Wednesday, February 19, 2014

Bong bóng BĐS: Mối nguy hiểm rình rập nền kinh tế Trung Quốc

SM- 20/02/2014     -Thời gian gần đây những vấn đề về nợ xấu tăng cao, sự thao túng của hệ thống ngân hàng bóng tối hay tình trạng lãi suất “cắt cổ” đang thu hút hầu hết sự chú ý của giới đầu tư tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế, bên cạnh những vấn đề bất ổn của thị trường tài chính, tình trạng bong bóng BĐS kéo dài cũng là mối nguy hiểm lớn đang rình rập nền kinh tế thứ 2 thế giới này.


Bong bóng BĐS kéo dài đang trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc
Theo tờ CNBC, trong những những năm gần đây, giá nhà tại nhiều thành phố ở Trung Quốc đã liên tiếp lập những kỷ lục mới bất chấp những biện pháp “hạ nhiệt” thị trường BĐS của cả chính quyền trung ương và các chính quyền địa phương. Cụ thể, theo số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong tháng 12/2013, giá nhà tại 70 thành phố thuộc đại lục đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời đánh dấu mức tăng 12 tháng liên tiếp.
 
Trả lời phỏng vấn của báo giới, Adrian Mowat - Trưởng chuyên gia chiến lược kinh tế khu vực Châu Á và các nền kinh tế mới nổi của Cty JPMorgan Chase & Co - nhấn mạnh: Những bất ổn của thị trường BĐS đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của giới đầu tư về những rủi ro của nền kinh tế Trung Quốc.
 
Đồng quan điểm với Mowat, các chuyên gia phân tích của ngân hàng bán lẻ lớn nhất nước Pháp Credit Agricole cũng bày tỏ sự quan ngại rằng đà tăng giá chóng mặt của thị trường BĐS có thể đe dọa triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.
 
Chi phí để mua một căn hộ tại đô thị Trung Quốc đắt gấp hơn 6 lần so với ở Mỹ
 
“Nếu ở Mỹ, bạn chỉ phải dành khoảng 3,5 năm thu nhập hàng năm là có thể mua được một ngôi nhà thì ở Trung Quốc một căn hộ tại đô thị “ngốn” tới 22,5 năm thu nhập của bạn. Chính mức giá đắt đỏ này đã khiến việc tiếp cận nhà ở của người dân Trung Quốc đang trở thành nhiệm vụ bất khả thi, đồng thời đặt ra nguy cơ lớn đối với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế này”, Credit Agricole nhận định.
 
Bên cạnh đó, theo công ty chứng khoán Singapore UOB KayHian, bất chấp việc chính phủ Bắc Kinh đã ra những chính sách thắt chặt thanh khoản, giá nhà đất vẫn tiếp tục đà tăng phi mã trong tháng 1/2014. Điều này đã khiến các nhà đầu tư BĐS phải chi khoảng thêm 248 tỷ nhân dân tệ (40,6 tỷ USD) để bổ sung cho các ngân hàng địa ốc của họ, tăng 37% so với bình quân các tháng năm 2013.
 
Ngoài ra, UOB KayHian còn cho biết thêm nhu cầu của người mua cũng là một nhân tố khiến các nhà đầu tư BĐS mạnh tay vay nợ nhiều hơn ngay cả khi chính sách tiền tệ đang ngày càng thắt chặt. Khi đó, nếu nhiều dự án nhà đất được tung ra trong năm nay thì có thể dẫn tới tình tình trạng quá tải nguồn cung nếu các giao dịch chậm lại.
 
Tuy vậy, theo UOB KayHian, hiện tại chính sách thắt chặt tín dụng cùng các biện pháp “hạ nhiệt” thị trường BĐS vẫn chưa phát huy được tác dụng. Trong khi đó, nhiều khả năng giá nhà đất trung bình trong tháng 2 sẽ tiếp tục đi lên, tăng khoảng 0,63% so với tháng 12/2013. Do đó, mối quan tâm lớn nhất bây giờ chính là làm thế nào để thay đổi được tâm lý bầy đàn của người mua, khi đó cầu giảm sẽ buộc giá phải giảm theo.
 
Theo Công ty chứng khoán CCB Quốc tế ở Đặc khu hành chính Hong Kong, BĐS Trung Quốc đang mất dần động lực và dự kiến tăng trưởng đầu tư vào lĩnh vực này sẽ giảm còn 15% trong năm nay. Đây là mức thấp kỷ lục và là một sự sụt giảm đáng kể từ mức tăng trưởng 19,8% trong năm 2013. Ngoài ra CCB còn cho rằng, những nguy cơ bong bóng kinh tế Trung Quốc hiện nay chủ yếu thuộc về lĩnh vực BĐS. Do đó, ngay trong quý I/2014, vấn đề ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc chính là việc tìm ra các giải pháp để “xì hơi” bong bóng nhà đất sao cho đỡ gây tổn thương cho những tên tuổi lớn ở mức thấp nhất. Kết quả của việc giải quyết bong bóng BĐS sẽ quyết định bộ mặt kinh tế của Trung Quốc trong phần còn lại của năm 2014. Nhưng khi một bên nào đó được lợi, thì tất yếu phải lấy đi nguồn lực ở một bên khác. Và ra quyết định lựa chọn chưa bao giờ là một công việc dễ dàng.
 
 
 
 

No comments:

Post a Comment