Thursday, February 27, 2014

Rạn nứt lợi nhuận ngân hàng !



nganhang

Năm 2013, một số ngân hàng cổ phần, một thời đã từng báo lãi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, nay đã ghi nhận mức lãi thấp nhất trong nhiều năm. Điều này cho thấy sự khắc nghiệt của giai đoạn hậu tín dụng “nóng”.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), xác định mở rộng tín dụng vẫn là một trong những định hướng trọng tâm của năm 2014. Muốn thế phải tìm được địa chỉ tin cậy để đưa tiền ra, mà khách hàng tốt, đáp ứng đủ tiêu chuẩn để cho vay thì như cục nam châm, lúc nào cũng có các tổ chức tín dụng chào mời. Tháng 1-2014, Vietcombank đã tiếp xúc với Tổng công ty Hóa chất, Tổng công ty Cao su, Công ty cổ phần Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)… Năm ngoái tỷ lệ dư nợ trên tổng huy động của Vietcombank ở mức 80%, ông Thành cho là hợp lý vì nếu thấp hơn nhiều khả năng ngân hàng sẽ không có lời. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng có lộ trình giảm tỷ lệ nói trên về tầm 70%.
“Tỷ lệ cho vay/huy động của ngân hàng nói chung ở các nước còn thấp hơn nữa là bởi họ có thị trường tài chính phát triển, các tổ chức tín dụng tham gia mạnh vào kinh doanh trái phiếu. Trong khi cơ hội kinh doanh trái phiếu của Việt Nam còn hạn hẹp. Kỳ hạn đầu tư trái phiếu dài, vốn huy động phần lớn dưới sáu tháng, ngân hàng khó điều tiết kỳ hạn để mua bán trái phiếu”, ông Thành giải thích.
Những năm gần đây kinh doanh tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đã không còn sôi động như trước sau các quy định mang tính kiểm soát chặt chẽ quy trình nghiệp vụ của cơ quan quản lý ngành. Nguồn thu từ mảng này của Vietcombank, ACB và khá nhiều ngân hàng khác sụt giảm. Lợi nhuận từ kinh doanh ngoại tệ co lại bởi tỷ giá ổn định và nguồn cung tương đối dồi dào. Ông Thành không giấu giếm trước đây phần lớn các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đều là khách hàng ruột của Vietcombank. Nay nhóm này bị chia sẻ một phần vì có những ngân hàng khác chào mời tỷ giá cạnh tranh, có khi chỉ chênh nhau 1-2 đồng/đô la Mỹ.
Không chỉ Vietcombank, những ngân hàng cổ phần mạnh về kinh doanh ngoại hối như ACB, Eximbank khá chật vật trong năm ngoái. Các ngân hàng nước ngoài tận dụng nguồn cung ngoại tệ từ công ty mẹ và thị trường quốc tế, nơi mà đồng đô la Mỹ được cung ứng với giá rẻ (lãi suất thấp) để kinh doanh ở Việt Nam. Các ngân hàng trong nước không có lợi thế này, chưa kể trạng thái ngoại hối đã bị giảm một phần ba, nên sự linh hoạt chuyển đổi tiền đồng – ngoại tệ bị giới hạn. Hoạt động đầu cơ ngoại tệ đã không có được tần suất như trước.
Kinh doanh ngoại tệ khó khăn, một số ngân hàng còn phải qua cửa ải tất toán trạng thái vàng, giảm dư nợ cho vay vàng trước hạn. Không phải ngẫu nhiên lợi nhuận trước thuế quí 4-2013 của ACB âm 293 tỉ đồng, của Eximbank âm hơn 220 tỉ đồng, chủ yếu từ vàng.
