SÀI GÒN ((NV) - Một phúc trình của Trung Tâm Ðịa-Tin Học thuộc khu công nghệ nhu liệu của Ðại Học Quốc Gia Sài Gòn vừa được công bố, nói rằng nhiều khu vực ở Sài Gòn đang bị lún dần. Tình trạng lún này ngày càng trầm trọng, có thể thấy được qua các đợt ngập nước, hàng chục vụ mỗi năm.
Nạn ngập lụt tại Sài Gòn. (Hình: báo Dân Trí) |
Theo phúc trình này, một số khu vực ở Sài Gòn hiện bị lún trung bình 1cm một năm. Tính từ năm 1992, tức hơn 22 năm nay, rất nhiều vùng thuộc 17 quận, huyện Sài Gòn bị lún thêm từ 2 đến 3 tấc. Có nơi còn thấp hẳn xuống 5 tấc chiều sâu. Nguyên nhân gây nên tình trạng trên, theo phúc trình của Trung Tâm Ðịa-Tin Học, vì nạn đào giếng, khai thác nước ngầm ngày càng tràn lan.
Phúc trình do Trung Tâm Ðịa-Tin Học tung ra, cho rằng diện tích đất bị “bê tông hóa” ở Sài Gòn ngày càng nhiều, đồng thời với nạn lấp kín các kênh rạch khiến lượng nước ở tầng ngầm, dưới lòng đất ngày càng cạn kiệt. Nạn đào giếng để xài trong dân gian, ở các vùng xa xôi hẻo lánh của Sài Gòn đã làm tăng nặng thêm tình trạng khai thác nước ngầm, gây lún sụt cho cả thành phố.
Người dân thích xài nước giếng vì khỏi tốn tiền, lại không sợ bẩn. (Hình: báo Dân Trí) |
Báo Dân Trí cho biết, từ năm 1997, chính quyền Sài Gòn đã ra một quyết định cấm người dân khai thác nước trong lòng đất. Mặt khác, công ty cấp nước Sài Gòn cũng được lệnh tăng cường việc lắp đặt đường ống, đồng hồ để cung cấp nước sạch cho dân xài, giảm thiểu nạn đào giếng. Cuối năm 2013, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn cho biết, có đến 90% dân số sinh sống tại 23 trên tổng số 24 quận, huyện Sài Gòn được gắn đồng hồ, được cung cấp nước thủy cục đến tận nhà.
Tuy nhiên, thống kê của tổng công ty này cũng nói rằng, có đến 5.8% dân số gắn đồng hồ nhưng lại không chịu xài nước thủy cục. Trong khi đó, gần 10% dân số Sài Gòn cũng gắn đồng hồ, nhưng xài nước thủy cục một cách “nhỏ giọt.” Ðiều này cho thấy, theo tổng công ty cấp nước Sài Gòn, số gia đình xài nước giếng, khai thác nước ngầm hiện nay vẫn còn rất lớn.
Theo dư luận, người dân không chịu xài nước máy vì không muốn tốn tiền, và đôi khi vì nước máy bẩn, đục so với nước giếng.
No comments:
Post a Comment