(Xã hội) - Sơ suất về mặt an ninh đã khiến chính quyền Malaysia nhận ra cần phải rà soát và củng cố hệ thống an ninh sân bay, giống như Mỹ đã làm sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Một trong hai nghi phạm dùng hộ chiếu giả vụ máy bay Malaysia mất tích
Trong số thông tin về chuyến bay MH 370 của hãng hàng không Malaysia mất tích, tin phát hiện hai hành khách mang hộ chiếu giả đã lọt qua khâu kiểm soát hộ chiếu ở sân bay Kuala Lumpur để lên máy bay gây rúng động dư luận. Dù chưa biết đích xác hai người sử dụng hộ chiếu giả này có liên quan gì tới sự cố máy bay mất tích hay không, nhưng sơ suất về mặt an ninh này đã khiến chính quyền Malaysia nhận ra rằng cần phải rà soát và củng cố hệ thống an ninh sân bay, giống như nước Mỹ đã làm sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Củng cố hệ thống kiểm tra an ninh Mỹ sau 11/9/2001
Các biện pháp an ninh phi trường Mỹ trước thập niên 1970 không được chặt chẽ lắm. An ninh các phi trường Mỹ được củng cố dần sau mỗi lần xảy ra tai họa khủng khiếp.
Sau khi máy bay Douglas DC9 của hãng hàng không Southern Airways bị cướp ngày ngày 10/11/1972, Cục quản lý hàng không liên bang yêu cầu các hãng hàng không bắt đầu kiểm tra hành khách và hành lý khách mang lên máy bay. Các hãng hàng không tổ chức đấu thầu, công ty tư nhân trúng thầu sẽ thực hiện việc kiểm tra.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001, Mỹ một lần nữa củng cố hệ thống an ninh hàng không. Một số luật mới được thông qua làm cơ sở triển khai các cơ chế bảo vệ an ninh hàng không mới để đạt hiệu quả cao hơn.
Luật an ninh hàng không và vận tải được ban hành ngày 19/11/2002, quy định việc thành lập Cục an ninh vận tải Mỹ (TSA), lúc đầu thuộc Bộ giao thông. Từ lúc ra đời, TSA thay thế các công ty tư nhân để thực hiện việc kiểm tra hành khách và hành lý trước khi cho hành khách vào phòng chờ lên máy bay. Hành khách phải đi qua máy dò kim loại và hành lý mang theo được soi tia X để kiểm tra.
Luật An ninh nội địa ban hành năm 2002 quy định việc thành lập một bộ mới là Bộ An ninh nội địa để tập trung tất cả các tổ chức thuộc hành pháp,
Hoa Kỳ có liên quan đến an ninh nội địa vào một cơ quan duy nhất. TSA được chuyển sang Bộ An ninh nội địa. Luật chống khủng bố năm 2004 có những điều khoản đề cập tới việc tăng cường an ninh hàng không bằng việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng hiệu quả của các thiết bị dò tìm chất nổ. Từ đó, TSA đã đưa các thiết bị mới vào phi trường. Được nói đến nhiều như máy soi X-quang mới trị giá 120 ngàn USD (khoảng 2,5 tỉ VNĐ) để soi hành lý chính xác hơn máy cũ. Hành lý, như túi xách, sẽ được soi theo hai góc thay vì một góc như trước đây. Một thiết bị khác là Rapiscan, còn gọi là máy soi chiếu nhìn thấu cơ thể người, do công ty OSI Systems sản xuất. Máy có thể giúp người sử dụng nhìn xuyên qua quần áo, thấy được mọi bộ phận của cơ thể người bị soi, giúp cho người sử dụng máy có thể phát hiện chất nổ hay các thứ bị cấm giấu trong người một cách nhanh chóng, chính xác. Tuy máy soi toàn thân đạt hiệu quả cao nhưng việc sử dụng máy bị chỉ trích “chẳng khác gì lôi họ (hành khách) sang một bên và yêu cầu họ lột sạch quần áo ra”. Máy soi toàn thân bị ngưng sử dụng vì lý do vi phạm nhân quyền.
Hạn chế hoặc cấm một số đồ vật mang lên máy bay
Sau 11/9/2001, số lượng và loại hành lý mà hành khách bị hạn chế tăng lên khá nhiều. TSA liệt kê những thứ bị cấm hay bị hạn chế kèm theo hướng dẫn, giải thích cụ thể, đồng thời cập nhật những thay đổi. TSA khuyến cáo nếu bị phát hiện mang theo những thứ bị cấm, hành khách có thể bị kiện hay bị xử phạt.
