Wednesday, February 5, 2014

Luật sư bị 'hành' vì cự cãi thẩm phán

Luật sư Dung cho biết khi bà trình bày quan điểm bào chữa thì chủ tọa quay sang nói chuyện với hai thẩm phán và lắc đầu, trễ môi…

Luật sư Lôi Thị Dung (Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long) là người bào chữa và bảo vệ cho hai bị cáo và một người bị hại trong một vụ cố ý gây thương tích tại TAND tỉnh Đồng Tháp theo trình tự phúc thẩm. Tháng 3/2013, luật sư Dung được tòa cấp hai giấy chứng nhận người bào chữa.
Phiên xử phúc thẩm vụ án trên do thẩm phán Đinh Văn Phong làm chủ tọa đã diễn ra vào ngày 17/4/2013. Trong phần thủ tục, luật sư Dung đề nghị tòa xác định bổ sung tư cách cho một nhân chứng và một người liên quan nhưng chủ tọa không đồng ý. Chủ tọa yêu cầu luật sư tóm tắt nội dung và căn cứ kháng cáo của các thân chủ. Luật sư Dung cho rằng theo luật việc này là nhiệm vụ của HĐXX nhưng do chủ tọa kiên quyết yêu cầu nên bà đành làm theo.
Sau khi HĐXX xét hỏi xong, chủ tọa yêu cầu luật sư hỏi bị cáo và người bị hại thì luật sư Dung “chỉnh”: “Thưa tòa, theo trình tự tòa phải yêu cầu VKS hỏi trước, nếu đại diện VKS không hỏi thì mới đến luật sư”. Tiếp đó, luật sư Dung yêu cầu tòa cho hỏi người liên quan và nhân chứng đã đề nghị ở phần thủ tục nhưng chủ tọa không chịu. Luật sư Dung bèn yêu cầu tòa cho thư ký đọc lời khai của hai người này trong hồ sơ vụ án nhưng chủ tọa không cho.
Sau đó, khi luật sư Dung trình bày quan điểm bào chữa thì chủ tọa quay sang nói chuyện với hai thẩm phán cánh gà. Luật sư Dung cho biết chủ tọa còn nhìn bà và có những điệu bộ như lắc đầu, trễ môi… Thấy vậy, luật sư Dung lặp lại nội dung bào chữa thì lập tức chủ tọa… lớn tiếng đuổi bà ra khỏi phòng xử. Bà có hỏi lý do bị đuổi thì chủ tọa không giải thích. Lúc này cũng vừa hết thời gian xét xử buổi sáng nên tòa tạm nghỉ.
Theo luật sư Dung, đến khoảng 12h30 cùng ngày, khi bà cùng hai bị cáo và người bị hại đang ngồi tại quán nước gần tòa thì thẩm phán Phong đi ngang qua nói với vào: “Luật sư khùng”. Bức xúc, luật sư Dung phản ứng: “Ông bị bệnh tâm thần thì có”. Vị thẩm phán này chỉ mặt bà Dung tuyên bố: “Mày không yên thân với tao đâu”.
Đến đầu buổi chiều, khi luật sư Dung vừa vào chỗ ngồi thì thẩm phán Phong đuổi bà ra khỏi phòng xử. Sau đó, do không có luật sư nên phiên xử phúc thẩm này đã bị hoãn.
Không cho luật sư tham gia vụ án khác
Sau phiên xử, luật sư Dung khiếu nại về việc bị thẩm phán Phong đuổi ra khỏi phòng xử nhưng chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp trả lời rằng hành vi này của thẩm phán là không sai. Đến tháng 8/2013, chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp đã gửi văn bản yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long xử lý kỷ luật đối với luật sư Dung vì “vi phạm nội quy phiên tòa và vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư”.
Sau khi yêu cầu luật sư Dung giải trình, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị TAND tỉnh cung cấp băng ghi hình phiên xử (phiên xử có ghi hình) nhưng chánh án TAND tỉnh có văn bản từ chối rằng “không cần thiết” (?!). Theo luật sư Dung, ngày 17/4/2013, thẩm phán Phong đã không hề lập biên bản việc luật sư vi phạm nội quy phiên tòa nhưng chánh án TAND tỉnh cũng cho rằng “không cần lập biên bản sự việc cũng có thể xử lý được”.
Ba tháng sau, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp có văn bản trả lời là không đủ căn cứ để xử lý kỷ luật đối với luật sư Dung. Bất ngờ ngày 6/12/2013, chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành hai quyết định thu hồi hai giấy chứng nhận người bào chữa cấp cho luật sư Dung trong vụ án nói trên nhưng không nêu lý do thu hồi.
