NAM ÐỊNH (NV) - Sự kiện chính quyền tỉnh Nam Ðịnh cho phép một tập đoàn của Trung Quốc xây dựng một nhà máy trị giá 1,400 tỉ đồng đang làm dấy lên sự lo ngại từ các chuyên gia kinh tế Việt Nam.
Theo giấy phép đầu tư vừa được cấp, tập đoàn dệt may YULUN Giang Tô của Trung Quốc có thể xây dựng một nhà máy sản xuất sợi-dệt-nhuộm, với với công suất sản xuất sợi 9,816 tấn/năm - dệt 21.6 triệu mét/năm và nhuộm 24 triệu mét/năm, tại khu công nghiệp Bảo Minh, tọa lạc ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh.
Ðủ loại hàng hóa vẫn từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam và được xem là nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc. (Hình: Báo Quảng Ninh) |
Cũng theo các viên chức chính quyền ở Nam Ðịnh, một tập đoàn của Hồng Kông, Trung Quốc đang đề nghị xây dựng một khu công nghiệp Dệt May, có quy mô khoảng 1,000 héc ta tại huyện Nghĩa Hưng của tỉnh này.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, Trung Quốc đã, đang và sẽ còn tăng vốn đầu tư vào Việt Nam vì kinh tế Trung Quốc hiện trong giai đoạn suy thoái.
Không chỉ có sự gia tăng số lượng các dư án đầu tư, Trung Quốc đang rót tiền mua lại cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn về tài chính.
Ðây cũng là lý do khiến ông Lê Ðăng Doanh, một chuyên gia kinh tế lên tiếng cảnh báo về viễn cảnh, các công ty Trung Quốc sẽ nhan nhản ở Việt Nam. Ông Doanh nhận định, khi có quá nhiều công ty Trung Quốc tại Việt Nam, họ có thể thao túng thị trường, tác động đến chính sách.
Ngoài ông Doanh, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế khác, vừa chính thức cảnh báo tại hội thảo “Triển vọng kinh tế và tầm nhìn chính sách năm 2014” rằng, bà cảm thấy “rủi ro đã tăng lên rất nhiều khi sự có mặt của người Trung Quốc ở Hà Tĩnh đã đông đến mức có thể cắt Việt Nam làm đôi, thì những thách thức không chỉ vấn đề kinh tế, xã hội,” bà Lan nói.
Mới đây, dư luận cũng đặt vấn đề về hoạt động của doanh nghiệp FDI có thể có lợi trước mắt nhưng về lâu dài Việt Nam lại đang đẩy kinh tế vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Phạm Chi Lan phân tích, “Nếu lĩnh vực bất động sản cũng mong người nước ngoài được tự do mua bán bất động sản Việt Nam thì có lẽ 5-10 năm tới Việt Nam sẽ là nước sẽ là của những họ Kim, họ Lee của Hàn Quốc, họ Tập, họ Ðặng của Trung Quốc chứ không phải của người Việt Nam và chúng ta sẽ lại là những người làm thuê, làm thuê ở dạng gia công. Thậm chí thay vì mua nhà bằng gói 30,000 tỷ không được thì lại đi thuê nhà của nhà đầu tư nước ngoài.”
Càng ngày càng nhiều cảnh báo về sự lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc. Năm ngoái, nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng đến 23.7 tỉ USD, so với năm 2012, tăng 45%.
Trong khi xuất cảng của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng 7% thì nhập cảng từ Trung Quốc tăng 28%. Nói cách khác, tốc độ gia tăng của nhập cảng từ Trung Quốc tăng gấp 4 lần so với tốc đố xuất cảng và chênh lệch về cán cân thương mại trong quan hệ với Trung Quốc càng lúc càng lớn.
Hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái, tại một hội nghị bàn về việc thực hiện thỏa thuận thương mại tự do, Bộ Công Thương Việt Nam xác nhận, chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2012, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu USD hồi 2001, thành 16 tỷ USD vào năm 2012.
Tháng 6 năm ngoái, sau khi có thống kê cho biết, bốn tháng đầu năm 2013, Việt Nam chi 40.2 tỷ USD cho việc nhập cảng, trong đó có tới 10 tỷ USD chỉ để nhập cảng nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu, hàng hóa của Trung Quốc, ông Võ Trí Thành, một chuyên gia kinh tế, khẳng định, điều đó cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liêu của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng chúng sang Việt Nam, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam hấp hối vì không kịp ứng phó. Ông Thành than rằng, cả khả năng cạnh tranh lẫn công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quá yếu, vì vậy Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng.
Trước đó một chút, vào cuối tháng 5, ông Trương Trọng Nghĩa, một đại biểu Quốc Hội Việt Nam đã từng soạn một tham luận, cũng nhằm cảnh báo về tình trạng kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Ông Nghĩa yêu cầu cần phải điều tra để có đầy đủ số liệu, thông tin về sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế Trung Quốc. Ông Nghĩa cảnh báo: “Thua kém có nhiều mức độ, nhưng lệ thuộc về kinh tế là sự thua kém đáng sợ nhất, nhất là khi nó đi kèm với mối đe dọa về chủ quyền lãnh thổ.” Tuy nhiên tham luận này không được những người điều hành kỳ họp hồi tháng 5 của Quốc Hội Việt Nam cho trình bày tại diễn đàn Quốc Hội bởi... “Quốc Hội không đủ thời gian.”
Ðến tháng 8, các chuyên gia lại tiếp tục cảnh báo về một khía cạnh khác trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Ðó là kinh tế Việt Nam bị suy yếu nhanh chóng do tài nguyên bị tận thu để bán cho Trung Quốc, bất chấp nền kinh tế đang cần nội lực để hồi phục.
Theo một vài chuyên gia kinh tế, không thể tách tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc và những dấu hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, ra khỏi sự câu kết rất chặt chẽ giữa các thế lực kinh tế mà chủ yếu là các doanh nghiệp lớn của nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân lớn, với các thế lực chính trị, để các bên đạt tới lợi ích lớn nhất mà Việt Nam thường gọi là nhóm lợi ích.
No comments:
Post a Comment