Một kỹ sư phục vụ trong Không lực Hoa Kỳ cho rằng nhiều khả năng chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị không tặc.
Trả lời BBC ngày 11/3, ông Long Nguyễn từ tiểu bang Colorado cho rằng các đội cứu hộ nên ngưng điều tra những vết dầu loang.
"Tôi không hiểu vì sao họ lại đi tìm các vết dầu loang, vì nếu máy bay bị rơi, nhiên liệu sẽ bị đốt cháy trong những vụ nổ sau đó. Vào lúc này, tốt nhất là họ nên tập trung tìm kiếm các mảnh vỡ," ông nói.
Trước đó, những vết dầu loang trên biển do các đội cứu hộ của Trung Quốc và của Việt Nam phát hiện sau đó đều được khẳng định là không liên quan đến chiếc máy bay mất tích.
Những sự việc vô lý.
Ông cũng cho rằng việc các đội tìm kiếm không phát hiện ra mảnh vỡ nào trong nhiều ngày qua là 'vô lý'.
"Các hãng tin cũng đang nói đến khả năng không tặc đã mang theo bom lên máy bay. Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp xấu nhất, nếu máy bay bị nổ trên không trung, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều mảnh vỡ trải rộng trên mặt biển."
"Gần 250 ghế trên máy bay được thiết kế để có thể nổi trên mặt biển và hành khách có thể bám vào đó nếu gặp nạn, đó là chưa kể vô số những bộ phận được làm từ vật liệu dễ nổi khác trong máy bay."
"Nếu như chiếc máy bay không bị nổ trên không trung mà lại rơi xuống biển thì cho đến thời điểm này, thân máy bay đã chạm đến đáy biển và đã bị vỡ ra khiến các mảnh vỡ đã trồi lên mặt biển."
Ông Long cho rằng việc chiếc máy bay Boeing 777 đột ngột biến mất khỏi radar cần có sự can thiệp của bàn tay con người.
"Nếu muốn tắt máy phát tín hiệu của máy bay, anh phải vượt qua hàng loạt cầu dao tự động và sau đó phải chui xuống dưới khoang máy để tháo gỡ một thứ giống như một tấm thẻ điện tử ra," ông nói.
"Nó không phải một cái nút mà bật hoặc tắt một cách đơn giản được."
"Đây là một quy trình rất tốn thời gian và đòi hỏi người thực hiện biết rõ mình đang làm gì."
Tại sao không có tín hiệu
Ông Long cũng đặt nghi vấn trước việc không một tín hiệu khẩn cấp nào được gửi đi trước và sau khi mất tích:
"Các phi công trên máy bay là những người có nhiều kinh nghiệm, cơ trưởng có đến hơn 18.000 giờ bay mà Malaysia Airlines lại không nhận được bất cứ tín hiệu báo nguy nào từ anh ta thì đó là điều vô lý."
"Trong trường hợp máy bay rơi, máy phát sóng định vị khẩn cấp (ELT) có thể gửi tín hiệu để báo địa điểm nằm trong bán kính 300-400 dặm xung quanh vị trí của hộp đen."
"Hệ thống ELT được thiết kế để dù bất cứ điều gì có xảy ra với máy bay đi nữa, người ta vẫn có thể điều tra ra nguyên nhân."
"Theo tôi biết thì những chiếc Boeing 777 có đến hai máy ELT để đề phòng trường hợp một máy bị hỏng".
"Tôi tin rằng đây là một vụ không tặc", ông nói, đồng thời cho rằng các nhà điều tra nên nhanh chóng xem xét hồ sơ lý lịch của hai hành khách lên máy bay bằng hộ chiếu giả để xem họ có bất cứ sự hiểu biết nào về máy bay hay không.
Hai hành khách lên máy bay bằng hộ chiếu giả đã mua vé cùng một lúc
Hai hành khách lên máy bay bằng hộ chiếu giả đã mua vé cùng một lúc
Chuyến bay MH370 mang theo 239 người của hãng hàng không Malaysia Airlines đột ngột biến mất khỏi radar vào lúc 02:40, giờ địa phương (01:40 sáng giờ Việt Nam) ngày 8/3 trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh.
Theo lịch nó phải hạ cánh ở Bắc Kinh lúc 06:30 (05:30 giờ Việt Nam).
Tuy nhiên cho đến nay, những vật thể trôi nổi trên biển được các đội tìm kiếm cứu hộ phát hiện trong ba ngày qua vẫn không liên quan gì đến chiếc máy bay bị mất tích.
Tại sao đổi hướng bay?
Radar quân sự cho thấy chiếc máy bay đã rẽ sang phía tây, ra khỏi đường đi dự kiến, bay qua eo biển Malacca, cách khoảng 400 km so với địa điểm cuối cùng chiếc máy bay này liên lạc với đất liền trước khi mất tích, không quân Malaysia nói.
Một quan chức quân đội Malaysia giấu tên cho biết: “Chiếc máy bay đã thay đổi hành trình sau khi qua Kota Bharu và hạ độ cao rồi đâm xuống eo Malacca.”
Malaysia Airlines cho biết lần liên lạc radio và radar cuối cùng với máy bay MH370 diễn ra khi chiếc máy bay này đang ở trên vùng biển phía đông Malaysia, ngoài khơi bờ biển thị trấn Kota Bharu.
Chiếc máy bay này đã biến mất khỏi màn hình radar sau khi rời sân bay Kuala Lumpur khoảng 2 tiếng đồng hồ. Phi công đã không hề phát đi tín hiệu báo động hoặc cầu cứu nào chứng tỏ đã có vấn đề xảy ra trên máy bay.
Tư lệnh cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết: “Có lẽ ai đó trên chuyến bay đã mua một số tiền bảo hiểm rất lớn, người này muốn gia đình được hưởng số tiền bảo hiểm đó hoặc có người bị nợ nần nhiều quá. Chúng tôi đang xem xét mọi khả năng có thể.”
Ông Bakar tuyên bố: “Chúng tôi đang xem xét rất kỹ đoạn video do camera giám sát ghi lại tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur và tìm hiểu hành vi của tất cả các hành khách trước khi lên máy bay.”
Trước đó, tin tức nổi lên cho thấy có hai người Iran đã dùng hộ chiếu giả để lên chuyến bay. Các chuyên gia nói tuy việc này vi phạm quy định an toàn, nhưng là điều khá phổ biến ở khu vực được coi là cổng quan trọng cho dòng người di cư bất hợp pháp.
Tổng thư ký Interpol, Tướng Ronald Noble nói hai người này đi từ thủ đô Doha của Qatar bằng hộ chiếu Iran, rồi chuyển sang dùng hộ chiếu Ý và Áo bị đánh cắp để lên máy bay MH370.
Kiên Vũ (tổng hợp theo BBC, RT)
No comments:
Post a Comment