Ngày 3/1, luật sư Dung còn nhận được thông báo của TAND tỉnh Đồng Tháp về việc từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho bà trong một vụ án khác. Lý do từ chối là luật sư Dung đã vi phạm trong hoạt động bào chữa và đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận bào chữa trong vụ án cố ý gây thương tích nói trên.
Liên đoàn Luật sư: Luật sư đúng
Luật sư Dung khiếu nại lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhờ can thiệp bảo vệ mình. Theo bà, ở vụ án trước, Đoàn Luật sư tỉnh đã có văn bản trả lời cho chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp biết là không có cơ sở để kỷ luật bà. Trong khi ở thời điểm tham gia vụ án mới, bà không vi phạm gì và cũng không thuộc diện bị cấm tham gia thì không có lý do để tòa án từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
Mặt khác, luật cũng không có quy định nào cho phép tòa viện dẫn cơ sở pháp lý mang tính chất “bắc cầu” từ vụ án này sang vụ án khác để làm cơ sở để từ chối luật sư bào chữa. Điều này vi phạm quyền bào chữa của luật sư. Từ đó, luật sư Dung yêu cầu TAND tỉnh Đồng Tháp phải thu hồi thông báo từ chối và cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho bà trong vụ án mới.
Mới đây, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh đã gửi văn bản đến chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp và chánh án TAND Tối cao. Theo đó, Liên đoàn Luật sư đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại vụ việc theo hướng TAND tỉnh Đồng Tháp không thể thu hồi hai giấy chứng nhận người bào chữa của luật sư Dung vì không có cơ sở pháp lý. Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp phải rút lại hai quyết định thu hồi, khôi phục tư cách người bào chữa cho luật sư Dung. Đồng thời, Liên đoàn Luật sư đề nghị chánh án TAND Tối cao giải quyết khiếu nại của luật sư Dung.
Theo Liên đoàn Luật sư, căn cứ vào thông tin về diễn biến sự việc tại phiên tòa ngày 17/4/2013 thì thẩm phán Phong chưa thể hiện sự tôn trọng luật sư Dung. Việc dùng quyền hạn của mình đuổi luật sư ra khỏi phòng xử là có dấu hiệu cản trở quyền hành nghề của luật sư, không tạo điều kiện cho luật sư thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư theo Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong khi đó, Điều 27 Luật Luật sư đã quy định rõ: Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước khác và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề, không được cản trở luật sư.
Theo Liên đoàn Luật sư, đáng lẽ sau khi nhận được văn bản của Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp là chưa đủ căn cứ xử lý kỷ luật với luật sư Dung thì TAND tỉnh cần ghi nhận hoặc phản bác, đồng thời phải đánh giá lại ngôn phong và ứng xử của thẩm phán Phong. Tuy nhiên, chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp lại ra quyết định thu hồi hai giấy chứng nhận người bào chữa của luật sư Dung mà không ghi lý do là trái luật bởi nó không có căn cứ pháp lý, không chỉ ra được tính chất, mức độ vi phạm của luật sư.
Trong khi những hành vi ứng xử của luật sư Dung (nếu có vi phạm) thì cũng không thuộc trường hợp bị từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa theo Điều 27 Luật Luật sư. Hơn nữa, bản thân các đương sự trong vụ án vẫn thể hiện nguyện vọng mong muốn tiếp tục nhờ luật sư Dung bảo vệ.
Theo Pháp luật TP HCM

No comments:

Post a Comment