ĐẤT VIỆT- 19/02/2014 -Thế là đợt cao điểm của mùa lễ hội 2014 đã qua, nếu để bầu chọn hình ảnh nào đặc trưng nhất, ấn tượng nhất thì có lẽ không gì đắt giá hơn bức ảnh một bàn tay tượng Phật bà Quan âm được giắt kín bạc lẻ nhàu nhĩ. Vừa hừng hực khí thế kim tiền vừa thê lương cho đạo pháp.
Có lẽ không ở đất nước theo đạo Phật nào có những hình ảnh bi hài chốn chùa chiền mùa lễ hội như nước ta: tiền lẻ rải trắng khắp nơi, dán vào tượng, giắt vào tay tượng, gài vào cành hoa trang trí ban thờ chính điện, có người còn tỉ mẩn hơn, cuộn tờ 1.000 đồng nhét vào mũi… pho tượng Phật Di lặc.
Tiền lẻ là tiền giọt dầu, tức là tiền gửi cho những người coi chùa thay mặt mình đèn nhang hương khói để tỏ tấm lòng với Phật, thánh. Nhưng tiếc là nhiều người không hiểu điều này, cứ xem như đó là chút tiền “hối lộ” thánh thần và vì mức độ đồng tiền nhỏ quá nên tiện thể xem như chẳng khác nào tiền “bố thí” cho các pho tượng.
Vì coi là tiền “lót tay” nên nhiều người mới nhét vào tay, giắt vào bệ tượng, cuộn ném vào trong khán thờ chứ không bỏ vào hòm công đức có đầy trong chốn thờ tự. Có lẽ họ nghĩ, chẳng gì thì đưa trực tiếp vẫn hơn, nhét vào cái hòm mông lung kia, sợ tiền không đến được tay Đức Phật.
Nhiều người dúi tiền lẻ vào tay tượng Phật bà Quan âm ở chùa Lim (Bắc Ninh) |
Chỉ cần thấy cái cảnh người Việt mình chen chân lên chùa, cầu khấn xin xỏ lộc tài rồi vung tiền lẻ rải khắp nơi, dúi tiền lẻ cho tượng mà chẳng cần biết giáo lý của Phật thế nào, kể cả cái thuyết đơn giản nhất là “Phật tại tâm” cũng đủ biết đa phần người đến chùa thiếu hụt các tri thức về tôn giáo.
Mà nói cho cùng cũng tại ở ta, “đạo và đời” nó cận kề nhau quá, khiến cho người ta chẳng còn thấy Phật hay thánh thần là linh thiêng, là chốn giải thoát siêu hình, mà cứ nghĩ đơn giản rằng giờ đi xin xỏ cái gì mà chả phải có khoản lót tay, mình đi xin Phật ban cho lộc tài thì cũng phải “lót tay” tiền lẻ cho Phật vậy. Sòng phẳng thế còn gì.
Cái sự “sòng phẳng” ấy đã tràn vào chùa chiền chẳng biết từ khi nào, nhưng có lẽ tạm phỏng đoán nó cũng song hành với thời “kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước thôi”, trước khi thời bao cấp đói nghèo, tiền sẵn đâu mà mang ra rải lắm thế.
Tiền lẻ nhàu nhĩ trong tay tượng Phật bà Quan âm ở chùa Lim (Bắc Ninh) |
Đó phải chăng phản ánh cái tâm lý “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” của người Việt? Phản ánh sự hưng thịnh của tâm lý kim tiền, đến với Phật đấy, nhưng chắc gì đã tin Phật bằng tin vào sự thắng thế của đồng tiền, bởi dân gian đã từng có những câu “Tiền là tiên là Phật”, “Có tiền mua tiên cũng được cơ mà”.
Cứ vào chùa là thấy vòng vận hành tiền tệ lưu thông rõ ràng lắm. Đổi tiền lẻ cổng chùa, tiền lẻ được thu gom, lại quay vòng ra cổng chùa. Chỉ khổ cho các vị trụ trì, nhất là trụ trì các ngôi chùa nổi tiếng đông khách, cứ hết mùa lễ hội là phải mướt mồ hôi tha lôi hàng chục bao tải tiền lẻ đến nhờ ngân hàng đếm hộ như có bài báo mới phản ảnh gần đây. Chỉ nghe tả thôi đã thấy hết cả linh thiêng và huyền ảo Phật pháp.
Không biết đến bao giờ người Việt mới hết những hành động đáng xấu hổ là dúi tiền vào tay Phật (thông qua các pho tượng trên chùa). Không biết đến bao giờ người Việt mới hết bộc lộ những tính xấu như chen lấn, giành giật, sân si ở chốn cửa thiền- nơi dành cho người ta đến để chiêm bái, để nhìn thật sâu vào cõi tâm linh?
Cái hành động dúi tiền vào tay nhau để cho công việc trôi chảy đã phổ biết ở khắp nơi, từ nhà trường, bệnh viện, ra đường gặp cảnh sát giao thông, rồi cao hơn nữa là chạy chức, chạy quyền, chạy án… Cứ có tiền dúi vào tay nhau là ổn hết.
Cái nhếch nhác của một đời sống thiếu đàng hoàng, thiếu minh bạch từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao đã khiến cho Phật, thánh cũng phải chịu chung kiếp nạn.
Nhìn pho tượng Phật bà Quan âm ngàn mắt ngàn tay được các con nhang đệ tử gài cắm đầy tiền lẻ ở hội chùa Lim (Bắc Ninh) mà thấy xót thương. Vì Phật bà có ngàn mắt ngàn tay để quan sát và thấu giúp việc đời, đâu phải có ngàn tay để chúng sinh gài tiền lẻ cho tiện? Hỡi ôi, bao giờ người đời mới thoát ra được cơn mê lú đồng tiền này?
Mi An
No comments:
Post a Comment