Thứ bị cấm khiến hành khách bức xúc và thắc mắc nhất là cấm mang theo chất lỏng như nước uống, chất gel như dầu gội, dầu tắm và bình phun. Ngày 10/8/2006, chính quyền Anh khám phá một âm mưu phá hủy 10 máy bay Mỹ bay từ Anh về Mỹ bằng cách dùng chất nổ dạng lỏng và dạng gel. Từ đó Mỹ và nhiều nước hạn chế mang lên toa hành khách các chất lỏng và chất gel. TSA cũng nêu rõ những trường hợp loại trừ, theo đó chất lỏng loại nào, dung tích bao nhiêu, trường hợp nào mà hành khách có thể mang các chất bị cấm lên máy bay.
TSA cũng yêu cầu hành khách cởi áo khoác ngoài, các vật dụng bằng kim loại mang trong người, lấy máy tính ra khỏi túi hành lý và cởi giày để cho vào khay đưa qua máy dò. Những yêu cầu này khiến khu vực kiểm soát an ninh trước khi vào phòng đợi của phi trường trở nên nhốn nháo.
Người người bận rộn cởi thắt lưng, đồng hồ, giày vớ, rồi chờ đi qua chỗ kiểm tra người. Ở đó một nhân viên an ninh sử dụng thiết bị cầm tay rà lên người để kiểm tra. Sau đó mọi người hối hả lấy lại các vật dụng của mình đã qua máy quét, mang giày vớ, thắt dây lưng... Những việc phiền toái này làm mất thời gian và gây bất tiện cho hành khách.
Trong các thứ phải cởi khỏi người, việc cởi giày bị hành khách than phiền nhiều nhất. Năm 2012, TSA đã giải thích vì sao vẫn buộc hành khách phải cởi giày để kiểm tra. Mặc dù tốn hàng triệu USD để chế tạo các thiết bị có thể dò tìm các chất nổ, vũ khí giấu trong giày nhưng không thành công.
Các thiết bị không thể phát hiện thứ bị cấm giấu trong giày qua các lần thử nghiệm. Hành khách bị buộc cởi giày sau khi xảy ra chuyện Richard C. Reid giấu chất nổ trong giày định cho nổ trong lúc máy bay đang bay từ Paris, Pháp tới Miami, Mỹ ngày 23/12/2001. Âm mưu của Reid bị tiếp viên hàng không và hành khách ngăn kịp. Reid sử dụng hộ chiếu Anh giả lên máy bay. Hiện TSA đã cho phép trẻ em và người già không cởi giày khi qua chốt kiểm tra.
Điểm đặc biệt danh sách “không bay”
Thêm một biện pháp an ninh nữa được đưa ra sau 11/9/2001 là danh sách “không bay” do Trung tâm kiểm tra khủng bố lập. Những ai có tên trong danh sách này không được phép lên một máy bay thương mại để bay vào hay bay ra khỏi nước Mỹ. Số người trong danh sách tăng hay giảm tùy lúc. Năm 2012, danh sách “không bay” có khoảng 21 ngàn người.
Ngoài danh sách “không bay” còn hai danh sách khác: Danh sách lựa chọn kiểm tra an ninh thứ hai gồm những người trong diện phải kiểm tra thêm trước khi được chấp nhận cho đi máy bay; và danh sách theo dõi khủng bố gồm những người bị tình nghi dính líu với hoạt động khủng bố. Năm 2009 danh sách theo dõi khủng bố có khoảng 1 triệu người.
Danh sách “không bay” bị phê phán là tốn nhiều tiền nhưng ít hiệu quả, người có tên trong danh sách “không bay” có thể lừa được nhân viên an ninh để lên máy bay. Điều này đã xảy ra tronng trường hợp của Faisal Shahzad, kẻ bị buộc tội đặt bom ở Quảng trường Thời đại ở New York. Shahzad bị ghi tên vào danh sách “không bay” nhưng đã lên máy bay của hãng hàng không Emirates để bay sang Dubai. Hãng hàng không quên rà danh sách “không bay” mới bổ sung vào ngay sáng hôm đó khi bán vé cho đối tượng vào buổi tối. Đối tượng lọt qua được hai lần kiểm tra vào lúc mua vé và lúc lên máy bay. Tới lần kiểm tra sau khi lên tàu mới bị phát hiện bắt giữ.
