Thursday, February 27, 2014

Công an tạo ra án oan nhưng chỉ mới giải oan!

HÀ NỘI (NV) .- Công an CSVN vừa thẩm vấn ông Nguyễn Thanh Chấn, mẹ ông và con trai ông về những tình tiết có liên quan đến vụ oan án mà ông Chấn là nạn nhân. Chưa rõ mục tiêu nhằm làm gì.


Hình chụp ông Nguyễn Thanh Chấn. Sau khi được giải oan, ông Chấn và thân nhân vẫn đang ngụp lặn trong nợ nần, hậu quả do oan án gây ra. (Hình: Người Lao Động)


Bốn tháng sau khi được trả tự do vì hàm oan, ông Chấn vẫn chưa được bồi thường. Mặt khác, chưa có viên chức tư pháp nào liên quan tới việc khởi tố oan, tra tấn – ép nhận tội, truy tố oan, kết án oan bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Năm 2003, ông Nguyễn Thanh Chấn bị cáo buộc giết một người hàng xóm. Dù ông liên tục kêu oan và có nhiều nhân chứng, bằng chứng cho thấy ông vô tội nhưng ông Chấn vẫn bị phạt chung thân và ở tù suốt mười năm. Mãi tới năm ngoái, vì gia đình hung thủ có mâu thuẫn, thân nhân ông Chấn mới tìm ra thủ phạm và thủ phạm đã đầu thú. Ông Chấn được trả tự do hồi cuối năm ngoái, trở về nhà khi vợ đã hóa điên do tuyệt vọng, bốn đứa con phải bỏ học nửa chừng vì đói nghèo.  

Hồi cuối tháng 1-2014, Bộ Công an CSVN ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ vai trò bị can của ông Chấn nhưng đến nay, vẫn chưa xem xét bồi thường, những kẻ có trách nhiệm liên đới trong việc tạo ra oan án vẫn bình an vô sự.

Theo báo chí Việt Nam, gia đình ông Chấn đang hết sức túng thiếu. Vợ con ông đang nợ hàng trăm triệu đồng, chưa kể phải vay mượn giấy tờ nhà đất của nhiều người để thế chấp ngân hàng, lấy tiền đi kêu oan, cũng như nuôi ông Chấn suốt mười năm ông ngồi tù oan.
Cuối năm ngoái, trước sự phẫn nộ của công chúng đối với hệ thống tư pháp Việt Nam, Quốc hội của chế độ phải ban hành một nghị quyết, yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ những bản án với hình phạt từ 20 năm tới tử hình mà hệ thống tòa án đã tuyên. Tuy nhiên đến nay, chưa có oan án nào được giải. Chỉ trong vài tháng cuối năm ngoái, báo chí Việt Nam nêu ra khoảng 20 vụ án có dấu hiệu oan sai song tất cả những đề nghị tái thẩm đều chưa có hồi đáp.

Chẳng hạn, sau khi báo chí nêu lại vụ án Huỳnh Văn Nén, người cũng bị phạt chung thân vì “giết người” như ông Nguyễn Thanh Chấn và đã ở tù 15 năm, Bộ Công an Việt Nam đã cử người tới làm việc với gia đình ông Nén rồi… thôi. Các tình tiết trong vụ ông Huỳnh Văn Nén bị kết tội giết người còn ly kỳ hơn vụ ông Nguyễn Thanh Chấn.

Cách nay 16 năm, vào một đêm của tháng 4 năm 1998, bà Lê Thị Bông ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận bị giết, hung thủ lấy của bà một chiếc nhẫn vàng 24K. Tháng sau, trong một cuộc nhậu, ông Nén tuyên bố ông là hung thủ rồi bị Công an Bình Thuận bắt khẩn cấp. Trong tù, ông Nén nhân tội nhưng tại tòa, ông kêu oan và giải thích, sở dĩ ông nhân tội vì bị tra tấn. Tố cáo của ông Nén không được xem xét. Ông Nén bị phạt chung thân.
Chuyện vẫn chưa ngừng ở đó. Hồi tháng 5 năm 1993, năm năm trước ngày bà Bông bị giết, tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận từng có một phụ nữ tên Dương Thị Mỹ bị giết và Công an Bình Thuận bó tay, không tìm ra thủ phạm. Trong tù, ông Nén nhận thêm rằng, ông còn là thủ phạm giết bà Mỹ. Giúp ông thực hiện vụ án mạng này là 8 thành viên trong gia đình của vợ ông.

