Friday, February 14, 2014

Bà quả phụ Hạm trưởng Ngụy Văn Thà sắp có nhà!

SÀI GÒN (NV) .-  Nhóm vận động gây qũy “Nhịp cầu Hoàng Sa” đang xúc tiến thủ tục để mua cho bà quả phụ Ngụy Văn Thà một căn hộ mới ở quận 10, Sài Gòn.


Dân Hà Nội mang hình hạm trưởng HQ 10 của VNCH, trung tá Ngụy Văn Thà, đi biểu tình ở tượng đài Lý Thái Tổ ngày 19/1/2014, Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc hải chiến ở quần đảo Hoàng Sa. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Bà quả phụ Ngụy Văn Thà (vợ của trung tá, hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo, tử trận tại Hoàng Sa hồi tháng 1 năm 1974) vốn trong tình trạng “vô gia cư”. Trước đây, bà từng có một căn hộ ở chung cư Nguyễn Kim, quận 10. Chung cư này bị giải tỏa. Sau khi xây dựng lại, cư dân cũ phải trả thêm một khoản tiền lớn mới được “tái định cư” nên vợ cố trung tá Ngụy Văn Thà đang phải ở nhờ.

Nhóm vận động gây qũy “Nhịp cầu Hoàng Sa” cho biết, căn hộ mà họ đang xúc tiến thủ tục để mua cho bà quả phụ Ngụy Văn Thà nằm “trong một cao ốc được xây gần như ‘trên nền nhà cũ’ của bà”.
Nhóm này loan báo, họ đang thảo luận với bà quả phụ Nguyễn Thành Trí (thiếu tá, hạm phó chiến hạm Nhật Tảo, tử trận tại Hoàng Sa hồi tháng 1 năm 1974), các thành viên gia đình những tử sĩ Hoàng Sa, các thành viên gia đình những liệt sĩ Gạc Ma), tiếp tục làm “nhịp cầu” để người Việt ở khắp nơi có cơ hội tri ân những người lính đã hy sinh vì chủ quyền Việt Nam trên biển Đông.

Sau khoảng một tháng vận động, nhóm khởi xướng quỹ “Nhịp cầu Hoàng Sa” đã nhận được khoảng một tỷ đồng. Việc vận động lập qũy “Nhịp cầu Hoàng Sa” khởi đầu hồi tháng trước. Mục tiêu nhằm “làm điều gì đó thiết thực hơn cho thân nhân những người lính đã hy sinh ở Hoàng Sa và cho những người lính từ Hoàng Sa trở về sống âm thầm suốt 40 năm qua”.

Cách nay 40 năm, trong ba ngày từ 17 tháng 1 năm 1974 đến 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã tấn công, xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Có 74 quân nhân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đền nợ nước trong trận tử chiến bảo vệ chủ quyền của Việt Nam giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa.

Kể từ khi miền Nam rơi vào tay CSVN, sự kiện Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như các nỗ lực của Việt Nam Cộng hòa và sự hy sinh của những quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Hoàng Sa đã bị chế độ Hà Nội ém nhẹm.
Mãi tới gần đây, do Trung Quốc không ngừng gia tăng áp lực để cưỡng chiếm gần như toàn bộ biển Đông, những câu chuyện liên quan tới Hoàng Sa thời Việt Nam Cộng Hòa (các nỗ lực bảo vệ chủ quyền, hải chiến tháng 1 năm 1974, sự hy sinh của các quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hòa) mới được nhiều người xới lại.   

Công bố những sự thật liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, ghi công, tưởng niệm các tử sĩ Việt Nam Cộng hòa đã trở thành đòi hỏi của công chúng Việt Nam. Đó cũng là một trong những phương thức nhằm xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này. Cũng vì vậy, trong vài năm gần đây, một số tờ báo của nhà cầm quyền bắt đầu công bố các sự kiện liên quan đến Việt Nam Cộng hòa - quần đảo Hoàng Sa. Gần nhất là loạt bài về Việt Nam Cộng hòa – quần đảo Hoàng Sa của ông Trần Công Trục, cựu Trưởng Ban Biên giới của chính phủ CSVN trên tờ Giáo dục Việt Nam.  

