Wednesday, February 19, 2014

Cha đẻ tàu ngầm "Made In Vietnam" từ chối nhà nước đầu tư!

SOHA- 19/02/2014      -Một lãnh đạo Sở KHCN tỉnh Thái Bình cho rằng sản phẩm tàu ngầm Trường Sa, chưa rõ mục đích của tác giả là hướng tới quân sự hay dân sự và tính khả thi thấp.


Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình đã đến thăm công trình của kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc một công ty cơ khí ở Thái Bình thiết kế, chế tạo từ khi mới hình thành cabin. Dù có gợi ý làm dự án đầu tư nhưng tác giả đã từ chối và cho rằng chờ thành công rồi tính tiếp.
Ông Nguyễn Vinh Đạo, Trưởng phòng Quản lý KHCN, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình đã cho biết như vậy trước nhiều ý kiến cho rằng nhà nước cần đứng ra làm “bà đỡ” cho công trình tàu ngầmcủa ông Hòa.
Tác giả chờ thành công
Ông Nguyễn Vinh Đạo chia sẻ, không chỉ với vai phụ trách phòng chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình, ông còn là bạn của kỹ sư Hòa. Chính vì thế ông cùng lãnh đạo Sở đã xuống thăm công trình của kỹ sư Hòa từ những ngày đầu tiên mới hình thành cabin của tàu.
“Chúng tôi đã xuống và tư vấn tác giả viết dự án để đầu tư nhưng ông Hòa cho rằng phải làm thành công rồi mới viết dự án. Do vậy đến thời điểm này chưa có hồ sơ nào hay giấy tờ gì của cơ quan quản lý nhà nước đối với công trình của ông Hòa”, ông Đạo cho biết.
Theo ông Đạo, về nguyên tắc, bất kể một công trình nào cần được nhà nước hỗ trợ cũng phải thể hiện qua dự án đã được phê duyệt. Dựa trên thuyết minh của dự án, hội đồng chuyên môn mới có cơ sở để đánh giá nguyên lý khoa học, mục đích của dự án cũng như về mặt kỹ thuật xử lý ra sao. Tuy nhiên tác giả không trình dự án mà cứ mò làm thì không biết sẽ triển khai nội dung cụ thể vào việc gì.
“Do vậy chúng tôi chỉ biết theo dõi thông tin qua báo chí và xuống thăm thôi”, ông Đạo chia sẻ.
Hình hài chiếc tàu ngầm đã hiện ra và tác giả đã có thể cho tàu lặn thử trong bể nước
Hình hài chiếc tàu ngầm đã hiện ra và tác giả đã có thể cho tàu lặn thử trong bể nước
Hiện ông Hòa bước đầu đã chế tạo ra hình hài con tàu ngầm. Nó đã có thể lặn, nổi trong bể nước. Theo đó tàu ngầm mini tên Trường Sa có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi, bán kính hoạt động 800 km. Tàu có thể lặn sâu 50 m và có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu được trang bị hai động cơ 90Hp.
Khi lặn, tàu sử dụng công nghệ AIP – tức là tàu ngầm sẽ lặng lẽ hoạt động ngay trước “mũi” đối phương mà không bị lộ. Tàu có thời gian lặn 15 giờ; thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày; tốc độ tính toán 40 hải lý/h.
Ông Hòa cho rằng hiện giờ chiếc tàu ngầm do ông chế tạo đã có thể lặn nổi, giữ cân bằng trong bể nước. "Cuối cùng thì tàu ngầm Trường Sa mini có thể giữ cân bằng và nổi lên, lặn xuống trong bể nước", doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho biết. "Bây giờ con tàu đã sẵn sàng chạy thử ở bất cứ đâu", ông Hòa tự tin khẳng định.
