Wednesday, February 5, 2014

TRUNG QUỐC..MỸ- NÓI GÌ VỀ LỜI KÊU CỨU CỦA PHILIPPINES

DVO- 06/02/2014     -Tổng thống Philippines vừa phát đi tín hiệu kêu gọi cộng đồng thế giới cảnh giác với những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, và ngay lập tức, Mỹ, Trung đều có những hồi âm.

Truyền thông Trung Quốc phản pháo

Hôm 4/2, trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III đã lên tiếng kêu gọi quốc tế hỗ trợ chống lại các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông.
“Nếu chúng ta chấp nhận những gì chúng ta cho là sai trái, điều gì đảm bảo rằng những điều sai trái ấy sẽ không tiếp tục leo thang?” – ông Aquino nói.
Manila cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nước trên thế giới nhằm chống lại sự đe dọa từ Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III
Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III
Bắc Kinh chưa có phản hồi chính thức về những phát ngôn của ông Aquino, tuy nhiên, giới truyền thông nước này ngay lập tức đã có những hồi đáp gay gắt.

Tờ Giáo dục Việt Nam dẫn thông tin của Tân hoa xã ngày 6/2/2014, theo đó đã mô tả những nhận xét của ông Aquino về xử lý tranh chấp lãnh thổ như vô nghĩa của Trung Quốc và nhận xét, "điều đó đã lột trần bộ mặt thật (của Tổng thống Philippines) như là một chính trị gia nghiệp dư, người không biết gì cả về lịch sử cũng như thực tế".

Tân Hoa Xã nhận định, Tổng thống Aquino đã tiếp cận một cách "có tính kích động", chưa bao giờ là một chính khách khôn ngoan trong khu vực. Tân Hoa Xã nói rằng ông Benigno Aquino đã gia nhập "hàng ngũ bị thất sủng của Shinzo Abe" và lãng phí cơ hội cũng như mối quan hệ được cải thiện sau khi Trung Quốc đã gửi viện trợ cho các nạn nhân siêu bão Haiyan tại Philippines.

Trước đó, vào tháng 1/2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã có sự so sánh mối quan hệ Nhật - Trung giống như mối quan hệ Anh - Đức trước khi nổ ra Chiến tranh Thế giới I và nay là Tổng thống Philippines ví mối quan hệ giữa nước lớn nước nhỏ của thời Chiến tranh Thế giới II.

Với vấn đề chủ nghĩa phát xít hay quân phiệt, thời điểm gần đây, đặc biệt sau chuyến thăm đền chiến tranh Yakusuni của Thủ tướng Nhật Bản hồi cuối năm 2013, Trung Quốc đã kịch liệt lên án và cho rằng trong đầu nhà lãnh đạo Nhật Bản này vẫn tồn tại tư tưởng quân phiệt, hâm mộ chiến tranh.

Nhưng thực tế, Nhật Bản vẫn chưa thay đổi Hiến pháp để gia tăng sức mạnh quân sự hay sở hữu vũ khí hạt nhân. Và theo lời giải thích của Thủ tướng Abe, thăm đền chiến tranh chỉ để nhắc nhở người dân Nhật về việc căm ghét chiến tranh và tái khẳng định không phát động chiến tranh.

Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel yêu cầu Trung Quốc xem xét lại đường lưỡi bò
Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel yêu cầu Trung Quốc xem xét lại đường lưỡi bò
Mỹ cần nhìn thấy một sự chuyên nghiệp từ Trung Quốc

Trong khi Trung Quốc chỉ trích Tổng thống Philippines là một người nghiệp dư và không khôn ngoan thì từ phía Mỹ, đồng minh của quốc gia Đông Nam Á này đã có những phản hồi.

Đô đốc Samuel J. Locklear III, tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương đã có những nhận định trên tờ Tuổi Trẻ về chiến lược của Mỹ và cục diện của Biển Đông.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc tập trận với đồng minh và đối tác, tiếp tục gửi lực lượng quân sự giỏi nhất của Mỹ tới khu vực để đảm bảo môi trường an ninh an toàn ở đây”. Câu trả lời của Đô đốc Locklear đã như một lời hồi đáp cho sự kêu gọi từ phía Philippines.

