Cư dân Hà Nội mang biểu ngữ biểu tình ngày 19/1/2014 ở tượng đài Lý Thái Tổ, ca ngợi thiếu tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng HQ 10 của VNCH, đã hy sinh khi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa chống quân xâm lược Trung quốc đúng 40 năm trước. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
|
Cùng với lời nhắn đó, một viên chức ngoại giao cao cấp Mỹ lập lại cam kết “hợp tác chiến lược” với các nước vùng Đông Á châu để duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực.
Với những gì đang còn nóng vì Bắc Kinh loan báo thiết lập Vùng Phòng Không trên biển Hoa Đông (còn gọi là Biển Nhật Bản) nơi Tokyo đang đối diện với những khiêu khích thường xuyên của máy bay và tàu tuần của Trung quốc, hiện đang có thêm những âu lo mới khi tin tức hé lộ là Bắc Kinh lập sẵn kế hoạch thành lập Vùng Phòng Không trên Biển Đông.
Hai nước sẽ phải đối diện trực tiếp nghiêm trọng nhất nếu việc đó xảy ra là Việt Nam và Philippines.
Phát biểu tại một phiên điều trần ở Quốc hội hôm Thứ Tư 5/2/2014, viên chức ngoại giao cao cấp nhất của Hoa Kỳ đặc trách Vụ Đông Á và Thái Bình Dương đả kích đường 9 đoạn “Lưỡi Bò” mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền, chiếm gần hết diện tích của Biển Đông.
Ông Daniel Russel, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Vụ Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng tuyên bố chủ quyền trên biển dựa trên luật quốc tế cần phải căn cứ vào các điểm chuẩn của đất liền.
“Bất cứ lời tuyên bố chủ quyền trên biển nào của Trung quốc nếu không dựa vào các đường cơ sở của đất liền đều không phù hợp với luật quốc tế”. Ông Russel nói trong cuộc điều trần. “Trung quốc có thể nêu rõ sự tôn trọng luật lệ quốc tế bằng cách làm sáng tỏ hay điều chỉnh lại lời tuyên bố chủ quyền để theo đúng với luật biển quốc tế.”
Tuy Hoa Kỳ tuyên bố nhiều lần không đứng về phe nào trong các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ quốc tế, nhưng lại ủng hộ Phi Luật Tân đưa Trung quốc ra tòa quốc tế, coi đây là một giải pháp hy vọng dẫn đến giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa, không ép buộc. Nhưng vấn đề là nếu Trung quốc bị xử thua, họ có chấp nhận phán quyết hay không, lại là vấn đề khác mà rất nhiều người không tin vào thiện chí của Bắc Kinh.
“Trung Quốc không rõ rệt về tuyên bố chủ quyền Biển Đông nên đã tạo ra tình trạng bất ổn ở khu vực và giới hạn triển vọng đạt đến các giải pháp các bên chấp nhận được hay các thỏa hiệp hợp tác phát triển công bằng.” Ông Russel nói.
Lời bình luận của ông Daniel Russel và một số hành động gần đây có dấu hiệu như Hoa Kỳ tích cực hơn trong lập trường đối với vấn đề Biển Đông. Bà Hillary Clinton khi còn là ngoại trưởng tuyên bố trong một phiên họp ASEAN và các đối tác ở Hà Nội rằng “Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trên Biển Đông”, nơi có quá nửa lượng hàng hóa của thế giới đi qua.
Lo ngại trước các hành động ngày một lộ liễu hơn của Bắc Kinh muốn độc chiếm Biển Đông, tổng thống Phi Benigno Aquino, trong cuộc phỏng vấn dành cho báo New York Times, hôm Thứ Tư đã kêu gọi thế giới đừng “chiều lòng” Trung quốc với những đòi hỏi phi lý. Ông so sánh hành động đòi chiếm gần hết Biển Đông của Trung quốc tương tự như Hitler hồi năm 1938 đòi Tiệp Khắc giao nộp vùng đất Sudetenland. Ông kêu gọi thế giới giúp Phi chống lại chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.
Một ngày trước cuộc điều trần ở Quốc hội, ông Daniel Russel gặp giới ký giả quốc tế tại Foreign Press Center ở Washington DC. Ông nói rằng Hoa Kỳ cam đoan thúc đẩy “hợp tác chiến lược” với khu vực Đông Á.
Tháng trước, ông công du tới một số nước ở khu vực như Trung quốc, Nhật Bản, Nam Hàn. Ông cho hay trong cuộc họp báo này rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục dùng ảnh hưởng, ngoại giao cũng như là dùng “lẽ phải” để thúc đẩy “tiến đến một thứ hợp tác chiến lược sẽ có thể khác nhiều, chắc chắn khác nhiều, đối với đời sống của tất cả mọi người dân”.
Ông Russel là một trong những chiến lược gia đã đóng góp vào việc lập kế hoạch tái cân bằng lực lượng Hoa Kỳ về phía Á Châu khi ông còn là một chuyên viên về Á châu trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment