Tuesday, March 11, 2014

Vụ máy bay Malaysian Airlines mất tích còn đầy bí ẩn!

Hà Tường Cát/Người Việt (Tổng Hợp)

Trong cuộc họp báo ở Kuala Lumpur hôm Thứ Hai, nhà chức trách Malaysia nhìn nhận rằng vụ máy bay Malaysia Airlines mất tích là “một bí ẩn hàng không chưa từng có”. Malaysia không loại trừ khả năng máy bay bị cướp, cũng như bất cứ giả thuyết nào, tuy nhiên sau 3 ngày vẫn chưa thể  đưa ra một kết luận gì.


Sau 3 ngày, trên một màn hình thông tin ở phi cảng quốc tế Sepang, Kuala Lumpur, hãy còn hàng chữ: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho chuyến bay MH370”, mặc dầu
đến nay không còn hy vọng nào và tất cả mọi chuyện vẫn là những bí ẩn. (Hình: AP/Lai Seng Sin)


Ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman, Tổng giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Malaysia, nói:  là hy vọng hiểu biết  tất cả chuyện này sẽ chỉ lóe lên “nếu như một khi có thể tìm thấy một mảnh vụn của máy bay”, điều mà sau 3 ngày vẫn chưa đạt tới với một chiến dịch tìm kiếm quy mô nhất có sự tham gia của 7 quốc gia.
200 nhà báo ở tập trung ở Sepang  tham dự 4 buổi họp báo diển ra mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối và có buổi chỉ trong vòng 1 phút vì “chưa có gì mới để thông báo”.

Chi tiết chưa được giải thích

Đó là thời điểm máy bay mất tích. Malaysia Airlines loan báo chuyến bay MH-370 mất tích lúc 2.40 giờ sáng Thứ Bảy 7 tháng 3 sau khi  cất cánh từ Kuala Lumpur lúc 12.41 giờ sáng và đang trên phi trình dự định tới Bắc Kinh lúc 6.30 giờ.

Malaysia dùng múi giờ thứ 8, cùng giờ với Bắc Kinh, nghĩa là sớm hơn Việt Nam 1 giờ. Giờ California lúc máy bay mất tích là 10.40 tối Thứ Sáu.

Nếu quả thật máy bay mất tích vào lúc này thì nó đã bay được 1 giờ 59 phút và theo bình thường thì phải đi ngang không phận Việt Nam khoảng Thừa Thiên – Huế. Cơ quan an ninh hàng không Hoa Kỳ căn cứ theo thời điểm ấy đã báo động cho Việt Nam như vậy, và sau đó rút mới lại dự đoán sau khi nhận thêm thông tin mới.
Việc tìm kiếm sau này được thực hiện trên vùng biển Tây Nam là căn cứ trên dữ kiện về  FIR (Flight Information Region), tức là vùng  chuyển giao trách nhiệm hướng dẫn. FIR-Ho Chi Minh City  mất liên lạc với máy bay 1 phút trước khi đi vào vùng của mình.  Điều ấy có nghĩa FIR-Vietnam và FIR-Malaysia hiểu máy bay  mất tích sớm hơn, chỉ trong vòng 1 giờ sau khi rời Kuala Lumpur. Như thế dựa vào đâu Malaysia Aitlines đưa ra thời điểm 2.40 giờ ấy, và tại sao có sự sai khác chậm trể? Các cơ quan truyền thông quốc tế mặc dầu đều tập trung theo dõi và loan báo tin tức rất  đầy đủ nhưng chưa cho biết gì thêm về chi tiết này.

Những điều khó hiểu

Ngưới ta không hiểu vì sao phi công đã không có một liên lạc gì trước khi máy bay lâm nạn. Máy bay bị nổ tan? Phi hành đoàn bị cưỡng chế không thể loan báo? Hay máy bay đã đi đến dáp xuống một nơi bí mật nào khác?
Điều sau cùng này là giả thuyết không tưởng nhưng lại là niềm hy vọng cuối cùng của gia đình các hành khách. Trong tình trạng hiện nay của hàng không quốc tế, khó có thể nào một máy bay đi tới nơi đâu mà không ai khám phá ra, trên đường bay cũng như khi đáp.

Trường hợp  hai động cơ đều ngưng chạy, Boeing 777-200 vẫn còn có thể bay xa gần 100 miles trước khi đâm xuống biển hay đất, phi công và những bộ phận báo nguy tự động có thừa đủ thời gian để kêu cứu báo động.
Một tình huống khó hiểu khác là bộ phận định vị tự động (GPS) hoạt động thường trực trên các máy bay hàng không dân sự đã không phát tín hiệu để  radar ở những đài hướng dẫn không lưu biết vị trí của máy bay. Do trục trặc kỹ thuật bất ngờ hay do phi công cố ý làm cho ngưng hoạt động?

Theo Reuters, Hoa Kỳ đang xem xét các hình chụp từ vệ tinh do thám có thể cho biết có một vụ nổ nào đã xảy ra trong vùng Đông Nam Á đêm sáng Thứ Bảy, để biết máy bay có bị nổ trên không  hay không nhưng chưa đưa ra kết luận.

Những chuyện bất thường

Trên danh sách hành khách do Malaysian công bố, người ta tìm thấy 2 người sử dụng hộ chiếu lấy cắp từ lâu của một công dân Áo và một công dân Ý. Hai người này đã báo cho nhà chức trách và hiện dang sống bình thường không hề lên chuyến bay MH-370. Vậy thì 2 hành khách sử dụng hộ chiếu này là ai và với mục đích gì?
Qua điều tra phối hợp của những cơ quan công lực quốc tế, người ta biết được hai người mua vé máy bay cùng lúc ở thành phố nghỉ mát Pattaya, Thái Lan,  qua China Southern Airlines, công ty hàng không Trung Quốc kết hợp hoạt động (code sharing) với Malaysia Airlines.  Lộ trình của hai người bí mật này cùng là Kuala Lumpur – Bắc Kinh – Amsterdam rồi sau đó một đi Thụy Điển, một đi Đức. Nhà chức trách Malaysia nghiên cứu băng video thu hình hành khách chờ đợi lên máy bay ở Kuala Lumpur cho biết hai người này có “gương mặt của dân châu Á” chứ không phải Âu Châu. Cảnh sát Malaysia nói rằng đã tìm được lý lịch của một người và người này không phải dân Malaysia. Những chi tiết khác chưa được tiết lộ trong khi cuộc điều tra còn đang tiến hành.
Ngoài ra, Trung Quốc cho biết có hai công dân sử dụng hộ chiếu giả mang tên người khác để đi chuyến bay MH-370. Hai người bị sử dụng hộ chiếu giả vẫn còn giữ hộ chiếu thật của mình và dang sống bình an ở  Phúc Kiến, Trung Quốc, không hề đi tới Malaysia bao giờ.

Như vậy có thể thấy đã có nhiều sơ sót  của các hãng hàng không và cơ quan an ninh phi cảng Kuala Lumpur trong việc bán vé mày bay và để cho những người dùng hộ chiếu người khác hay số hộ chiếu của người khác lên máy bay. Những sự việc bất thường ấy khiến gia tăng sự hoài nghi là có hành động khủng bố phá hoại, tuy nhiên cuộc điều tra có sự trợ lực của FBI, Interpol và cơ quan an ninh nhiếu quốc gia khác còn đang tiến hành nên chưa thể đưa ra một công bố hoặc dự đoán gì.

Malaysia cũng có  nghi ngờ là máy bay đã đổi hướng bay, quay trở về hay đi một đường khác. Dự đoán này căn cứ trên những dữ kiện gì chưa được công bố, nhưng Malaysia cũng phối hợp với Thái Lan tìm kiếm trong vùng biển Ấ Độ Dương phía Tây eo đất Malacca nối liền hai nước.

Công cuộc tìm kiếm

Việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích tập trung vào vùng biển  phía Nam quần đảo Thổ Chu, trước kia gọi là Thổ Châu, trong vịnh Thái Lan phía Nam đảo Phú Quốc, qua 4 ngày chưa đem đến kết quả gì.
Hiện nay 34 máy bay và 40 tàu của nhiều nước tham gia công cuộc này trên một khu vực khoảng 50 hải lý mỗi chiều, và hy vọng tìm được những nạn nhân còn sống sót hầu như đã hết.

