MANILA, Philippines (AP) - Philippines hôm Thứ Năm kêu gọi Malaysia, Việt Nam và các quốc gia khác đang có tranh chấp biển đảo ở Biển Ðông hãy cùng với Manila đưa Trung Quốc ra tòa hòa giải quốc tế.
Trong một hành động táo bạo, các giới chức Philippines hồi năm ngoái đã đưa người láng giềng khổng lồ đang có tranh chấp biển đảo ở vùng Biển Ðông ra tòa quốc tế.
Người dân Philippines tại thủ đô Maniala đốt cờ Trung Quốc trong một cuộc biểu tình chống Bắc Kinh. (Hình: Getty Images) |
Philippines muốn tòa án này xác định việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên 80% khu vực Biển Ðông cũng như việc Bắc Kinh chiếm tám đảo là bất hợp pháp.
Phía Trung Quốc cho hay không quan tâm và không tham dự vào việc này, tuy nhiên tòa đã khởi sự tiến trình tranh tụng và yêu cầu phía Philippines phải bổ túc các hồ sơ pháp lý cùng chứng cớ vào hạn chót là ngày 30 Tháng Ba.
Luật sư trưởng của Philippines, ông Francis Jardeleza, cho hay Malaysia, Việt Nam và hai quốc gia khác có thể cùng đứng trong đơn kiện với Philippines hay tự nộp đơn kiện của mình. Ông nói rằng các nước nhỏ chỉ có thể bảo vệ lãnh thổ của mình một cách ôn hòa chống lại siêu cường Á Châu là Trung Quốc trong môi trường pháp lý.
“Những quốc gia nhỏ yếu hơn có thể làm gì?” ông Jardeleza đặt câu hỏi trong một cuộc hội thảo ở Manila về cuộc tranh chấp biển đảo ở Biển Ðông.
“Chúng tôi muốn chứng minh rằng trên quan điểm pháp lý, tất cả các hành động và tất cả những gì Trung Quốc đòi hỏi đều vô giá trị.”
Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Ðài Loan và Việt Nam hiện đang có các tranh chấp toàn phần hay bán phần khắp khu vực Biển Ðông, nơi có hải lộ trọng yếu của thế giới và cũng rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên.
Giáo sư luật Raul Pangalangan nói rằng Philippines muốn Trung Quốc phải giải thích giới hạn và căn bản của những gì họ cho là thuộc chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc trong vùng Biển Ðông.
Ông Jardeleza cho hay Bắc Kinh vẫn còn có thể thay đổi ý kiến và tham dự phiên tòa hòa giải này, vốn dự trù sẽ mất ít nhất là hai năm mới kết thúc.
Trung Quốc đòi các quốc gia khác phải đàm phán song phương với họ chứ không muốn thương thảo với cả nhóm, đồng thời cũng không muốn Mỹ can dự.
No comments:
Post a Comment