Friday, February 14, 2014

Rắn lục đuôi đỏ tấn công người



Thứ sáu, 2014-02-14 11:54:02 - Nguồn: Internet
Đầu tháng 1/2014 rộ lên thông tin rắn lục đuôi đỏ cắn nhiều người ở Vĩnh Long và mới đây cháu bé 3 tuổi ở Bình Dương cũng bị loài rắn này tấn công.
Rắn lục đuôi đỏ tấn công người
Rắn lục đuôi đỏ tấn công nhiều người ở Vĩnh Long và Bình Dương.
Theo thông tin từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2013, bệnh viện đã tiếp nhận 34 trường hợp bị rắn cắn, trong đó chủ yếu là rắn lục.
Bác sĩ Hồ Bích Thủy, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu tích cực và hồi sức, bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, cho biết đa phần khi các trường hợp đến đây cấp cứu vì rắn cắn đã được điều trị theo kiểu gia truyền.
Bệnh viện chỉ có 2 huyết thanh trị rắn hổ và rắn lục. Nếu người bị rắn hổ cắn sẽ bị rối loạn hô hấp, còn rắn lục thì làm rối loạn đông máu. Rắn lục đuôi đỏ có nọc độc hơn rắn lục thường. Người bị rắn lục đuôi đỏ cắn nếu không điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Tháng 1/2014, ở khu vực chợ xã Trung Hiếu (Vũng Liêm, Vĩnh Long) cũng rộ lên tin đồn là Trung Quốc mướn người đi thả rắn lục (đuôi đỏ) để đi cắn người, gây xôn xao trong dân chúng.
Cụ thể là tin đồn ở xã Xuân Hiệp (Trà Ôn) có 2 người mang 2 bao đựng đầy rắn lục đuôi đỏ đi thả vào nhà dân, dân chúng vây bắt được một người, còn một người chạy thoát,… Tuy nhiên, đây có phải là sự thật hay không còn chờ cơ quan  chức năng vào cuộc.
Mới đây, bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận bé P. (3 tuổi, ở Bình Dương) nhập viện do rắn cắn. Theo hồ sơ bệnh án, bé đang chơi gần đống củi khô thì người nhà thấy bé khóc thét sau khi bị con rắn lục đuôi đỏ cắn vào ngón tay trỏ bên trái. Vết thương do rắn cắn sưng rất nhanh. P. được chuyển viện đến bệnh viện Nhi đồng 2.
Bác sĩ Lê Thị Thùy Linh, Khoa nội Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết P. đã được truyền huyết thanh kháng nọc rắn, kháng sinh và các biện pháp điều trị hỗ trợ, hiện nay tình trạng của bé đã ổn định.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Linh lưu ý thân nhân bệnh nhi khi bé bị rắn cắn cần phải trấn an bệnh nhân, sơ cứu tại chỗ, tránh can thiệp vào vết cắn (như rạch, hút máu, đắp lá cây, thuốc không rõ loại…) vì có thể gây nhiễm trùng, tăng hấp thu nọc độc và chảy máu tại chỗ.
Bệnh nhân cần phải nẹp gỗ để tránh cho chi bị cắn vận động sau đó băng ép đủ chặt nhưng không được ga rô động mạch. Nếu con rắn đã bị giết thì nên mang theo đến bệnh viện.
Khi bệnh nhân có các dấu hiệu sưng nề lan rộng nhanh, đau nhức dọc chi bị cắn, chảy máu không cầm; dấu hiệu toàn thân buồn nôn, đau đầu, nặng mi mắt, sụp mi, khó nuốt, khó thở, lơ mơ, nước tiểu đen… cần lập tức đến viện.
Để phòng ngừa rắn cắn cần phát quang môi trường sạch sẽ, ra ngoài vườn nên mang ủng và bao tay. Khi cần đi qua các bụi rậm dùng cây gậy khua trước.
Theo Xahoi

No comments:

Post a Comment