Vì khu vực nghi ngờ máy bay lâm nạn thuộc hải phận Việt Nam nên theo công ước quốc tế, Việt Nam có quyền và trách nhiệm chính trong việc điều tra. Việt Nam đã cho phép tàu Trung Quốc và Malaysia đi vào khu vực tìm kiếm. Hải quân Hoa Kỳ phái tới một khu trục hạm và cho máy bay tuần thám biển P-8 Poseidon tìm kiếm trên mặt biển cũng như dùng phương tiện dò  kim khí dưới mặt nước.

Việt Nam không có phương tiện dò tìm dưới mật nước và chỉ có thể tìm kiếm bằng mắt, nhưng đã huy động mọi khả năng vào cuộc tìm kiếm cứu nạn. 4 máy bay An-26, 2 trực thăng Mi-171 do Nga chế tạo và một thủy phi cơ DHC-6 Sea Otter mua của Canada cùng ít nhất 7 tàu các loại khác được huy động vào công cuộc này. Đến ngày thứ ba của cuộc tìm kiếm, một số tàu đã hoạt động suốt đêm với hy vọng vớt được  nhửng vật để xác định được tọa độ của chiếc máy bay lâm nạn. Tại bộ chỉ huy tiền phương của chiến dịch đặt tại phi trường quốc tế Phú Quốc, hàng trăm phòng viên trong nước và các nước ngoài tập trung theo dõi chờ đón tin tức,

Thoạt đầu máy bay An-26  phát hiện được những vết dầu loang trên mặt biển, nhưng sau đó thử nghiệm của Malaysia kết luận đây không phải nhiên liệu máy bay phản lực mà là dầu của các tàu dánh cá. Khu vực này tập trung rất đông tàu đánh cá Việt Nam, Thái Lan, Cambodia và các nước Đông Nam Á hoạt động. Các tàu đánh cá Việt Nam cũng được huy động cung cấp tin tức về những vật thể lạ có thể gặp trên mặt biển.

Sau khi một máy bay C-130 của Singapore phát hiện một vật lạ trên biển, thủy phi cơ Việt Nam đã tới chụp được hình ảnh nghi ngờ là một cánh cửa của máy bay vào lúc gần tối, nhưng  hôm Chủ Nhật các tàu không tìm lại được vật ấy. Một tàu cảnh sát biển của Việt Nam cũng vớt được những vật khả nghi nhưng qua nghiên cứu nhận ra đó chì là những đồ rác rưởi trôi trên mặt biển.

Nhiều tin tức không được xác minh

Trong khi chưa tìm thấy gì trên vịnh Thái Lan  thì cũng có những tin cho biết người ta vớt được những vật lạ ở các bãi biển từ Gò Công đến Vũng Tàu, Tất cả đều được chú ý xem xét nhưng không đi đến kết luận nào.

Mặt khác, có rất nhiều tin tức không được xác minh nói rằng nhóm khủng bố ở Trung Quốc là thủ phạm gây ra vụ này, mặc đầu các tổ chức chống khủng bố quốc tế nói rằng cho đến nay chưa một nhóm nào đứng ra  tự nhận là tác giả. Tin từ Đài Bắc nói rằng trước đây Đài Loan đã nhận được cảnh cáo sẽ có khủng bố tại Trung Quốc. Một thư nặc danh gởi qua Internet tự nhận là nhóm Hồi Giáo dân thiểu số ở Tân Cương hành động trả thù  vì hơn 2/3 hành khách trên chuyến MH-370 là dân Trung Quốc. Tuy nhiên không thể nào xác định giá trị của thư này giống như trường hợp những tin tức vô căn cứ  đưa lên mạng lưới điện toán.


Nhật báo Người Việt sẽ tiếp tục loan tin tức cập nhật và trình bày thêm những chi tiết lạ lùng trong  số báo tới, về vụ án hàng không làm cả thế giới ngạc nhiên  vói những sự kiện vượt xa sự mường tượng của mọi người trong thời đại kỹ thuật điện tử tân tiến.  

No comments:

Post a Comment