Tuesday, March 11, 2014

Lỗ triền miên, đối mặt cửa tử hủy niêm yết!

 13:00 ngày 11 tháng 03 năm 2014 Áp lực hủy niêm yết ngày càng đè nặng do doanh nghiệp không có lối thoát. ảnh: hồng vĩnh
  Áp lực hủy niêm yết ngày càng đè nặng do doanh nghiệp không có lối thoát. ảnh: hồng vĩnh
 
TP - Khác với không khí hồ hởi trong cơn sốt đua nhau lên sàn những năm trước đây: Kinh tế tụt dốc, cơ hội làm ăn khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với “ác mộng” hủy niêm yết bắt buộc (do thua lỗ 3 năm liên tiếp).
Thâm “thủng” vốn điều lệ
Mùa đại hội cổ đông chính thức bắt đầu, “sức khỏe” của doanh nghiệp niêm yết thế nào, công khai hay giấu bớt đang là vấn đề khiến nhiều ông chủ đau đầu.
Càng đến giờ G, những thông tin xấu liên tiếp được công bố. “Kinh tế khó khăn, sức mua không có”….là những thông tin thường xuyên được các doanh nghiệp đưa ra trong báo cáo giải trình về hoạt động kinh doanh thua lỗ của đơn vị. Kết thúc năm tài chính 2013, nhiều doanh nghiệp cho biết, tiếp tục bị lỗ năm thứ 3 liên tiếp. Không ít doanh nghiệp có mức lỗ lũy kế cao hơn cả vốn điều lệ.
Thị trường bất động sản trầm lắng cũng gây không ít hệ lụy cho các doanh nghiệp xây dựng, thép… Báo cáo tài chính của Cty Cổ phần Bê tông Biên Hòa (BHC) mới đây cho thấy, với 40 năm kinh nghiệm hoạt động, doanh nghiệp bị lỗ tổng cộng 50 tỷ đồng liên tiếp trong 3 năm qua. Tình cảnh khó khăn của doanh nghiệp thể hiện khá rõ qua các con số. Năm 2013 lỗ tiếp gần 16 tỷ đồng. Các năm 2011 và 2012 lỗ lần lượt là 13,9 tỷ và 20,3 tỷ đồng.
Giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Vũ Xuân Hải, Tổng giám đốc công ty trên cho biết, lợi nhuận sau thuế quý IV/2013 của công ty bị âm thêm hơn 1,8 tỷ đồng. Do khó khăn tài chính, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản chậm triển khai hoặc thực hiện cầm chừng nên công ty gặp khó khăn trong tìm kiếm công việc.
Năm 2010, có 6 doanh nghiệp hủy niêm yết trên 2 sàn chứng khoán. Năm 2012, con số này tăng lên 23 doanh nghiệp. Trong 8 tháng đầu năm 2013, số doanh nghiệp hủy niêm yết lên tới 28.
“Chính sách thắt chặt tín dụng đầu tư xây dựng cơ bản đã ảnh hưởng đến tiến độ thu tiền bán sản phẩm, dẫn đến chậm thanh toán cho khách hàng cung cấp. Phải chịu thêm lãi trả chậm theo hợp đồng đã ký kết khiến hoạt động của công ty càng khó khăn hơn”, ông Hải cho biết.
Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết khác hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng cũng đối mặt nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc. Trong đó phải kể đến, Cty Cổ phần Khoáng sản Mangan lỗ 5,9 tỷ đồng năm 2013 (Năm 2012 lỗ 3,96 tỷ đồng và năm 2011 lỗ 2,78 tỷ đồng). Cty Cổ phần Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam cũng báo lỗ 1,67 tỷ đồng năm 2013 sau khi đã lỗ 9,73 tỷ và 13,66 tỷ đồng trong 2 năm trước đó.
Âm vốn nặng đến mức vượt cả vốn điều lệ phải kể đến trường hợp của Cty Cổ phần Nam Vang (NAV). Sau 3 năm kinh doanh thua lỗ trên 400 tỷ đồng (âm 124 tỷ đồng vốn chủ sở hữu). Trong đó, riêng năm 2013, lỗ tổng cộng 142 tỷ đồng.
Lĩnh vực xây lắp dầu khí cũng ghi nhận một năm đầy khó khăn của không ít doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2013 cho thấy, Cty Cổ phần Tổng Cty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA) lỗ tổng cộng hơn 28 tỷ đồng. Tính cả mức lỗ của 2 năm trước đó, PVA lỗ lũy kế 175 tỷ đồng. Riêng năm 2012, công ty bị lỗ nặng với gần 145 tỷ đồng.
Một trường hợp đáng chú ý khác là Cty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PSG).
Doanh nghiệp này năm qua bị lỗ 208 tỷ đồng. Hai năm trước đó, công ty cũng bị lỗ lần lượt 251 tỷ và 87 tỷ đồng. PSG đang có số lỗ luỹ kế chưa phân phối lên tới 546,85 tỷ đồng. So với mức vốn điều lệ 350 tỷ đồng, tình hình tài chính của doanh nghiệp này được đánh giá rất đáng quan ngại.
Lỗ thâm “thủng” vốn điều lệ cũng được ghi nhận tại Xây lắp Dầu khí miền Trung (PXM). Cuối năm 2013, doanh nghiệp này báo lỗ 261 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ tại cùng thời điểm. Vốn chủ sở hữu của công ty chính thức bị thâm hụt 108 tỷ đồng. PXM cũng là cổ phiếu đầu tiên bị Sở giao dịch chứng khoán TPHCM đưa ra cảnh báo khả năng hủy niêm yết bắt buộc trong kỳ kinh doanh 6 tháng năm 2013.

Sàng lọc cần thiết
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của một tổng công ty (có 5 công ty con đang niêm yết trên cả 2 sàn) cho biết, tình hình kinh doanh của cả 5 đơn vị đều khá xấu. Áp lực hủy niêm yết ngày càng đè nặng, do doanh nghiệp không có lối thoát trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng kéo dài. Dù đã hết sức nỗ lực, nhưng mức lỗ của các đơn vị cộng lại đã lên tới hơn 200 tỷ đồng.
“Năm 2013, chúng tôi buộc phải có lãi do 2 năm trước bị lỗ khá nặng, tới hơn 300 tỷ đồng. Hàng hóa không bán được, để giúp doanh nghiệp thoát án hủy niêm yết, lãnh đạo đơn vị đã phải kêu gọi bạn bè và bỏ tiền túi để mua các suất biệt thự. Nhờ bán được vài chục căn biệt thự kiểu này, năm 2013 công ty đã có mức lãi vài chục tỷ đồng. Năm 2014, chưa biết sẽ xoay xở tiếp ra sao. Rất áp lực”, tổng giám đốc một doanh nghiệp sở hữu dự án bất động sản gần 300 ha ở phía Tây Hà Nội
chia sẻ.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK Nhà nước cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động để có thể thanh toán cho các khoản công nợ đến hạn trả. Khả năng hoạt động liên tục của những đơn vị trên đang là câu hỏi lớn không chỉ với các cơ quan quản lý mà cả với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thực tế này cho thấy việc tái cơ cấu của thị trường đang diễn ra đúng hướng. “Thanh lọc các doanh nghiệp yếu là xu hướng tất yếu, đúng với kế hoạch tái cơ cấu thị trường. Trên sàn sẽ chỉ còn các doanh nghiệp tốt, hàng hóa tốt cho nhà đầu tư”, ông Bằng nói.

No comments:

Post a Comment