Friday, February 14, 2014

Bắc Kinh vừa quét mại dâm..vừa câu khách!

RFI- 14/02/2014

Một cặp bị tình nghi mua bán dâm trong cuộc truy quét mại dâm tại thành phố Đông Quản, Quảng Đông, Trung Quốc, 09/02/2014.
Một cặp bị tình nghi mua bán dâm trong cuộc truy quét mại dâm tại thành phố Đông Quản, Quảng Đông, Trung Quốc, 09/02/2014.
REUTERS/Stringer


Cuộc tấn công bất ngờ của chính quyền Trung Quốc vào thủ phủ của ngành công nghiệp tình dục ở Quảng Đông hồi tuần trước là một đề tài được tờ Libération nhìn dưới một góc độ khác. « Vừa ‘‘xoá bỏ tệ nạn xã hội’’, Bắc Kinh vừa (tiếp tục) câu khách ». Bài viết của thông tín viên gửi về từ Bắc Kinh ghi nhận : Cuộc tấn công nhắm vào hoạt động mại dâm được truyền thông Nhà nước Trung Quốc đưa tin dồn dập trên thực tế nhằm để trấn an dân cư hơn là để tiêu diệt một thị trường chiếm đến 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Mở đầu bài viết, Libération mô tả chiến dịch truy quét bất ngờ, với sự tham gia của 9.000 nhân viên công an nhắm vào gần 2.000 cơ sở massage, karaoke, tắm hơi, khách sạn, « trung tâm giải trí »… Một đại biểu quốc hội bị câu lưu, 8 sĩ quan công an địa phương bị tình nghi là nhận tiền ăn chia từ các hoạt động mại dâm tại Đông Quản (Dongguan). Đồng thời với chiến dịch trên thực địa, chính quyền Bắc Kinh cũng tung ra một chiến dịch tuyên truyền. Vài giờ trước cuộc bố ráp của công an, kênh truyền hình Nhà nước đã tung ra một « phóng sự » chưa từng thấy trên làn sóng chính thức. Phóng sự, do phóng viên của đài mang camera kín thực hiện tại Đông Quản vào tuần trước, đưa khán giả đến với nhiều địa điểm mua bán sex, mục kích hàng loạt cảnh tượng khách hàng tìm chọn người mình ưa thích trong số các cô gái làng chơi, mang theo số hiệu, kèm theo giá bán định sẵn…
Mặc dầu, chiến dịch truy quét các hoạt động mua bán tình dục tại Đông Quản nhìn bên ngoài có vẻ rất rầm rộ, nhưng trên tổng số 2.000 cơ sở bị khám xét, chỉ có hơn 10 cơ sở thực sự bị đóng cửa, theo Tân hoa xã, và chỉ có 67 người bị bắt.
Số lượng người bán dâm tại Trung Quốc ước tính khoảng 6 triệu, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới. Điều gây ấn tượng hơn, theo nhà kinh tế Yang Fan, đại học Zhengfa, Bắc Kinh, ngành công nghiệp sex chiếm tới 6% GDP của Trung Quốc. Một chiến dịch truy quét mại dâm thực sự ở quy mô quốc gia có thể làm tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc khựng lại, thậm chí có thể khiến giá chứng khoán sụt mạnh.
Libération điểm lại các mốc chính trong thái độ của chính quyền Trung Quốc đối với nghề bán dâm : từ chỗ đóng cửa hoàn toàn các nhà thổ sau khi nắm quyền năm 1949, cho đến chỗ thừa nhận không chính thức các hoạt động mua bán dâm, với số lượng các sex-shop khoảng 200.000 như hiện nay. Đông Quản nổi tiếng là thành phố công nghiệp tình dục hàng đầu với các dịch vụ sex « đúng tiêu chuẩn quốc tế », và cùng với sự nở rộ của các hoạt động này là khoảng 1 triệu người mặc bệnh giang mai tại tỉnh Quảng Đông.
Libération thông báo chiến dịch truy quét tệ nạn xã hội được mở rộng tại Quảng Đông, và có thể tiếp tục trên toàn quốc trong những tháng tới. Khép lại phóng sự là nhận định của nhà tình dục học Trung Quốc, bà Li Yinhe, theo đó, các nỗ lực của chính quyền là vô ích, vì sex là một nhu cầu căn bản của con người, hiện tại thái độ đối với việc mua bán dâm cũng đã có những thay đổi rất lớn. Một dự luật hợp pháp hoá nghề bán dâm được chuẩn bị tại Quốc hội. Về phần mình, nhà tình dục học nói trên nhận định : những người bán dâm trên thực tế đã trở thành « một bộ phận của giai cấp công nhân ».