Ông cho biết, sắp tới ông sẽ tiếp tục thử nghiệm để hoàn thiện tàu trơn tru cả về kỹ thuật lẫn hình thức bên ngoài. "Thử nghiệm trong bể rất khác so với khi vào thực tế, vì vậy, tôi muốn chuẩn bị kỹ lưỡng hơn rồi mang ra biển chạy thử", ông Hòa cho hay.
Tính khả thi thấp
Ông Đạo chân thành cho rằng, dù rất muốn tác giả viết dự án nhưng thấy hệ số thành công cũng thấp.
“Nếu có dự án Sở sẽ thành lập hội đồng. Được hay không thì hội đồng chuyên môn sẽ giúp cho tác giả điều chỉnh ngay từ đầu. Thế nhưng không biết tác giả định làm sản phẩm này theo kiểu gì nên không ai chỉ được khi không có thuyết minh của người chế tạo ra nó. Nếu chỉ nhìn sản phẩm thì cũng chỉ biết vậy”, ông Đạo nói.
Ở thời điểm ông Hòa thành công thì tại Hưng Yên, một nông dân cũng tự sản xuất thành công thuốc trừ sâu có thể uống được. Trước kết quả này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng: “Khi một người dân, thậm chí một doanh nghiệp có được kết quả nghiên cứu còn sơ khai thì cơ quan quản lý cần có trách nhiệm hỗ trợ nghiên cứu đó”.
Sau đó Bộ trưởng cũng chỉ thẳng, Sở KHCN địa phương phải có trách nhiệm phát hiện người dân có sản phẩm khoa học có khả năng ứng dụng, phải hỗ trợ, giới thiệu người dân đó với các cơ quan nghiên cứu Trung ương hoặc địa phương đánh giá, hỗ trợ cho người dân nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm. Giúp họ đăng ký sản phẩm, nếu là sáng chế thì cấp bằng sáng chế, nếu là sáng kiến thì được bảo hộ quyền tác giả, hoặc nếu là kiểu dáng công nghiệp thì được cấp bằng kiểu dáng công nghiệp để họ yên tâm sản phẩm của họ được bảo hộ. Sau khi hoàn thiện thì có thể được ứng dụng trong cuộc sống.
Tuy nhiên, với trường hợp tàu ngầm Trường Sa, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN Thái Bình cho rằng nói đến “bà đỡ” cho sáng chế là với nông dân nhưng ông Hòa là một kỹ sư.
“Thậm chí ông Hòa từng nhận được nhiều lần hỗ trợ kinh phí của nhà nước để hoàn thiện các công trình máy in từ năm 2005 và máy cắt giấy 2011 và còn nhận được giải thưởng Vifotec. Tức là tác giả hoàn toàn hiểu được quy trình của việc thành lập một dự án, đề tài hay công trình nghiên cứu nên không thể theo con đường “bà đỡ” được”, ông Đạo nói.
Ông Đạo cũng nói thêm, với sản phẩm tàu ngầm Trường Sa, do chưa rõ mục đích của tác giả là hướng tới quân sự hay dân sự và tính khả thi thấp. Trong khi pháp luật Việt Nam chưa có dòng nào nói về việc sản xuất tàu ngầm.
“Việc làm này có tính chất phiêu lưu, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước phải làm theo pháp luật chứ không thể theo kiểu tương tự như pháp luật của nước ngoài. Việc hiện thực hóa dự án và được phê duyệt là hơi khó”, ông Hòa nhấn mạnh.
Theo đó, việc tác giả muốn thỏa mãn đam mê cá nhân thì không ai cấm. Nhưng ông Đạo cũng lo ngại tác giả nguồn lực không đủ, hành lang pháp lý không có để làm nên ít nhiều cũng gặp khó khăn nếu muốn mở rộng hơn.
Ông Đạo cũng chia sẻ thêm: “Để tìm cách hỗ trợ tác giả, trong tuần tới lãnh đạo Sở cũng yêu cầu các phòng chuyên môn xuống nắm bắt thêm tình hình để làm báo cáo với các ngành”.

No comments:

Post a Comment