Thứ bảy 15/02/2014 07:09
ANTĐ - Được xem là độc chất có khả năng gây ung thư song PCB vẫn hiện hữu trong dầu của các thiết bị công nghiệp cũ và có nguy cơ rò rỉ. Khi bị thải bỏ ra môi trường, PCB là hợp chất hữu cơ khó phân huỷ và được tích tụ theo chuỗi thức ăn vào cơ thể người. Ngoài ra, cộng đồng còn có thể bị phơi nhiễm PCB qua tiếp xúc trực tiếp với các vật liệu điện tử cũ...
Cá cũng nằm trong nghi vấn nhiễm độc PCB
Theo Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), con người bị phơi nhiễm PCB qua đường tiêu hóa (ăn uống thức ăn có nhiễm PCB), hô hấp (hít thở không khí có PCB tại khu vực nhiễm PCB) và tiếp xúc qua da (tiếp xúc với đất, nước nhiễm dầu rò rỉ có chứa PCB từ thiết bị điện), hoặc truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai và cho con bú. Trong đó, tiêu hóa là con đường lây nhiễm PCB phổ biến nhất cho con người, thông qua chuỗi thức ăn, đặc biệt là cá, gia cầm và sữa mẹ bị nhiễm PCB.
Khi đã bị phơi nhiễm PCB, dù qua con đường nào thì cũng đều có hại vì nó sẽ tích tụ trong cơ thể cho đến một ngưỡng nhất định mới phát sinh ra các triệu chứng để nhận biết. Khi đó, việc chạy chữa hết sức khó khăn và hệ quả có thể ảnh hưởng đến các thế hệ tiếp theo. Khi vào cơ thể, hợp chất PCB có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe con người như tác động đến hệ thần kinh (làm tê liệt, đau đầu, run rẩy chân tay), hệ sinh sản, phát sinh các khối u và ung thư.
Tại Việt Nam, TS. Phạm Mạnh Hoài cùng nhóm các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu trầm tích lấy từ sông Nhuệ, Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu và hồ Yên Sở và kết quả cho thấy nồng độ của PCB trong trầm tích cao, tương đương với các điểm ô nhiễm PCB trên thế giới như Cảng Alexandria (Ai Cập), Cảng Macao (Trung Quốc). Đây là tín hiệu đáng báo động với môi trường và sức khoẻ cộng đồng mà nguyên nhân chính là do phát thải PCB trong quá trình lưu giữ.
Theo khuyến cáo của BQL Dự án PCB tại Việt Nam, Việt Nam đã có các dấu hiệu ô nhiễm PCB trong môi trường và việc PCB tồn tại trong chuỗi thức ăn là hoàn toàn có thể xảy ra. Dù chưa thể khoanh vùng ô nhiễm PCB, người dân cần phải thận trọng hơn với các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc và chủ động tránh phơi nhiễm PCB. Cụ thể là tránh không ăn và đặt thức ăn gần những thiết bị/vật liệu công nghiệp nhiễm hoặc nghi nhiễm PCB. Tránh ăn các loại cá, động vật vỏ cứng, các thực phẩm nhiều chất béo, gia cầm, các sản phẩm từ sữa, trứng từ các khu vực có rò rỉ dầu, nghi nhiễm PCB.
Các loại vật liệu cũ như chấn lưu điện tử trong các thiết bị điện tử, giấy than không carbon, sơn chống cháy.... trước năm 2000 cũng có khả năng chứa PCB. BQL Dự án PCB tại Việt Nam khuyến cáo, người dân không tiếp xúc trực tiếp với các loại vật liệu này, đồng thời thải bỏ đúng quy định về chất thải nguy hại. Ngoài ra, người dân nên tránh sinh sống gần các khu vực đốt chất thải và hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, trầm tích và nước xung quanh khu vực chôn lấp và xử lý chất thải nguy hại, khu công nghiệp...
No comments:
Post a Comment