Nước Ý bên bờ khủng hoảng chính trị
Tình hình biến động chính trị tại Ý là chủ đề thời sự Châu Âu được nhiều báo quan tâm. Les Echos nhấn mạnh trên trang nhất : « Một người hùng mới ở nước Ý muốn gia tăng cải cách ». « Thủ tướng Ý bị buộc từ chức », Le Figaro ghi nhận. « Matteo Renzi, yếu tố gây sốc của cánh tả » là hàng tựa của Libération.
Le Figaro thuật lại những giờ phút cuối cùng của cựu Thủ tướng Ý Enrico Letta – lãnh đạo liên hiệp cánh tả với cánh trung hữu-, muốn cưỡng lại đến cùng các áp lực, của người cùng đảng Dân chủ, buộc ông phải từ chức sau gần một năm cầm quyền. Tờ nhật báo có bài « Một người Florentin tất bật mang phong cách của Blair (cựu Thủ tướng Anh) » mô tả tính cách và quá trình nổi lên của Matteo Renzi, người hùng mới của đảng Dân chủ Ý, người buộc cựu Thủ tướng Enrico Letta phải ra đi.
Về chủ đề này, Le Monde có bài phân tích « Nước Ý một lần nữa bên bờ khủng hoảng chính trị», với câu hỏi làm sao giới chính trị Ý lại có thể cho phép một cuộc khủng hoảng chính trị mới, sau khi đã liên tục trải qua nhiều đợt khủng hoảng chính trị nghiêm trọng trong thời gian hơn hai năm trở lại đây. Theo một điều tra dư luận mới đây, 68% người Ý và 59% người Ý theo cánh tả không chấp nhận cú « staffeta » này (từ tiếng Ý staffeta tạm dịch là « cuộc thay người giữa dòng »).

Báo cáo LHQ : Kỳ thị phụ nữ cản trở nghiêm trọng phát triển
Về thời sự quốc tế, Le Monde có bài « Kỳ thị đối với phụ nữ là một cản trở cho phát triển ». Dẫn lại báo cáo của Quỹ Dân số Quốc tế vừa được công bố vào hôm thứ Tư, 12/02, Le Monde cho biết Liên Hiệp Quốc báo động tình trạng phụ nữ và đặc biệt là các thiếu nữ là nạn nhân của các phân biệt đối xử nặng nề.
Tài liệu phân tích 400 trang, dựa trên số liệu do 176 nước cung cấp, cho biết nếu như tỷ lệ tử vong do mang thai và sinh nở giảm gần một nửa kể từ năm 1990, thì vào năm 2010, mỗi ngày vẫn còn 800 phụ nữ chết khi sinh nở. Tại các nước đang phát triển một phần ba thiếu nữ chưa đến 18 tuổi, bị cưỡng hôn. 220 triệu phụ nữ không có khả năng có được phương tiện tránh thai và một phần ba phụ nữ là nạn nhân của bạo lực nói chung và bạo hành tình dục nói riêng.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận một xu thế tích cực là 70% các nước coi bình đẳng và tôn trọng quyền phụ nữ là ưu tiên cho phát triển. Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia nỗ lực gấp bội, đặc biệt là các nước không tôn trọng các cam kết được đưa ra tại hội nghị của Liên Hiệp Quốc tại Cairo về y tế, giáo dục và chống nghèo đói cách đây 20 năm.

