ đều không giấu được sự cảm động khi nhắc lại những phát biểu của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, của GS Đặng Hùng Võ và nhiều người khác... chỉ ra những điểm sai trong quá trình tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất đầm của lãnh đạo huyện Tiên Lãng lúc bấy giờ.
"Sau khi vụ việc xảy ra, mấy người đàn ông bị bắt đi tất, chỉ còn lại mấy người đàn bà phải chạy vạy khắp nơi, lo lắng, hoang mang nhưng cũng chẳng biết thế nào. Nhờ sự giúp đỡ của các bác trong Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng và báo chí vào cuộc đã giúp phản ánh sự việc được rõ ràng hơn.
Đặc biệt, sau đó là những phát biểu của nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh, bác Đặng Hùng Võ đã cho thấy rõ những điểm mà chính quyền lúc đó làm sai trong việc tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của gia đình.
Gia đình luôn theo dõi rất sát những thông tin, ý kiến của các bác và từ đó, cả nhà mới yên tâm hơn, chờ đợi vào những quyết định đúng đắn sau này của Thủ tướng rồi các cấp chính quyền phía dưới.
Mọi chuyện giờ dù đã qua nhưng cho đến lúc này, điều mong mỏi lớn nhất của gia đình vẫn là nếu có điều kiện thì xin được gặp, nói lời cảm ơn tới sự giúp đỡ của hai bác Lê Đức Anh, Đặng Hùng Võ và nhiều người khác nữa", bà Hiền cho hay.
Những đứa trẻ con ông Vươn, ông Quý đang chơi với nhau khá vui vẻ.
Chia sẻ mong muốn lớn nhất của gia đình trong năm mới 2014 đang tới, bà Thương nói về những người đang ở tù: "Giờ có mong muốn thì cũng chẳng biết thế nào, năm mới cũng chỉ mong sao là các ông ấy cải tạo, thi hành án tốt để sớm được trở về với vợ con.
Hai chị em tôi lên thăm vẫn bảo, giờ chúng tôi ở nhà sẽ cố gắng giữ gìn mọi thứ của khu đầm, chăm lo tốt cho các con, còn sau này các ông được về thì tiếp tục làm lụng, chăm nom cho đầm trở lại như cũ..."
Những khó khăn, vất vả mà hai người phụ nữ này đã phải chịu đựng suốt thời gian qua vẫn tiếp diễn trong câu chuyện sau đó.
Đồng hồ điểm 10 giờ, bà Thương xin phép đi nghỉ sớm, bà Hiền cũng cất tấm tranh thêu dở để ngả lưng. Đêm nay là đêm đặc biệt sau nhiều ngày chuẩn bị cho cuộc hành trình từ sáng sớm cùng với các thành viên trong Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng lên thăm và mang đồ tiếp tế Tết lên cho ông Vươn tại Trại giam Hoàng Tiến.
Trên những chiếc dát giường được trải dưới nền nhà, chúng tôi và 5 mẹ con bà Thương, bà Hiền cùng nằm so le với nhau. Chúng tôi nằm không thể ngủ, nghe rõ bên ngoài những giọt sương đêm nhỏ thành tiếng kêu tanh tách vào vật gì đó bằng kim loại.
Qua ánh đèn le lói của chiếc đèn ngủ, nhìn khuôn mặt những đứa trẻ con của ông Vươn, ông Quý đang say giấc ngủ bên cạnh mẹ mà chúng tôi thấy lòng mình vừa nhẹ nhõm vừa trĩu nặng...
No comments:
Post a Comment