Trả lời báo Today (Singapore) về lời kêu gọi của Tổng thống Aquino, Đô đốc Samuel J. Locklear III nhận định:

“Về lời kêu gọi của tổng thống Philippines, chúng tôi vẫn luôn ủng hộ việc dùng luật, thông lệ và các hiệp ước quốc tế để tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề rất phức tạp về chủ quyền lãnh thổ tại biển Đông. Việc Philippines quyết định theo đuổi vấn đề này một cách hòa bình và đúng luật là điều đáng được khen ngợi và ủng hộ.”

Đô đốc Samuel J. Locklear III, tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương
Đô đốc Samuel J. Locklear III, tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương
“Về vụ tàu khu trục USS Cowpens thì tôi sẽ không gọi sự cố giữa hải quân Mỹ và hải quân Trung Quốc đó là “suýt đụng nhau.” Nói vậy là nói hơi quá. Nhưng sự cố đó cho thấy khi hải quân (các nước) hoạt động nhiều hơn trong khu vực thì (họ) rất cần biết cách cư xử cho chuyên nghiệp. Tôi nghĩ sự cố xảy ra là đáng tiếc và có những hành vi thiếu chuyên nghiệp từ phía hải quân Trung Quốc. Nhưng khi nhận ra sự việc là nghiêm trọng thì đối thoại giữa hai bên đã có hiệu quả và tình hình dịu xuống.”

“Về quy trình ứng xử thì không có bất cứ lý do gì cần quy trình mới. Đã có những chuẩn mực quốc tế về việc tàu thuyền trên thế giới phải hành xử thế nào trên vùng biển quốc tế. Với phía Mỹ, chúng tôi sẽ vẫn hành xử chuyên nghiệp như vậy và chúng tôi hi vọng tàu quân sự và hải quân các nước, bao gồm cả Trung Quốc, cũng phải hành xử như vậy.”

“Quan điểm của chúng tôi là căng thẳng ở cả biển Đông và biển Hoa Đông hiện tại cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua con đường ngoại giao. Với những tranh chấp lãnh thổ, phía Mỹ không ủng hộ bên nào nhưng chúng tôi muốn một môi trường ổn định. Vì vậy với việc áp đặt ADIZ ở biển Hoa Đông, quan điểm của phía Mỹ là rất rõ. Chúng tôi không thừa nhận khu vực này, đó là hành động không cần thiết từ phía Trung Quốc làm phức tạp thêm tình hình.”

Mỹ sẽ tiếp tục tập trận, tăng cường hiện diện quân sự để bảo vệ các đồng minh tại khu vực
Mỹ sẽ tiếp tục tập trận, tăng cường hiện diện quân sự để bảo vệ các đồng minh tại khu vực
“Với tình hình hiện tại ở cả biển Đông và biển Hoa Đông, những việc thay đổi hiện trạng của bất cứ bên nào đều không thể chấp nhận và có thể dẫn tới bất ổn an ninh. Chúng tôi hi vọng giới lãnh đạo các nước trong khu vực sẽ cùng nhau đối thoại để đạt được đồng thuận chung. Ở biển Đông, chúng tôi muốn ASEAN và Trung Quốc sớm đưa ra Bộ quy tắc ứng xử (COC) mà tôi nghĩ là đã bị trễ quá lâu rồi.” – Locklear trả lời.

Mỹ thách thức đường lưỡi bò của Trung Quốc

Trong một động thái khác, hôm 5/2/2014, Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc làm sáng tỏ và điều chỉnh lại các đòi hỏi chủ quyền của nước này ở Biển Đông, đồng thời hối thúc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho một trong những điểm nóng có nguy cơ ngày càng lớn của châu Á này. 

Tờ Vietnam+ dẫn lời trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel, đã thách thức cái gọi là “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh thể hiện các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên phần lớn Biển Đông.

Ông nói: “Bất cứ đòi hỏi nào của Trung Quốc đối với quyền hàng hải mà không dựa trên các đặc điểm đất đai được tuyên bố đều không phù hợp với luật pháp quốc tế. Trung Quốc có thể nêu bật sự tôn trọng luật pháp quốc tế của mình bằng việc làm sáng tỏ hoặc điều chỉnh lại đòi hỏi của họ cho phù hợp với luật biển quốc tế”.

Đỗ Minh Tú

No comments:

Post a Comment