Dư âm chuyến công du Mỹ của Tổng thống Pháp
Báo chí Pháp tiếp tục có nhiều bài về chuyến công du của Tổng thống Hollande tại Hoa Kỳ, đã khép lại hôm thứ Tư 12/02. « Hollande tại Mỹ : ngoại giao, công việc và cô đơn » là hàng tựa phóng sự của Libération. Phóng sự của Libération ghi nhận các chi tiết đặc biệt trong ba ngày công du của phái đoàn Tổng thống Pháp, « không có người tình đệ nhất » cùng đi, một chuyến công du không chỉ có ý nghĩa với quan hệ song phương Pháp-Mỹ, mà cũng rất quan trọng đối với việc cải thiện nội tình nước Pháp.
Từ cuộc tọa đàm thân mật với Tổng thống Mỹ trên chuyến bay với Air Force One trong thời gian chừng 40 phút, đến 50 bước chân của hai tổng thống ngoài các thể thức ngoại giao định sẵn ; những phát biểu với báo giới được đưa ra rồi rút lại của chủ tịch giới doanh nghiệp Pháp (Medef) Pierre Gattaz ; hay buổi dạ tiệc tại Nhà Trắng, khi nữ ca sĩ Mary J. Blige hát bài « Ne me quitte pas/Đừng rời bỏ tôi », với một tổng thống vừa chia tay với người tình…
Một sự kiện khác đặc biệt được chú ý là thái độ mặn nồng của ông François Hollande với giới doanh nhân Pháp trong ngành công nghệ Net tại Hoa Kỳ, nổi bật với hình ảnh ôm hôn thắm thiết giữa Tổng thống Hollande và ông Carlos Diaz, người khởi xướng phong trào đòi chính phủ xét lại chính sách với start-up, các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm hồi cuối năm 2012… Cũng về chủ đề này, Le Figaro có bài « Chiến dịch quyến rũ của ông Hollande tại thung lũng Silicon ».

Cựu lãnh đạo tình báo Pháp thổ lộ
Vẫn liên quan đến nước Pháp việc cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc nội chuẩn bị trả lời trước tư pháp là sự kiện đặc biệt được Libération chú ý qua hồ sơ « Squarcini, viên cảnh sát của Sarkozy, bắt đầu thổ lộ ». Báo Libération cho biết, thứ ba tuần tới ông Squarcini sẽ phải trả lời thẩm vấn của tư pháp liên quan đến nghi vấn sử dụng các nhân viên an ninh để thâu thập thông tin điện thoại của một phóng viên báo Le Monde. Libération có bài phỏng vấn cựu giám đốc tình báo Quốc nội Pháp, nhân dịp nhân vật được mệnh danh là « cá mập » ra sách. Vẫn theo Libération, trong thời gian gần đây, cựu lãnh đạo tình báo Pháp liên tục có các trả lời phỏng vấn để đưa ra quan điểm riêng về một loạt các vụ việc. « Squarcini, viên cớm lớn, không còn giữ bí mật về điều gì » là hàng tựa bài phóng sự Libération.

Trang nhất các báo lớn
Các tít chính trên trang nhất báo Pháp hôm nay tập trung nhiều vào tình hình trong nước. «Sức khoẻ, công chức : chính phủ đang chuẩn bị các biện pháp tiết kiệm khắc nghiệt » là hàng tựa trang nhất Le Monde.
Bên cạnh tin vui về chiến thắng kép của vận động viên Martin Fourcade tại Thế vận hội mùa đông Sotchi trong hai môn trượt tuyết và bắn súng, Le Figaro chú ý đến cuộc cải cách thuế địa phương đang được chuẩn bị với con mắt ngờ vực. « Các tầng lớp trung lưu và khá giả có thể bị thua đậm » trong cuộc cải cách này là nhận định của tờ báo.
Cũng liên quan đến kinh tế địa phương nước Pháp, L’Humanité hướng cái nhìn về « Các thị trưởng chiến sĩ », đang kiên cường bảo vệ việc làm bằng nhiều cách, bất chấp khả năng hành động rất bị giới hạn của họ. Báo kinh tế Les Echos thì quan tâm đến triển vọng tuyển mộ các nhân viên cao cấp trong năm 2014. 

No comments:

Post a Comment