Tuesday, March 11, 2014

Thương lái Trung Quốc phá hoại nông dân Việt

HẬU GIANG (NV) Hai năm trước, do thương lái Trung Quốc đặt hàng với giá cao, nông dân Phụng Hiệp, Hậu Giang phá các ruộng mía để trồng cây sương sáo. Nay, sương sáo không ai thèm mua, nông dân thêm khốn cùng.

Tờ Sài Gòn Giải Phóng cho biết, trước đây, trong khi mía ế, mất giá thì thương lái Trung Quốc thu mua cây sương sáo với giá từ 32,000 đồng đến 35,000 đồng một ký nên nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thi nhau đốn bỏ mía để trồng cây sương sáo. Nay giá mua cây sương sáo đã tụt xuống tới mức chỉ còn từ 5,000 đồng đến 8,000 đồng một ký, dù nông dân chấp nhận lỗ nặng (chi phí cho một ký sương sáo khoảng 12,000 đồng/ký) nhưng vẫn không có ai thèm mua và hàng loạt gia đình phá sản.


Những ruộng sương sáo trồng theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc ở Phụng Hiệp, Hậu Giang nay xanh rì nhưng không có ai thèm mua. (Hình: zing.vn)

Vào lúc này, Phòng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chỉ biết phân bua, họ không khuyến khích nông dân phá bỏ các ruộng mía trồng cây sương sáo. Chuyện thi nhau trồng cây sương sáo chỉ là... tự phát!

Ðây không phải là lần đầu tiên nông dân Việt Nam điêu đứng vì thương lái Trung Quốc. Trong vài năm qua, cả dân chúng, báo giới, lẫn các chuyên gia kinh tế, y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp, viên chức đã từng lên tiếng cảnh báo nhiều lần về tình trạng thương lái Trung Quốc phá hoại Việt Nam. Trong đó, chuyện thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua ốc bươu vàng - loại sinh vật được xem là đại họa của nông nghiệp - khiến nông dân lén lút nuôi để bán, làm mùa màng thất bát được dẫn ra như bằng chứng rõ ràng nhất.

Hồi tháng 9 năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Trân, một cựu đại biểu của Quốc Hội Việt Nam, từng hệ thống các hoạt động, thủ đoạn và tác hại của việc để cho thương lái Trung Quốc tung hoành trên khắp Việt Nam.
Qua một bài viết, đăng trên tờ Tuổi Trẻ, ông Trân lên án chiến lược “cột chặt” các doanh nghiệp Việt Nam vào mạng lưới thu mua của Trung Quốc để đẩy hoạt động xuất cảng hàng hóa sang Trung Quốc chỉ theo “con đường tiểu ngạch,” đã tạo điều kiện cho thương lái Trung Quốc dễ quịt nợ, dễ “lật kèo.”

Viên cựu đại biểu của Quốc Hội Việt Nam nhận định, phải xem việc thương lái Trung Quốc tận thu mọi thứ là có thâm ý: tận diệt các loại thực vật, động vật quý hiếm, thúc đẩy tiến trình phá rừng, làm đất sớm bạc màu, khiến quá trình rửa trôi đất đồi núi diễn ra nhanh hơn, phá hoại môi sinh, môi trường. Không chỉ tác động để hủy diệt tự nhiên, những chiến dịch thu mua của thương lái Trung Quốc còn đánh vào các doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu nguyên liệu, mất uy tín vì không còn khả năng thực hiện đúng hợp đồng.
Ông Trân khẳng định, không ai nghĩ rằng, thương lái Trung Quốc chỉ là những cá nhân vào Việt Nam làm ăn riêng lẻ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ thấy lợi trước mắt mà “bắt tay” với thương lái Trung Quốc. Ðặc biệt đáng trách là chính quyền Việt Nam đã bỏ ngỏ vấn đề này. Ông Trân kêu gọi, phải xem chuyện giải quyết tình trạng thương lái Trung Quốc đang phá hoại kinh tế Việt Nam là “một nhiệm vụ không thể trì hoãn.”
Bất chấp các cảnh báo và vô số dấu hiệu cho thấy thương lái Trung Quốc cố tình đẩy nông dân Việt Nam đến chỗ khốn cùng và nông nghiệp Việt Nam rơi vào bế tắc, chính quyền Việt Nam vẫn thúc thủ, không làm gì cả.
Gần đây nhất, báo chí Việt Nam loan báo, thương lái Trung Quốc đang đặt mua không hạn chế cây Ðơn Tướng Quân (còn gọi là cây Khôi) - một loại dược thảo quý, vốn có rất nhiều ở các tỉnh rừng núi miền Bắc và điều này đẩy cây Ðơn Tướng Quân vào nguy cơ tuyệt chủng. Ông Lưu Văn Thanh, giám đốc dự án ADC thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Nông Lâm Nghiệp Miền Núi phía Bắc, cho biết, trước đây, xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, vẫn được xem là “thủ phủ” của cây Ðơn Tướng Quân. Tại đó, Ðơn Tướng Quân nhiều như rau nhưng bây giờ thì chỉ có thể tìm trong rừng sâu hay núi cao.

