10/03/14 05:50
(Infonet)-Phát hiện động trời ở vùng rau an toàn Hà Nội gây hoang mang: nông dân ở các vùng rau an toàn dùng thuốc hóa học cực độc...trong khi rau Đà Lạt ế ẩm phải đổ làm phân xanh, cho bò ăn.
Nhắm mắt... mua rau
Khi vào các siêu thị lớn tại Hà Nội như Big C, Fivi mart, người tiêu dùng dù ít nhiều đặt niềm tin mua được rau sạch khi những quầy rau có bán "rau an toàn Vân Nội". Tuy vậy, những cuộc khảo sát của PV về vùng rau an toàn này hé lộ sự thật động trời.
Nói về những cửa hàng rau sạch Vân Nội, nhiều người trồng rau tại đây cho hay 'Vân Nội có tiếng rau an toàn rồi nên ai cũng nghĩ về đây tất cả đều an toàn, có biết đâu rau từ xã khác đổ về bán ở chợ rau Vân Nội còn đông hơn".
Khi PV Nông nghiệp Việt Nam vào vai một nhân viên đi tiếp thị thuốc BVTV sinh học, nhiều nông dân trồng rau tại vùng rau an toàn Vân Nội ( Đồng Anh, HN) lắc đầu nguầy nguậy: Thuốc sinh học khó bán lắm, phun nhiều, giá thành cao, sâu lại lâu chết.
Đến như Chủ nhiệm HTX sản xuất tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông nghiệp an toàn xã Vân Nội, ông Trần Văn Mây cũng thừa nhận: Dù trồng rau an toàn thật đấy, nhưng cứ phải dùng cả thuốc sinh học lẫn hóa học tưới thì mới... an toàn.
“Đa số các vùng rau đều nhiều sâu bệnh. Đặc biệt là các loại sâu đất, sâu ổ, nếu dùng thuốc sinh học thì lâu chết, có khi cũng chẳng biết chết hay không. Thành thử để cho chắc ăn thì phải mua thuốc khác cộng vào”, một nông dân ở thôn Đầm khẳng định với PV.
Đi vòng quanh một vùng rau an toàn khác ở Vân Nội là thôn Đông, thực trạng sử dụng thuốc BVTV hóa học cũng diễn ra tương tự. Hầu hết nông dân đều thừa nhận, họ vẫn đang phải dùng thuốc hóa học để phun, tưới cho vùng rau an toàn. Mặc dù sau khi sử dụng, hầu hết bao bì thuốc BVTV được thu gom để tiêu hủy. Nhưng lác đác ở một vài nơi vẫn còn vỏ các sản phẩm có độ độc cao.
Trạm trưởng Trạm BVTV Đông Anh Đinh Văn Thảo thẳng thắn thừa nhận: Để xảy ra sai sót trong quản lý thuốc BVTV là không thể tránh khỏi. Có những hộ nông dân lén lút dùng thuốc hóa học, cách ly chỉ ít ngày là bán. Những loại thuốc BVTV mà nông dân ở các vùng RAT đang dùng như Marshal, Peran... là thuốc hóa học cực độc. "Chúng tôi không khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc hóa học nhưng không thể loại trừ được", ông Thảo thừa nhận.
Vì những lý do trên, việc người tiêu dùng có chấp nhận móc túi chi tiền đắt gấp 2, gấp 3 để mua "rau sạch" rốt cục cũng chỉ là đánh lừa niềm tin, rau độc hay rau sạch vẫn chỉ là khái niệm trắng đen lẫn lộn.
Khảo sát của Bộ NNPTNT công bố hồi tháng 12 đối với rau củ nhập cũng cho thấy có tới 8,3% rau củ được lấy mẫu kiểm tra chứa chất độc. Tỉ lệ này cho thấy người tiêu dùng thật khó "miễn nhiễm" với các loại chất độc vào cơ thể qua bữa ăn hàng ngày.
Rau Đà Lạt đổ cho bò ăn, làm phân xanh
Trong khi đó, thông tin trên báo Lâm Đồng cho hay, từ dịp Tết Giáp Ngọ đến nay, những người trồng rau ở TP. Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng… lâm cảnh bi đát vì rau sản xuất không bán được, phải cho bò ăn hoặc cày làm phân xanh.
Rau củ bán không được phải cho bò ăn |
ng Bùi Minh Duy (khu phố Thánh Mẫu, P7, TP. Đà Lạt) trồng 9.000 gốc bắp sú để bán hàng tết nhưng không có ai mua, đến ngày 26.2 bán đổ bán tháo được gần 2 triệu đồng (200 đồng/gốc) để khỏi phải cày bỏ. Ông Duy cho biết vốn đầu tư vườn sú hơn 16 triệu đồng, chưa kể công. Anh Nguyễn Công Hùng (khu Nguyễn Siêu, P.7) có 20.000 gốc sú, trước tết tiểu thương trả 5.500 đồng/gốc anh không bán, nay không ai mua để héo rũ trên đồng. Vợ chồng anh chị Nguyên - Huyền (P.7, Đà Lạt) trồng 7.000 gốc xà lách, không có người mua phải cày làm phân xanh.
Bà Lê Thị Lệ Thu (một tiểu thương) cho biết: “Rau Đà Lạt thì nhiều nhưng các vựa ở TP.HCM và miền Tây chỉ “ăn” rất hạn chế, nhiều tiểu thương mua đám (mua non) trước tết, nay giá quá rẻ thu hoạch chưa đủ tiền công nên bỏ lại trên đồng, có người chấp nhận mất vốn hàng trăm triệu đồng”. Một tiểu thương khác là bà Cao Thị Bích Tần cho biết thêm, các vựa rau ở Thủ Đức (TP.HCM), Cái Bè (Tiền Giang), Sóc Trăng… không cho đi hàng, do các tỉnh mùa này sản xuất được rau, nên rau Đà Lạt mới ế.
Một nguyên nhân khác, hiện nay rau củ từ Trung Quốc tràn về chợ đầu mối Thủ Đức khá nhiều đã “đè” rau Đà Lạt.
Ông Trần Minh Tùng, ngụ P.7, Đà Lạt lập lại điệp khúc: “Trồng rau mà như đánh bạc, dù rau đẹp, tốt nhưng chỉ khi bỏ tiền vào túi mới biết mình “trúng”, có khi chỉ chậm 1 tuần không bán được hàng coi như mất trắng”.
Qua tìm hiểu, hàng đóng đi, sau khi trừ tiền xe, bốc vác, hao hụt và tiền lời các vựa mới gởi tiền lên cho tiểu thương ở Đà Lạt, cho nên khi đến tay nông dân giá rau rẻ mạt là vậy. Anh Huỳnh Văn Năm, có 2 xe tải chở rau Đà Lạt cho biết “Vận chuyển rau, củ về chợ đầu mối Thủ Đức các vựa chỉ trả 450-500 đồng/ký, về Cái Bè 550 - 600 đồng/ ký; còn chở rau sạch (đóng két, bao) được 700 đồng/ ký, nhưng số lượng lại ít”. Những ngày sau tết hàng đi không đầy xe do các vựa ở Thủ Đức, Cái Bè từ chối mua hàng nên làm ăn rất khó khăn.
No comments:
Post a Comment