Cũng vì vậy, toàn bộ gia đình bên vợ ông bị bắt. Một trong 8 người chết trong tù. Bất chấp phân tích của các luật sư và báo giới về những điểm phi lý trong Kết luận Điều tra của Công an và Cáo trạng của Viện Kiểm sát, cũng như lời kêu oan, tố giác bị tra tấn để buộc phải nhận tội của các bị cáo, Tòa án vẫn xác định họ là đồng phạm và phạt bảy người còn lại trong gia đình vợ của ông Nén nhiều mức hình phạt khác nhau. Riêng ông Nén bị phạt tử hình.

Sau khi phải xử đi, xử lại nhiều lần do áp lực của công luận, 8 năm sau, bản án kết tội ông Nén và các thành viên trong gia đình vợ của ông đã giết bà Dương Thị Mỹ bị hủy vì không có căn cứ để kết luận họ giết người. Án tử hình đã tuyên đối với ông Nén được rút lại nhưng ông Nén vẫn phải ở tù vì giết bà Lê Thị Bông. Bảy người trong gia đình vợ của ông thì được trả tự do.

Bản án chung thân dành cho ông Nén đã khơi dậy lương tâm của một người tù. Người tù này viết thư, gửi cho nhiều nơi, kể rằng, hai người bạn của ông ta mới thực sự là những kẻ đã giết bà Lê Thị Bông. Hai thủ phạm không chỉ kể với ông ta về chuyện giết bà Bông, mà còn thuật lại tỉ mỉ về việc đã đem chiếc nhẫn vàng 24K đi bán thế nào.

Các con của bà Bông cũng gửi đơn kêu oan cho ông Nén. Một vài viên chức trong chính quyền xã cũng đề nghị xét lại bản án đã tuyên với ông Nén vì không ai tin ông là thủ phạm giết bà Bông. Đáp lại những đề nghị này, Công an Bình Thuận cử chính điều tra viên đã từng bị ông Nén tố cáo là tra tấn, ép ông nhận tội đi… “xác minh”. Kết quả tất nhiên là không có cơ sở để xét lại vụ án.

Oan án của ông Nguyễn Thanh Chấn còn làm dấy lên một làn sóng đòi xét lại án tử hình đối với ông Hàn Đức Long. Ông Long cũng ngụ ở Bắc Giang như ông Chấn. Hồi năm 2005, vì không tìm ra thủ phạm đã cưỡng hiếp và giết một bé gái năm tuổi, Công an Bắc Giang kêu gọi dân chúng “tố giác tội phạm”. Có hai phụ nữ là mẹ con, từng tranh chấp đất với ông Hàn Đức Long, gửi đơn tố giác ông Long là thủ phạm.

Đây là lý do khiến Công an Bắc Giang bắt ông Long. Trong tù, ông Long nhận là thủ phạm nhưng tại Tòa, ông Long kêu oan và giống như nhiều người bị hàm oan khác, ông Long tố giác công an đã tra tấn ông để buộc ông nhận tội. Ông Long bảo rằng, ông đành nhận tội với hy vọng có thể sống sót để kêu oan trước tòa.
Cả phía công tố lẫn tòa án các cấp đều không thèm nghe ông Long kêu oan. Thậm chí khi các luật sư đưa ra hàng loạt bằng chứng chứng minh, có nhiều chứng cứ cho thấy ông Long vô tội, những cơ quan này cũng không thèm xem xét.

Chẳng hạn, sau phiên sơ thẩm, khi ông Long bị phạt tử hình, hai mẹ con đã tố giác ông Long là thủ phạm xin rút lại cáo giác. Hoặc có bảy người xác định, vào thời điểm bé gái năm tuổi bị cưỡng hiếp và bị giết, ông Long đang xay thóc với họ. Tuy nhiên ông Long vẫn bị phạt tử hình và đang chờ ngày bị tử hình.


Văn phòng của một luật sư tên là Ngô Ngọc Trai đã tìm nhiều cách để vận động xem lại vụ án, minh oan cho ông Long nhưng không thành công. Trung tâm Tư vấn pháp luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng có văn bản đề nghị xem lại vụ án mà không ai thèm ngó ngàng. 

No comments:

Post a Comment