Tình trạng tương tự đang xảy ra tại rừng Kỳ Sơn, Nghệ An, nơi mà năm 2007 được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An. Dân chúng vùng này đang đổ vào rừng để đốn hạ cây “kim mao cẩu tích”, còn được gọi là cây Cu Li hay cây Lông Khỉ, vì thương lái Trung Quốc đặt mua với giá cao. “Kim mao cẩu tích” là một loại dược thảo chuyên trị đau lưng, nhức xương, mỏi gân. Trước nữa, việc thương lái Trung Quốc đặt mua các loại cây như Máu Chó, Hoàng Ðằng, củ Ba Mươi, cây Khúc Khắc (còn được gọi là Thổ Phục Linh)... đã khiến các loại cây này gần như tuyệt chủng ở Kỳ Sơn, Nghệ An.

Cũng thời điểm này, thương lái Trung Quốc đang lùng sục mua mầm của Thảo Quả ở Hà Giang. Thông thường, mỗi héc ta Thảo Quả cho 2.5 tấn Thảo Quả/năm, tương đương 72 triệu. Một ký mầm Thảo Quả tương ứng với 20 cây được thương lái Trung Quốc hỏi mua với giá 50,000 đồng đã kích thích việc vặt mầm, khiến Thảo Quả bị suy giảm khả năng sinh trưởng và phát triển, không thể ra hoa, kết quả nhưng chẳng ai ngăn chặn. Ở Hà Giang, hồi giữa thập niên 2000, sau khi thương lái Trung Quốc đặt mua gốc và thân cây chè cổ thụ có tên là San Tuyết, loại chè San Tuyết nổi tiếng một thời đã biến mất khỏi thị trường.

Bà Phan Thị Thu Hiền, làm việc tại Vụ Y Học Cổ Truyền, Bộ Y Tế, thú nhận, tình trạng khai thác dược thảo theo kiểu “đào tận gốc, trốc tận rễ” là rất phổ biến, trong khi đó, các loại dược thảo cần một khoảng thời gian dài để trưởng thành, có thể thu hoạch nên nhiều nguồn dược thảo bị kiệt quệ.
Bà Hiền nói thêm, nếu chỉ riêng Bộ Y Tế thì không đủ sức ngăn chặn thương lái Trung Quốc tổ chức gom hàng khiến dân chúng đổ xô đi săn tìm, khai thác.

Cùng bàn về vấn đề này với tờ Khoa Học và Ðời Sống, ông Vũ Văn Dũng, Hội Khoa Học-Kỹ Thuật Lâm Nghiệp Việt Nam, gọi các loại dược thảo của Việt Nam là một thứ “vàng xanh.” Tình trạng thương lái Trung Quốc tận thu khiến nguồn “vàng xanh” cạn kiệt là một vấn nạn lớn. Tỉnh Bắc Kạn nói riêng và khu vực Tây Bắc Việt Nam vốn là một “vựa dược thảo” vừa lớn, vừa quý.

Nhiều năm qua, “vựa dược thảo” này trở thành nơi để thương lái Trung Quốc tổ chức nhiều đợt tận thu khiến nhiều loại dược thảo rơi vào tình trạng gần như tuyệt chủng nhưng chính quyền Việt Nam hoàn toàn bất lực. 

No comments:

Post a Comment