Friday, February 14, 2014

Việt Nam “tháo” hết rào cản dụ Việt kiều mua bất động sản!

HÀ NỘI (NV) .- Thị trường bất động sản tại Việt Nam chết chìm không ngóc lên nổi từ mấy năm qua, nay nhà cầm quyền tính gỡ bỏ mọi rào cản đã từng dựng lên để hy vọng Việt kiều nhảy vào giải cứu.


Một khu vực xây dựng dở dang ở Hà Nội bị bỏ hoang cho cỏ mọc suốt mấy năm qua vì không có khách mua. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Theo báo Thanh Niên, một bản dự thảo sửa đổi Luật Nhà Đất sắp được đưa ra Quốc hội Hà Nội để thông sau mấy năm chần chờ.

Lần này, dự thảo “đề xuất cho phép Việt kiều có quyền sở hữu không hạn chế số lượng, thời gian nhà ở bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ gắn liền với quyền sử dụng đất. Việc sở hữu nhà ở của Việt kiều được thực hiện thông qua các hình thức: mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; mua, thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS); nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật…”

Hơn nữa, dự thảo còn “đề xuất mở cho Việt kiều mua nhà ở trong nước không chỉ được sở hữu mà còn được xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở nhận chuyển nhượng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Được bán, tự do bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở, thế chấp gắn liền với quyền sử dụng đất ở; có quyền cho người khác thuê nhà ở, ủy quyền cho người khác quản lý nhà của mình....”

Những “đề xuất” như nêu trên có hậu quả từ hàng trăm ngàn đơn vị gia cư, từ biệt thự đến chung cư cao cấp được các công ty xây dựng quốc doanh và một ít công ty tư nhân xây dựng dở dang năm, sáu năm trước hoặc có thể gần chục năm trước, rồi bỏ đó cho rêu mọc.

Chỉ riêng hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội, con số thống kê chính thức nói có hơn 70,000 đơn vị gia cư cao cấp xây dựng dở dang rồi bỏ hoang. Một số nguồn tin nói con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.

Theo một bản tin của tờ Lao Động cuối năm 2012, khoảng 69 đại gia bất động sản , một số không ít là các tổng công ty xây dựng quốc doanh của Bộ Xây Dựng, chôn trong những tòa nhà rêu phủ đó trên dưới 7 tỉ đô la.
Không ít ngân hàng thương mại cũng bị kẹt lây khi các con nợ (các nhà đầu tư xây dựng địa ốc) không đào đâu ra tiền để trả. Nhà cầm quyền Hà Nội đã bàn thảo nhiều kế hoạch nhắm cứu thị trường địa ốc suốt mấy năm nhưng không thấy có biện pháp gì.

Cuối cùng, hồi Tháng Sáu 2013, Ngân hàng Nhà nước được lệnh giải tỏa số tiền 30,000 tỉ đồng hay khoảng 10% nhu cầu (như nhiều chuyên gia trong nước ước lượng) , đem bơm số tiền này tới các ngân hàng thương mại, một phần cho người tiêu thụ vay, một phần cho các nhà đầu tư địa ốc đang kẹt vay, để “kích cầu”.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Một Thế Giới ngày 8/12/2013, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, phê bình rằng cái gói “kích cầu” đó đã “thất bại vô cùng thảm hại”.

Ông nhận xét “Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 30.11.2013, 5 ngân hàng là Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank và MHB mới chỉ giải ngân được 470.8 tỷ đồng trong gói 30,000 tỷ cho 1,236 khách hàng. ...Như vậy, sau 6 tháng triển khai, số tiền giải ngân mới chỉ đạt 1,56%. Và với tốc độ này, theo tính toán cần phải mất thêm 32 năm nữa thì số tiền 30,000 tỷ mới giải ngân xong.”

Được biết, theo kế hoạch được Ngân Hàng Nhà Nước và Bộ Xây Dựng Hà Nội đưa ra, số tiền 30,000 tỉ đồng “kích cầu” này phải tiêu thụ hết trong vòng 3 năm.
Quảng cáo bán nhà giảm giá của một công ty địa ốc ở Hà Nội. (Hình: Một Thế Giới)

Theo bản tin ngày 23/11/2013 của báo Một Thế Giới, nhiều công ty địa ốc quảng cáo bán nhà với các số tiền “khuyến mãi” rất lớn, có thể bớt khoảng 80 triệu đồng một căn tặng kèm một cái điện thoại iPhone 5. Tuy nhiên, đây là quảng cáo của những nhà đầu tư các dự án nhỏ và nhà đã xây dựng hoàn chỉnh ở những khu vực có dân cư sinh sống.

Còn số phận của hàng chục đơn vị chung cư, biệt thự bỏ hoang thì tương lai ra sao không ai biết. Hay đợi Việt kiều lao thân vào khi luật nhà ở đã được thông qua? Hiện một số rất ít Việt kiều mua nhà ở Việt Nam đã phải “mua chui” tức nhờ họ hàng, người thân đứng tên vì bị cấm làm chủ bất động sản kèm theo quyền sử dụng đất.

Tham nhũng trong lãnh vực địa chính, nhà đất được coi là một trong những ngành tham nhũng nhất tại Việt Nam. Dù luật có thay đổi để cầu Việt kiều cứu giá, thì nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh hối lộ không chắc là đã giảm. 

No comments:

Post a Comment