Thursday, February 27, 2014

Giáo dục đang quay về thời kỳ đầu cải cách!

SM- 27/02.2014      -Sau gần 40 năm cải cách giáo dục, mới đây, Bộ GD-ĐT lại ra những quyết định như cấm dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non, cấm dạy thêm, học thêm… Những quy định “mới” này đang giúp con trẻ được “thảnh thơi” đôi chút nhưng hình như cũng chỉ là đang đưa giáo dục quay trở về thời kỳ những năm đầu cải cách.



Lứa học trò sinh năm 1975, 1976 – thế hệ đầu tiên được dạy chương trình cải cách giáo dục sau giải phóng - có lẽ sẽ ít khi quên cái thời kỳ đi học tiểu học thời ấy. Chẳng biết mặt chữ là gì,cứ theo sổ hộ khẩu mà xếp lớp, nhận trường, bố mẹ cũng chẳng mấy khi vất vả “chạy chọt” cho con trường nọ trường kia, cứ gần nhà là nhất để bọn chúng tự đi học khỏi phải đưa đón. Thậm chí, nhiều đứa không hề đi nhà trẻ, đồng nghĩa với chuyện làm gì có giấy chứng nhận “tốt nghiệp mầm non” mà vẫn được vào lớp 1.
 
Đối với những đứa trẻ hồi ấy, đi học là một chân trời mới, háo hức chứ không hề lo lắng. Còn giờ đây, nỗi lo của phụ huynh đè nặng sang con trẻ, để rồi chưa vào lớp 1, chiến dịch tìm trường, tìm cô ôn luyện đã bắt đầu ngay từ sau Tết. Vậy là học xong ở trường mầm non, khi bé con còn đang đói, đang mệt, chúng đã lại bị tống vào ngồi trong những căn phòng chật chội để… luyện chữ, học đọc, học đếm. Trời mát còn đỡ, chứ vào mùa nắng tháng 5, tháng 6 thì khổ khỏi nói.
 
Bọn trẻ bây giờ vất vả quá, thậm chí mới chỉ vào lớp 1 được có một tuần, vì tuân thủ quy định của Bộ GD-ĐT nhiều gia đình không cho con luyện chữ và học trước mà nhiều bé do mới bắt đầu làm quen với chữ viết đã bị cô giáo liệt vào dạng “cá biệt” vì chưa biết đọc và chép theo câu thơ trong sách.(?)Chuyện đã từng xảy ra ở một trường tiểu học ở quận Ba Đình và cũng có thể đã xảy ra ở nhiều trường khác.
 
Chẳng bù cho bọn trẻ cách đây hơn 30 năm, tuần đầu tiên đi học, cô giáo cũng chỉ cho luyện viết dấu sắc (/), dấu ngã (~) để quen tay, thậm chí lúc cô cho điểm 10 vì viết đẹp cũng chưa biết mặt số để về khoe bố mẹ. Lũ trẻ đi học đúng theo nghĩa là lớp “vỡ lòng”, chủ yếu được cô rèn dần vào nề nếp, ngồi yên trong lớp chứ không được chạy lung tung như mẫu giáo, rồi nhận biết dần mặt chữ, mặt số, bạn nào chưa viết xong thì về nhà hoàn thành nốt chứ không có “một núi” bài tập như học sinh thời nay.
 
 
Còn về khả năng ngoại ngữ của lũ trẻ tiểu học khi ấy thì “mù tịt”. Đứa nào có bố mẹ đi Nga, đi Pháp… thì may ra được bố mẹ dạy như chơi với vài câu chào hỏi thông thường, ít người bắt ép con cái phải học hành “hùng hục”. Hồi đó, nếu trong lớp có bạn nào bị bố mẹ quản chặt bắt học như vậy, các bạn trong lớp… rất thương.
 
Tuy nhiên, dù các quy định của Bộ GD-ĐT vừa đưa ra tưởng như “mới”, giúp lũ trẻ thời này có lại được niềm vui, sống đúng tuổi như lũ trẻ ngày xưa, song vẫn có điều chưa linh hoạt và đang “tụt hậu”. Bởi nhìn vào sự phát triển chóng mặt của kinh tế, xã hội, công nghệ, quả thực nhờ có đầy đủ chất dinh dưỡng mà lũ trẻ thế kỷ 21 phát triển tốt hơn cả về thể chất lẫn trí tuệ  so với các thế hệ trước. Chúng được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm, khi còn chưa biết đi đã biết “vuốt” màn hình iPad, iPhone, điều khiển TV nhoay nhoáy, vì thế, các dòng chữ tiếng nước ngoài đối với lũ trẻ không phải là quá xa lạ. Hơn nữa, so với thời xưa, người nước ngoài đi trên phố là một điều mới mẻ thì giờ đây, khách du lịch nhan nhản, bọn trẻ con hồn nhiên còn níu họ lại để trò chuyện đã trở thành hình ảnh thường thấy.
 
Thế nên ra quy định cấm dạy ngoại ngữ trong trường mầm non, hoặc không chọn ngoại ngữ làm môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc xem ra định “hắt hủi” ngoại ngữ quá. Nhìn vào quá khứ, mới thấy thế hệ ông bà mình chỉ học đến lớp Nhì, lớp Nhất mà tiếng Pháp đã nói trôi chảy, thậm chí những kiến thức căn bản của bậc tiểu học cũng đã đủ để các bậc tiền bối đi làm công chức. Còn nhìn rộng ra một chút với thị trường lao động hiện nay, ngoài chuyện tìm đỏ mắt không tuyển được lao động chất lượng cao về tay nghề, thì khả năng ngoại ngữ để hiểu công việc và đọc được tài liệu chuyên môn nhằm sử dụng máy móc thành thạo cũng đang là vấn đề không nhỏ, khiến các bạn trẻ đang mất đi cơ hội tìm được việc làm.
 
Ngoài ra, theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa giáo dục tiểu học thuộc ĐH Sư phạm phát biểu trên vietnamnet thì hiện nay việc luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh đang là gánh nặng cho học sinh cần phải bỏ vì tốn nhiều thời gian và không thực sự hữu ích trong thời buổi máy tính đang phát triển như hiện nay. Thế nhưng sau ngần ấy năm cải cách, giáo dục vẫn khuôn sáo và thậm chí còn ngày càng cứng nhắc công thức hơn khi xưa khi bệnh thành tích, văn mẫu rập khuôn ngày càng nặng, trong khi những điều chỉnh để phù hợp thời cuộc thì vẫn loay hoay hoặc tính toán chưa kỹ đã vội thực hiện, đương nhiên gặp phải nhiều vấp váp khiến những gì được cho là mới mẻ lại sợ “rụt vòi”, xếp xó một chỗ.
 
Và cứ thế, giáo dục đi một con đường ngày càng xa rời thực tế, để rồi sau gần 40 năm, giáo dục lại có những quy định “đổi mới” quay về điểm xuất phát của mình. Điều này vừa buồn lại vừa vui, buồn vì hóa ra giáo dục chẳng tiến gì mà đang thụt lùi so với thế giới, vui vì hy vọng ít nhất lũ trẻ của thế hệ mới sẽ được vui chời đúng tuổi, phát triển đúng tuổi chứ không phải những “người lớn” thu nhỏ khi cận “lồi mắt” hay vẹo xương sườn vì mớ kiến thức chồng chất, được tích lũy kế thừa gần 40 năm, giờ đã không còn mấy giá trị.
 
 

No comments:

Post a Comment