Friday, February 14, 2014

Nhân quyền quốc tế đòi thả ông Đinh Đăng Định

PARIS (NV) .- Nhiều tổ chức quốc tế hoạt động cho nhân quyền vừa lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền CSVN phóng thích ông Đinh Đăng Định, người mà sự sống đang tính từng ngày.


Công an CSVN thẩm vấn ông Đinh Đăng Định về các bài viết bày tỏ lòng yêu nước chống bắc quyền và chống khai thác bauxite ở Tây nguyên. (Hình: CAND)


Trong một thông cáo chung phát hành vào ngày 14 tháng 2-2014, Đài Quan sát Bảo vệ những người hoạt động cho Nhân quyền, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam đã cùng lên tiếng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình trạng nguy kịch của ông Đinh Đăng Định. Ông là người đang phải thi hành bản án 6 năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”, bị ung thư bao tử giai đoạn cuối và trong tình trạng “thập tử, nhất sinh”.

Trao đổi với VOA, bà Audrey Couprie, đại diện cho FIDH, nói thêm về thông cáo vừa kể rằng, các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho hơn 200 tù nhân bị giam cầm chỉ vì các hoạt động bảo vệ nhân quyền, cổ xúy dân chủ ôn hòa. Trong đó, trường hợp đặc biệt của ông Định làm giới bảo vệ nhân quyền hết sức lo ngại. Theo họ, ông Định là trường hợp cần được chế độ Hà Nội lưu tâm, ít nhất là phải để cho ông về nhà để nhắm mắt trong vòng tay của thân nhân.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cực lực lên án chiến dịch đàn áp nhắm vào những người hoạt động cho nhân quyền, bao gồm cả giới blogger tại Việt Nam. Các tổ chức này cho rằng, chế độ Hà Nội phải tuân thủ những nghị quyết được Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 6 năm 2012 và tháng 3 năm 2013, về quyền tự do biểu đạt quan điểm trên mạng và nghĩa vụ bảo vệ những người hoạt động cho nhân quyền.

Trong tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, CSVN phải phóng thích ông Định ngay lập tức và vô điều kiện. Đồng thời phải bảo đảm rằng, những người hoạt động cho nhân quyền có thể hoạt động mà không phải lo sợ bị đàn áp hay sách nhiễu, theo đúng tinh thần Tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc về giới bảo vệ Nhân quyền và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Cách nay ít ngày, thân nhân ông Định cho biết, sự sống của ông đang được tính từng giờ. Họ đã xin nhà cầm quyền CSVN phóng thích ông để ông có thể thanh thản ra đi trong vòng tay của gia đình. Hồi hạ tuần tháng 12 năm ngoái, nhiều viên chức ngoại giao đang làm việc tại Việt Nam như Đại sứ Hoa Kỳ, Đại sứ Liên hiệp Châu Âu,… đã từng đề nghị CSVN trả tự do cho ông Đinh Đăng Định.

Hãng AP cho biết, trong thư ngỏ gửi chế độ Hà Nội, các viên chức ngoại giao đang làm việc tại Việt Nam cho rằng, vì lý do nhân đạo, nhà cầm quyền CSVN nên  trả tự do cho ông Định để ông được về nhà chữa bệnh.
Ông Đinh Đăng Định, 60 tuổi, từng là một sĩ quan của quân đội CSVN. Sau khi giải ngũ, ông trở thành giáo viên dạy Hóa của trường trung học Lê Qúy Đôn ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Ông Định là một trong những người ký tên vào kiến nghị yêu cầu không khai thác bauxite tại Tây nguyên, vừa để bảo vệ môi trường của Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ, vừa nhằm ngăn chặn Trung Quốc đặt chân vào khu vực này. Ông Định cũng là tác giả của nhiều bài viết kêu gọi đa đảng, sửa điều 4 Hiến pháp, thực hiện phi chính trị trong giáo dục.

Tháng 10 năm 2011, ông Định bị bắt. Tháng 8 năm 2012, ông Định bị đưa ra xử sơ thẩm và bị kết án 6 năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Đến tháng 11 cùng năm, Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao đặt tại Đà Nẵng, đã đưa ông Định ra xử phúc thẩm. Phiên xử phúc thẩm chỉ kéo dài trong 45 phút và phán quyết cuối cùng là “y án sơ thẩm”.

Trong cả hai phiên xử, ông Đinh Đăng Định cương quyết không nhận tội. Ở phiên phúc thẩm, khi nghe ông Định trưng dẫn “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”, cũng như “Tuyên ngôn về nhân quyền” để tự bào chữa cho mình, các thẩm phán của Tòa án Tối cao cho rằng, ông Định bị “hạn chế về nhận thức”, những quan điểm của ông Định dựa trên các văn kiện pháp lý quốc tế bị Hội đồng xét xử cho rằng “không phù hợp và đi ngược lại đường lối của nhà nước, pháp luật Việt Nam”.


Tại cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, các thẩm phán trong Hội đồng Xét xử nhiều lần khuyến dụ ông Định nhận tội để họ có cơ sở áp dụng “chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và nhà nước” song viên cựu sĩ quan quân đội CSVN cương quyết từ chối. 

No comments:

Post a Comment