Thursday, February 27, 2014

Nhà đầu tư Nhật Bản bỏ Trung Quốc..Thái Lan sang Việt Nam

SM- 27/02/2014     -Những bất ổn chính trị tại Thái Lan cùng mối quan hệ không mấy xuôi chèo mát mái vớiTrung Quốc trong thời gian gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, Việt Nam được coi là một trong những điểm đầu tư quan trọng hàng đầu đối với những doanh nghiệp đến từ đất nước mặt trời mọc.


Nhật Bản tăng vốn cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn 2,8 tỷ USD trong năm 2013
Kết quả khảo sát hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á-Thái Bình Dương do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện được công bố mới đây cho thấy xu hướng dịch chuyển đầu tư của Nhật Bản thể hiện khá rõ nét trong năm 2013. Theo đó, nếu quy mô vốn đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc và Thái Lan ngày càng thu hẹp lại thì số vốn đầu tư thêm ở Việt Nam lại gia tăng.
 
Cụ thể, trong năm 2013, vốn đầu tư Nhật vào Trung Quốc đã giảm gần 50% từ mức 13,479 tỷ USD năm 2012  xuống chỉ còn 6,497 tỷ USD. Trong khi đó, đối với Thái Lan, vốn đầu tư của Nhật cũng giảm hơn 60%  từ mức khoảng 7 tỷ USD năm 2012 xuống còn hơn 2,5 tỷ USD năm 2013.
 
Ngược lại, tại Việt Nam, Nhật Bản trở thành nhà đầu tư số 1 xin tăng thêm vốn bổ sung. Theo đó, nếu như trong năm 2010, Nhật Bản xin bổ sung vốn 169 triệu USD cho 35 dự án thì tới năm 2013, số vốn xin bổ sung đã đạt mức kỷ lục gần 4,5 tỷ USD với tổng số dự án tăng vốn là 125 dự án. Trong đó, những dự án lớn phải kể đến như nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn với số vốn bổ sung 2,8 tỷ USD, dự án Bridgestone tăng vốn 650 triệu USD, dự án của Panasonic Industrial Devices tăng vốn 175 triệu USD… Những con số này cũng phù hợp với kết quả khảo sát của JETRO cho thấy 70% doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam khẳng định có kế hoạch mở rộng đầu tư ở Việt Nam và tiếp tục coi Việt Nam là cứ điểm đầu tư quan trọng hơn hẳn các quốc gia khác.
 
Lý giải về đà dịch chuyển nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật sang Việt Nam trongthời gian qua, ông Atsusuke Kawada, Trưởng văn phòng đại diện JETRO tại Hà Nội, cho biết hơn 90% doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khảo sát bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng tăng trưởng cao và có tiềm năng tại Việt Nam. Ngoài ra, ông Atsusuke Kawada cũng cho biết thêm, bên cạnh lợi thế về nhân công giá rẻ, chỉ có ở Việt Nam những nhà đầu tư Nhật mới có thể có được những thứ mà ở nhiều nước láng giềng khác không có được như sự ổn định về chính trị xã hội.
 
Tuy nhiên, theo ông Daisuke Hiratsuka, Phó Chủ tịch điều hành JETRO: “Việt Nam không phải là cô gái đẹp duy nhất trong khu vực”. Thực tế cho thấy, ngoài Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia… cũng đang giành được sự chú ý lớn của nhà đầu tư Nhật Bản. Đơn cử như Indonesia, chỉ trong 9 tháng đầu năm ngoái, đã thu hút được 3,637 tỷ USD vốn đầu tư Nhật Bản, tăng mạnh so với con số 2,457 tỷ USD của năm 2012. Điều đáng nói đây là số vốn giải ngân, chứ không phải là vốn đăng ký.
 
Trong khi đó, kết quả khảo sát của JETRO cho thấy, hầu hết các nhà đầu tư Nhật Bản đều đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam đang xấu đi và cho biết những thủ tục hành chính, chế độ thuế, chính sách pháp luật không rõ ràng, chưa minh bạch vẫn là rủi ro lớn. Ngoài ra, những yếu kém trong công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng điện, giao thông, ngôn ngữ… cũng đang gây bất lợi cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, chỉ có 60% doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khảo sát tin tưởng vào triển vọng kinh doanh “có lãi” ở Việt Nam. Trong khi, tỷ lệ này tạiThái Lan là 72,4%; Philippines là 70%; Indonesia là 62,4%... Theo ông Kawada những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn chưa đủ, cần phải làm mạnh hơn nữa nếu không muốn tuột mất nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản. Vì thế nhìn vào con số hay xu hướng đầu tư trên chưa phải là tất cả, bởi chẳng có gì chắc chắn người dân Việt đã được hưởng lợi từ sự đầu tư này, còn cứ "đếm cua trong lỗ" thì cũng sẽ chỉ có giỏ không.
 

No comments:

Post a Comment