Wednesday, February 5, 2014

Mất Tết vì... rượu

Cập nhật, 06:42, Thứ Năm, 06/02/2014 (GMT+7)
Từ 30 đến hết mùng 5 Tết Giáp Ngọ, ngày nào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận hàng chục bệnh nhân ngộ độc rượu. Nhẹ thì mê man bất tỉnh, nặng thì tử vong vì rượu.
 
Một bệnh nhân ngộ độc rượu đang được điều trị tại Trung tâm chống độc BV Bạch Mai
Một bệnh nhân ngộ độc rượu đang được điều trị tại Trung tâm chống độc
BV Bạch Mai

Tiệc chưa tàn đã vào viện cấp cứu

11h30 ngày 5/2 - mùng 6 Tết, các bác sĩ Trung tâm Chống độc tiếp nhận một bệnh nhân tên Huấn (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) ngộ độc rượu chuyển từ tuyến tỉnh lên, trong tình trạng mê man, huyết áp giảm mạnh, mạch chậm. Theo người nhà bệnh nhân, hôm nay gia đình làm cơm hóa vàng, Huấn đã uống rất nhiều “rượu mật rắn”. Đang vui vẻ trong bữa nhậu, Huấn bỗng lịm dần, thi thoảng lên cơn co giật. Quá hoảng hốt, gia đình đã chuyển Huấn cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Tại đây, Huấn được sơ cứu, truyền dịch, thông tiểu và tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất nguy kịch, mất phản xạ. Các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc nhận định, Huấn bị ngộ độc rượu và khẩn trương tiến hành các biện pháp điều trị.
 
"Khi người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không thưa, nói không ra tiếng, vã mồ hôi, có biểu hiện co giật, thở không đều, chân tay co quắp… cần đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu. Tránh xảy ra biến chứng hạ đường huyết làm chết não khiến bệnh nhân tử vong hoặc mất trí nhớ, liệt toàn thân...”.
(Khuyến cáo của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai)
Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân Nguyễn Văn Siết (Thường Tín, Hà Nội) vẻ mặt đầy mệt mỏi cho biết: “Từ giờ xin cạch đến già các loại rượu”. Bệnh nhân Nguyễn Văn Siết nhập viện từ ngày mùng 1 Tết với bệnh án “ngộ độc rượu”. Anh Nguyễn Minh, người nhà bệnh nhân Siết cho biết: Sau bữa tiệc Tất niên, anh Siết gục xuống mê man, bất tỉnh. Gia đình vội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Thường Tín, rồi chuyển qua Bệnh viện Thanh Nhàn và cuối cùng ông được đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Dù được xác định “ngộ độc rượu thể nhẹ”, nhưng ông Siết vẫn phải ăn trọn cái Tết Giáp Ngọ trong viện. Anh Nguyễn Minh ngao ngán: “Chỉ tại rượu mà cả nhà mất Tết”. Cùng cảnh ngộ như anh Siết, tại Trung tâm Chống độc còn hàng chục bệnh nhân đang mê man vì rượu. Ngay cạnh phòng anh Siết nằm, có bệnh nhân còn bị ngộ độc rượu kèm thêm ngộ độc hóa chất. Bởi bệnh nhân này sau khi uống rượu say, tiếp tục uống chai dầu hỏa vì tưởng nhầm là nước.

Tử vong vì rượu

Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vào chiều mùng 3 Tết, Trung tâm đã tiếp nhận một nam thanh niên khoảng 30 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng vật vã, say rượu, huyết áp tụt sâu, tổn thương gan thận… Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân này đã uống rất nhiều loại rượu khác nhau từ ngày 30 Tết đến ngày được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành nhiều biện pháp cấp cứu như thở máy, lọc máu liên tục... Tuy nhiên, sức khỏe của thanh niên này ngày càng xấu đi và đã tử vong vào ngày mùng 4 Tết.

“Phần lớn bệnh nhân ngộ độc rượu phải nhập viện đều xuất phát từ việc uống nhiều và uống các loại rượu không rõ nguồn gốc hay các loại rượu tự pha chế như: “Rượu mật rắn”, “rượu quê”...”, bác sĩ Nguyễn Kim Sơn nhận định.

Cũng theo bác sĩ Sơn hiện tượng nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện sẽ còn kéo dài đến hết tháng Giêng bởi quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp... thường tổ chức tiệc, liên hoan và rượu là thức uống không thể thiếu. Say rượu chính là ngộ độc rượu. Thậm chí có những bệnh nhân nồng độ cồn công nghiệp trong máu tại thời điểm nhập viện không cao nhưng sau đó lại nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê, suy đa tạng. Nguyên nhân do methanol đã chuyển hóa thành axít, xâm nhập vào gan thận. Với những trường hợp này, nguy cơ tử vong rất cao, còn nếu cứu sống thì cũng để lại nhiều di chứng như mù, suy thận.

“Tốt nhất là không nên uống rượu nếu không kiểm soát được. Nếu uống rượu, cần phải lựa chọn những loại rượu có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Trước, trong và ngay sau khi uống rượu, cần phải giữ ấm, tránh lạnh, đồng thời không lái xe, vận hành máy móc lao động sau khi uống rượu...”, bác sỹ Nguyễn Kim Sơn khuyến cáo”.
Bảo Chi

No comments:

Post a Comment