Một số người như: ông Đỗ Thái Bình (Kỹ sư - Chi hội trưởng Hoàng Sa – Trường Sa của Hội Khoa học Kinh tế Biển Việt Nam), ông Lữ Công Bảy (cựu thượng sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa, giám lộ trên tàu HQ 4, tham chiến trận hải chiến Hoàng Sa 1974), ông Trương Huy San (cựu nhà báo với bút danh Huy Đức, tác giả “Bên thắng cuộc”), bà Vũ Kim Hạnh (cựu Tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ), bà Nguyễn Thế Thanh (cựu Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM) tự đứng ra vận động dân chúng đóng góp cho qũy “Nhịp cầu Hoàng Sa”.

Trong thông báo vận động đóng cho qũy “Nhịp cầu Hoàng Sa”, những người khởi xướng cho rằng, “đây không chỉ là vấn đề vật chất mà còn là thái độ của người Việt Nam hôm nay trước anh linh của những thế hệ cha anh vệ quốc vong thân”.

Ngoài việc kêu gọi đóng góp để hỗ trợ thân nhân tử sĩ và những quân nhân tham chiến ở Hoàng Sa năm 1974 như một cách để tri ân, những người khởi xướng còn kêu gọi công chúng cung cấp thêm chi tiết về gia đình của các tử sĩ và thông tin về những quân nhân Việt Nam Cộng hòa đã từng tham chiến bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là những gia đình, cá nhân đang cần giúp đỡ.

Từ trái, bà quả phụ Nguyễn Thành Trí (cố thiếu tá, hạm phó chiến hạm Nhật Tảo) và bà quả phụ Ngụy Văn Thà (cố trung tá, hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo).(Hình: Facebook Osin)

Theo dự kiến, việc hỗ trợ có thể sẽ được mở rộng đến gia đình 64 liệt sĩ của quân đội CSVN đã tử trận tại đảo Gạc Ma, Trường Sa năm 1984, khi Trung Quốc xâm chiếm đảo này. Gia đình của 64 liệt sĩ vừa kể và những cựu binh tham chiến bảo vệ đảo Gạc ma cũng bị bỏ rơi và đang sống hết sức nghèo khổ.  

Theo nhóm vận động gây qũy “Nhịp cầu Hoàng Sa”, trong tháng vừa qua, có khoảng 400 cá nhân và nhóm cư trú tại cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ, Canada, Đức, Thụy Sĩ, Đông Âu, Úc, Nhật,... tham gia bằng cách góp tiền, góp hiện vật bán đấu giá.

Những cá nhân, nhóm tham gia đóng góp tiền bạc, thuộc nhiều giới: văn nghệ sĩ (Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Tô Thùy Yên, Dương Minh Long, Lê Thiết Cương, Nguyễn Quốc Dũng, Đức Trí...), trí thức (Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn, Ngô Quang Hưng,...), ở nhiều bên (cụ Bùi Diễm – cựu Đại sứ Việt Nam Công Hòa tại Hoa Kỳ,  Phan Xuân Biên – cựu ủy viên Thường vụ Thành ủy TP HCM, Võ Hiếu Dân - , con gái cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt,…).

Hồi Tết, những người vận động quỹ “Nhịp cầu Hoàng Sa” đã trích 50 triệu đồng, chia thành 10 phần quà, gửi tặng 10 gia đình có thân nhân tử trận khi chống Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Trong đó có 5 gia đình của tử sĩ Hoàng Sa và 5 gia đình của liệt sĩ Trường Sa.


Lúc đó, cô Nguyễn Thị Thanh Thảo, con gái cố thiếu tá Nguyễn Thành Trí, hạm phó chiến hạm Nhật Tảo, đã gửi đến Qũy “Nhịp cầu Hoàng Sa” vài dòng sau khi tiếp nhận sự giúp đỡ từ công chúng: “Hôm qua, Thảo đi Bến Tre tảo mộ ông bà nội đến tối mới về, nghe mẹ nói có ba người đến thăm và tặng gia đình 10 triệu đồng. Mẹ Thảo có hỏi tên nhưng họ chỉ nói là bạn với Huy Đức... Cám ơn anh. Nhưng anh ơi, 74 người đã mất trong trận hải chiến năm đó mà chỉ có gia đình Thảo và bác Thà được tri ân thì thật đau xót cho 72 gia đình còn lại. Dù là lính hay sĩ quan thì cũng là một mạng người như nhau, thân nhân cũng đau xé ruột gan như nhau mà thôi. Xin hãy cùng tri ân tất cả mọi người, kể cả những người còn sống, như vậy mới công bằng, không lẽ những người sống sót sau trận chiến đó, như chú Bảy, chú Hà, là không đáng quý?” 

No comments:

Post a Comment