Dẫu thế, tín dụng suy yếu, nợ xấu tăng và trích lập dự phòng rủi ro cao mới là thước đo chính sự rạn nứt lợi nhuận ngân hàng năm qua. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank – TCB) quí 3-2013 công bố nợ xấu tới gần 6%. Quí 4 lợi nhuận chủ yếu dành trích lập dự phòng và xử lý nợ. Kết quả là nợ xấu còn 3,65%, nhưng lợi nhuận ước chỉ còn 878 tỉ đồng. Con số này nhỉnh hơn so với lợi nhuận trước thuế cả năm 824 tỉ đồng của ACB; 827 tỉ đồng của Eximbank.
Cả ba “đại gia” ngân hàng cổ phần, một thời đã từng báo lãi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, nay ghi nhận mức lãi thấp nhất trong nhiều năm, cho thấy sự khắc nghiệt của giai đoạn hậu tín dụng “nóng”. Năm 2013, tăng trưởng tín dụng của Techcombank chỉ đạt 2,95%. Thực ra tín dụng tăng trưởng dương đã là tín hiệu đáng mừng vì có thời điểm tín dụng của Techcombank âm và âm rất sâu.
Techcombank đã từng khiến các cổ đông và dư luận sững sờ khi lợi nhuận trước thuế đang từ 4.221 tỉ đồng năm 2011 tụt xuống 1.018 tỉ đồng năm 2012. Cho nên mức giảm lợi nhuận của năm ngoái so với năm trước đó xem ra không gây ấn tượng. Tạo “cảm giác mạnh” phải kể đến Eximbank khi lợi nhuận rơi từ 2.851 tỉ đồng năm 2012 về 827 tỉ đồng năm ngoái. Sự xáo trộn nhân sự cũng như giảm sút lợi nhuận ở Eximbank là một câu chuyện dài mà hồi kết có lẽ còn chưa đến.
Mấy tháng trước ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, không phải không có lý khi dự báo lợi nhuận cả năm của ngân hàng chừng 1.500-1.600 tỉ đồng. Vấn đề là ở chỗ vì sao Eximbank bỗng dưng báo lỗ quí 4? Nếu có một sự chuẩn bị thay đổi nhân sự tiếp theo ở Eximbank, thì hẳn những người kế nhiệm biết đâu nhìn thấy một mặt bằng lãi thấp, để năm sau nâng lên cho dễ dàng? Điều này đã từng xảy ra ở Sacombank. Người ta chưa quên ngay trước thời điểm nhóm cổ đông mới tiếp quản ngân hàng, lợi nhuận trước thuế của Sacombank được công bố ở mức giảm khá mạnh so với bình thường.
Với Ngân hàng Quân đội (MB) tuy còn giữ được lợi nhuận ở mức hàng ngàn tỉ đồng, báo lãi 2.278 tỉ đồng, nhưng cũng giảm đáng kể so với mức 3.090 tỉ đồng năm 2012. Đáng nói nợ xấu ở MB cũng tăng 56% vào cuối năm ngoái so với cùng kỳ. Đây không phải là một thông tin dễ chịu cho lắm.
Ông Nghiêm Xuân Thành kể: “Khi nhận thấy lợi nhuận có khả năng không bằng năm trước đó, Vietcombank đã quyết định bán “lương khô” là 2,7 triệu cổ phiếu PVD, thu được hơn 200 tỉ đồng lợi nhuận”.
Vietcombank vẫn còn số cổ phiếu PVD tương đương, nghĩa là nếu quá gay cấn, ngân hàng sẽ bán tiếp trong năm nay. Vietcombank còn có “lương khô” để bán, chứ các ngân hàng khác bán gì? Nhờ có thương vụ PVD, Vietcombank báo lãi 5.727 tỉ đồng, chỉ giảm chút xíu so với mức 5.764 tỉ đồng năm 2012.
Riêng với Sacombank, câu chuyện lợi nhuận được kể ra dè dặt. Như trên đã nói, không phải tình cờ lợi nhuận trước thuế năm 2012 của ngân hàng rớt gần 50% (1.368 tỉ đồng) so với năm 2011 (2.770 tỉ đồng), nên mức lợi nhuận dự kiến 2.838 tỉ đồng năm 2013 xem ra có phần đương nhiên. Chỉ là không biết năm 2014 Sacombank sẽ công bố lợi nhuận mức nào.
Thông tin hành lang của chúng tôi phỏng đoán có thể nhân sự Sacombank sẽ biến động và khả năng một ngân hàng cổ phần khác sáp nhập vào Sacombank sẽ được cân nhắc. Sẽ là quá sớm để đề cập đến lợi nhuận dự kiến năm nay của ngân hàng này.
THEO TBKTSG


No comments:

Post a Comment