Việc quên kiểm tra đã xảy ra trong trường hợp hai hành khách dùng hộ chiếu giả có mặt trên chuyến bay MH 307 của hãng hàng không Malaysia bị mất tích. Tổng thư ký Interpol Ronald Noble lấy làm tiếc về việc cơ quan kiểm tra hộ chiếu đã không tra cứu thông tin của Interpol về hộ chiếu bị mất hay bị đánh cắp. Interpol đã đưa tên hai người bị đánh cắp hộ chiếu ở Thái Lan là Luigi Maraldi, người Ý; và Christian Kozel, người Áo.
Nếu tham khảo thông tin của Interpol, bộ phận bán vé và bộ phận kiểm tra an ninh đã có thể ngăn hai người này lên máy bay.
Hiện nay hầu hết các máy móc thiết bị và biện pháp bảo vệ an ninh Mỹ triển khai đã được nước trên thế giới áp dụng. Dù chịu không ít lời phê phán, chỉ trích các biện pháp nói trên đã phát huy hiệu quả nhất định. Sau 11/9/2001, ý thức cảnh giác chống khủng bố của nhân viên an ninh và của hành khách cũng được nâng cao. Trong một số trường hợp, hành khách đã tự nguyện hợp tác với tiếp viên, nhân viên an ninh để khống chế những kẻ bị tình nghi âm mưu khủng bố. Các nước còn chia sẻ thông tin, hợp tác để việc bảo vệ an ninh đạt hiệu quả cao hơn.
Khoảng 2h40 sáng ngày 8/3/2014, chuyến bay mang số hiệu MH730 của Malaysia Airlines được cho là mất tích trên không phận Việt Nam. Theo hãng hàng không Malaysia, chiếc máy bay Boeing 777-200 cất cánh rời Kuala Lumpur vào 0h41’, dự kiến sẽ tới Bắc Kinh vào 6h30’ cùng ngày. Phi cơ chở theo 227 hành khách, trong đó có có hai trẻ sơ sinh, cùng với 12 thành viên phi hành đoàn.
Các hành khách trên máy bay đến từ 13 quốc gia, trong đó có 154 hành khách mang quốc tịch Trung Quốc và Đài Loan, 38 người Malaysia, 12 người Indonesia, 7 người Úc, 3 người Pháp, 4 người Mỹ, 2 người New Zealand, 2 người Ukraine, 2 người Canada, 1 người Nga, 1 người Italy, 1 người Hà Lan và 1 người Áo. Hai trẻ sơ sinh đến từ Mỹ và Trung Quốc. Chuyến bay được điều khiển bởi phi công Malaysia Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi. Ông Zaharie Ahmad Shah có tổng cộng 18.365 giờ bay và làm việc tại Malaysia Airlines từ năm 1981.
Ngay khi có thông tin này, nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới khẩn trương chung tay vào công cuộc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Chịu trách nhiệm về không phận nơi máy bay được cho là mất tích, Việt Nam đã huy động tối đa sức người, sức của, tham gia tìm kiếm máy bay gặp nạn.
Ngay trong buổi chiều ngày 8/3, chiếc máy bay An-26 đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam đã cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, thực hiện công tác tìm kiếm, cứu hộ. Cùng với đó, các loại máy bay cơ động như trực thăng lên thẳng Mi-171, thủy phi cơ DHC-6, máy bay tuần thám CASA-212 của các lực lượng Không quân, Hải quân cũng lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Phối hợp với đường không, nhiều tàu Hải quân cùng các lực lượng thợ lặn tinh nhuệ cũng tiến ra các địa điểm nghi ngờ máy bay gặp nạn trên biển.
Trong khi đó, công tác điều tra, xác minh nguyên nhân máy bay rơi cũng được tiến hành khẩn trương. Dựa trên thông số kỹ thuật của chiếc Boeing 777, các chuyên gia đều cho rằng đây là loại máy bay có hệ số an toàn cao. Thời điểm mất liên lạc, máy bay đã bay được khoảng 2 giờ đồng hồ, đạt trạng thái an toàn, thậm chí có thể để chế độ tự hành, vì thế, rất khó có khả năng máy bay gặp trục trặc, dẫn đến bị rơi. Cùng với việc có hai người đã sử dụng hộ chiếu giả để lên máy bay, các chuyên gia phân tích đều nghi vấn có một áp lực nào đó, khiến phi hành đoàn phải tắt mọi liên lạc với các đài không lưu. Điều này đồng nghĩa với khả năng máy bay đã bị khủng bố.
Nguồn Xa lộ pháp luật
No comments:
Post a Comment