Thursday, February 27, 2014

Vì sao Trung Quốc cố khai thác bằng chứng lịch sử mơ hồ?!

ĐẤT VIỆT- 27/02/2014      -"Trong thời đại ngày nay, Trung Quốc dùng các hoạt động dân sự, nhằm vào kinh tế, điều này rất nguy hiểm", TS Trần Công Trục phân tích.

Trung Quốc đang tìm mọi cách

PV: Trung Quốc vừa ngang ngược tuyên bố tàu khảo cổ dưới nước đầu tiên của nước này sẽ được đưa vào hoạt động tại vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, từ tháng 5/2014, thậm chí sẽ phát triển Hoàng Sa thành điểm đến du lịch. Thưa ông, động thái này của Trung Quốc đã thể hiện điều gì?

TS Trần Công Trục:  Đây cũng là một hành động nằm trong một loạt các hoạt động của TQ triển khai trong thời gian vừa qua, đặc biệt từ năm 2004 đến nay.

Ví dụ như quy định các tàu đánh cá vào vùng biển thuộc quản lý của tỉnh Hải Nam phải xin phép có hiệu lực từ năm 2004. Tăng cường tàu làm nhiệm vụ cấp phát trên biển 5000 tấn ở Hoàng Sa, các hoạt động đánh cá, nghiên cứu khoa học, du lịch...tất cả các chuyện đó nằm trong chuỗi hoạt động mà TQ muốn thông qua để khẳng định quyền quản lý của họ đối với vùng đảo, biển mà họ tự nhận có chủ quyền.

TQ đang cố gắng tìm mọi cách, biện pháp để khẳng định được trên thực tế, thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông sử dụng Biển Đông làm con đường vươn ra biển, phấn đấu trở thành cường quốc biển, trước khi trở thành siêu cường quốc tế thì họ áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, kể cả các hoạt động có tính dân sự, quân sự, nghiên cứu khoa học, tổ chức, tuần tra, thậm chí đổ bộ tập trận...

Về mặt pháp lý, họ ra các quy định, luật lệ, lệnh cấm, rồi xây dựng về mặt hành chính, kể cả mặt trận ngoại giao tuyên bố chủ quyền các khu vực nằm trong đường biên giới lưỡi bò.

Nhưng mặt khác, họ tỏ ra rất thiện chí, sẵn sàng ngồi đàm phán giải quyết vấn đề tranh chấp một cách hòa bình, tất cả những điều đó được phối hợp 1 cách bài bản. Có thể nhận thấy, biện pháp của họ không kém phần hiệu quả và nguy hiểm hơn, tức là họ dùng hoạt động có tính chất dân sự, kinh tế và nghiên cứu khoa học thay vì vũ lực.

TS Trần Công Trục
TS Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Ở đây, thực chất TQ muốn độc chiếm không chỉ bằng quân sự, có thể 1 lúc nào đó họ sẽ dùng nhưng quan trọng họ muốn chủ động kiểm soát được vùng này, tổ chức hoạt động có lợi cho họ nhất, bằng biện pháp về mặt dân sự như vậy họ vẫn đạt được mục tiêu của mình.

Việc đưa tàu khảo cổ ra Hoàng Sa, nghiên cứu khảo cổ cũng là 1 trong những biện pháp họ sử dụng, chúng ta phải để ý kỹ việc này. Theo tôi, thời gian tới, TQ sẽ chủ yếu tiến hành những hoạt động như, tổ chức đấu thầu lô dầu khí, đưa các dàn khoan, chế biến hải sản xuống biển, ra lệnh kiểm soát mặt biển, công bố vùng nhận diện phòng không. Nên nếu không lưu ý, xem thường thì họ sẽ đạt mục tiêu mà không cần vũ lực.
PV: Vậy việc Trung Quốc đưa tàu khảo cổ vào hoạt động trong thời điểm này, có mục đích gì không thưa ông? Tại sao?

TS Trần Công Trục: Từ trước đến nay khi nghiên cứu vấn đề này, TQ cũng đã phát hiện ra nhiều di chỉ.
Nguyên nhân sâu xa là TQ đang cố tìm mọi cách chứng minh cho luận thuyết của họ là có chủ quyền lịch sử đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đối với vùng biển trong đường ranh giới lưỡi bò.
Họ từng ngang ngược tuyên bố rằng người dân TQ hàng nghìn năm trước công nguyên đã xuống làm ăn, sinh hoạt tại đây. Sau đó, tìm mọi chứng cứ để tìm ra được di chỉ khảo cổ, tìm mọi cách củng cố thêm luận thuyết danh nghĩa, chủ quyền lịch sử của mình.

Đây là hành động tăng thêm sức nặng, củng cố thêm quan điểm pháp lý của họ dựa vào yếu tố lịch sử. Họ muốn chứng minh cho quốc tế luận thuyết của họ đúng.

Thế nhưng, trên thực tế, điều đó hoàn toàn không thể mang đến một sức nặng cho việc chứng minh chủ quyền lãnh thổ của 1 quốc gia. Việc Trung Quốc đang làm cũng giống như tuyên truyền dư luận, mê hoặc, để dư luận nghĩ rằng Trung Quốc đúng.

Việt Nam cần làm gì?
PV: Trong thời gian vừa qua hàng loạt nhưng động thái khác lạ của TQ đã diễn ra, như xây dựng trung tâm cảnh báo sóng thần, dụ Philippines bỏ kiện tụng, minh chứng chủ quyền bằng việc trục vớt xác tàu đắm. Những hành động này của TQ thể hiện điều gì, thưa ông?

TS Trần Công Trục: Như trong vụ kiện của Philippines, TQ một mực quay lưng lại, mặt khác vận động 1 số nước có liên quan không tiếp tục ủng hộ, đứng ra bỏ kiện TQ, có thể thấy họ đang ở thế yếu, ít nhất về dư luận, chính trị.
Có thể thời gian trước đây thậm chí ngay bây giờ họ có cách đi khiến 1 số dư luận hiểu lầm, mất cảnh giác, nếu cứ tiếp tục như thế này, dư luận sẽ nhìn ra thực chất vấn đề, phụ thuộc vào những yếu tố trực tiếp liên quan.

Đây có thể khẳng định là TQ đang khai thác tính chất mơ hồ về các bằng chứng lịch sử để bảo vệ cho chủ quyền lịch sử của mình. Thế nhưng, chủ quyền lịch sử, danh nghĩa lịch sử không phải là những nguyên tắc của Luật pháp quốc tế sử dụng trong vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia đối với vùng lãnh thổ có tranh chấp. Chỉ là yếu tố tham khảo để tìm ra bằng chứng pháp lý.

Hiện nay, TQ nhằm vào cái đó vì, nó là vô cùng. Kể cả những người nghiên cứu, đến những người làm công tác quản lý đất cần hiểu rõ, không nên say sưa với chủ quyền, bằng chứng lịch sử, dùng yếu tố, sự kiện lịch sử để tìm ra bằng chứng có giá trị, chứng minh cho quyền lãnh thổ.

PV: Trước những hành động này của TQ, theo ông Việt Nam cần làm gì vào lúc này? Vì sao?
TS Trần Công Trục: Rõ ràng tất cả hành động của TQ cho dù là hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động kinh tế nhưng nó vào vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của chúng ta cần có tiếng nói phản đối, không nên làm ngơ, không nên bỏ qua.

Tàu khảo cổ của Trung Quốc
Tàu khảo cổ của Trung Quốc

Việc đưa tàu khảo cổ vào hoạt động là vi phạm chủ quyền, cần lên án mạnh mẽ, vô hiệu hóa hành động đó, phân tích rõ cho thế giới biết bản chất vấn đề TQ đang làm.

Điều quan trọng là dư luận đang thấy tình hình Biển Đông lắng xuống không có đụng độ nhưng thực chất không phải vậy mà bây giờ TQ sử dụng hành động tinh vi hơn, không nên mất cảnh giác, nên hiểu rằng để làm chủ, độc chiếm, thực hiện ý đồ làm chủ Biển Đông, không phải chỉ sử dụng lực lượng quân sự, tạo ra xung đột như thời điểm trước đây.

Trong thời đại ngày nay họ chỉ cần bằng các hoạt động dân sự, bằng luật lệ có tính chất dân sự nhằm vào hoạt động kinh tế, đấy mới là nguy hiểm, nếu họ làm được chính họ thực hiện được mục tiêu khống chế, độc chiếm Biển Đông.

PV: Việc tàu khảo cổ hoạt động trong vùng lãnh thổ của nước ta, cụ thể là quần đảo Hoàng Sa, chúng ta phải xử lý ra sao?

TS Trần Công Trục: Chúng ta là người Việt Nam phải đặt mình vào vị trí trong quan hệ Việt Nam với TQ, Việt Nam với các nước trong khu vực, VN với thế giới để chúng ta có 1 xử lý thích hợp làm sao tất cả cách giải quyết, 1 mặt bảo đảm được nguyên tắc pháp lý, lợi ích chính đáng phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo vệ được chủ quyền thiêng liêng 1 cách rõ ràng, công khai, tôn trọng sự thật.

Đặt lợi ích dân tộc trong bối cảnh khu vực và thế giới, đừng làm cái gì tạo ra cớ để 1 số nước lợi dụng sức mạnh, vị thế để gây ra xung đột tạo ra an ninh, hòa bình thế giới.

Đương nhiên, tôi thấy với cách đi đó chúng ta không nên mất cảnh giác với những hoạt động TQ đang làm, bài bản, khôn khéo hơn, đừng nghĩ đã bớt căng thẳng. Tất cả những hoạt động TQ đã, đang xảy ra có tính chất nguy hiểm ảnh hưởng lợi ích sống còn của các nước trong khu vực này.

Tất nhiên không nên gây kích động chia rẽ làm sao phân tích khoa học, thuyết phục bằng lý lẽ, niềm tin chiến lược.

Thanh Huyền

No comments:

Post a Comment