Wednesday, February 19, 2014

Bộ Tài nguyên & Môi trường mặc 1,7 triệu dân “chết khát“?

(Kienthuc.net.vn) - GS.TS Phạm Hồng Giang tin rằng, UBND TP Đà Nẵng có cơ sở để kiện Bộ TN&MT vì dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa.
Ngay sau khi Bộ TN&MT hoàn thành Dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa Đăk Mi 4 - A Vương - Sông Tranh 2, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn gửi Bộ TN&MT phản ứng mạnh mẽ và dọa sẽ kiện ra tòa nếu một số điểm trong dự thảo không được sửa đổi.
Dân chết khát vì thủy điện
Nếu mực nước khống chế tại các trạm Ái Nghĩa trên sông Vu Gia là 2,53m như dự thảo (tương đương mực nước trung bình của tháng có dòng chảy nhỏ nhất) thì 1,7 triệu dân sẽ thiếu nước nghiêm trọng, hạ du hoàn toàn khô hạn. Ông nhìn nhận sự việc này như thế nào?
Sông Vu Gia nằm ở trên triền cao hơn sông Thu Bồn. Sông Thu Bồn chảy ra Cửa Đại (Hội An), sông Vu Gia đi về Đà Nẵng qua Ái Nghĩa đến sông Hàn. Vào mùa lũ, sông Vu Gia đổ xuống sông Thu Bồn với lượng rất lớn và gây ra lũ lớn hơn ở Hội An. Nhưng vào mùa khô mà nó chảy hết vào sông Thu Bồn thì ở Ái Nghĩa sẽ không còn nước nữa. Người ta làm các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia và đưa nước về sông Thu Bồn. Như thế thì lợi cho phát điện và đương nhiên là người dân sẽ không có nước. 
Vậy là tính toán này chỉ nghĩ đến lợi ích của thủy điện?
Đúng thế, thủy điện có lợi để phát điện nhưng như thế thì người dân sẽ chết khát. Việc phản ứng của Đà Nẵng là có cơ sở vì lợi ích của người dân sống ở vùng hạ du. Trong việc này có thể hiểu, mùa khô ở sông Vu Gia sẽ có mực nước trung bình, nghĩa là thủy điện không giúp gì vào việc cải thiện nước vào mùa khô ở Đà Nẵng, chỉ duy trì mức trung bình như khi chưa có thủy điện thôi.
Ở góc độ của Bộ TN&MT thì họ có gì sai?
Thực ra thì họ không đúng cũng không sai. Họ đảm bảo nước không thấp hơn so với trước khi có thủy điện. Trước nay ta làm thủy điện nhưng chỉ nghĩ đến cái lợi của phát điện chứ không nghĩ đến những yếu tố khác như môi trường hay dân sinh. 
Đà Nẵng là cơ quan nhà nước, dọa kiện một cơ quan nhà nước khác, giả sử mà Đà Nẵng thua thì người dân sẽ phải chịu thiệt?
Nếu dự thảo chưa chính thức ban hành thì việc kiện là chưa đúng. Nếu họ không sửa các điểm này trong dự thảo thì Đà Nẵng hoàn toàn có thể kiện được. 
GS.TS Phạm Hồng Giang, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam. 
Dân thiệt?
Khi xây dựng dự thảo, cả Đà Nẵng và Quảng Nam đều cho rằng đã góp ý kiến về điều này nhưng không được tiếp thu, theo ông thì vì sao Bộ TN&MT lại làm thế?
Cái này có lẽ phải hỏi bên Bộ TN&MT để họ giải thích thôi.
Có lẽ việc một cơ quan nhà nước kiện một cơ quan nhà nước khác về vấn đề này chưa có tiền lệ?
Từ trước đến giờ, các văn bản pháp lý đã ban hành cũng vẫn có những ý kiến khác nhau. Còn việc tuyên bố sẽ phát đơn kiện như thế này đúng là chưa có. Lẽ ra phải phân xử trong phạm vi cơ quan hành pháp thôi chứ chưa đến mức đem ra cơ quan tư pháp. Vì đây là những ý kiến khác nhau khi xây dựng chính sách thì Chính phủ có trách nhiệm phải giải quyết. Giờ người ta làm thủy điện và coi nó cao hơn các lợi ích khác nên mới phát sinh những điều này.
Người chịu thiệt rõ ràng là người dân?
Đúng thế, người dân ở những vùng có thay đổi quan trọng về dòng chảy thì ảnh hưởng càng nặng. Trong việc này, 1,7 triệu dân bị ảnh hưởng, thiệt thòi nếu Bộ TN&MT không thay đổi dự thảo này. Đà Nẵng phải bảo vệ người dân của họ. Còn yêu cầu đó có đáp ứng được hay không thì phải chờ xem thế nào.
Vấn đề này đưa ra tòa án để phân xử thì khả năng thắng thua các bên sẽ thế nào?
Lẽ thông thường thì trong phạm vi của cơ quan hành pháp, rồi đến lập pháp, nếu Đà Nẵng thấy không thỏa đáng thì có thể đưa vấn đề này ra Quốc hội để bàn bạc chất vấn. Nếu thủy điện xả nước vào mùa khô, đương nhiên lượng điện sẽ hao hụt. Ai trả cho thủy điện khoản hao hụt điện này? Có lẽ chỉ Chính phủ mới là người có quyền quyết định cuối cùng.
Bộ phủi tay, ai làm gì được?
Ngày 12/2, đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam cho biết, Bộ Công Thương vừa có thông báo khẳng định các nhà máy thủy điện không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xả lũ tại Quảng Nam vào tháng 11/2013. Việc xem xét trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trong việc bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do lũ lụt là chưa có cơ sở. Chế tài nào còn thiếu, còn hổng, mà câu chuyện này vẫn cứ lùm xùm mãi cho đến giờ thưa ông?
Hiện những lỗ hổng trong công tác quản lý chưa được lấp nên rất khó định danh trách nhiệm. Khi lũ về, nước dâng cao, vì an toàn đập thì phải xả. Nhiều khi ta có cảm giác lũ tăng thêm do xả của đập. Nhưng sự thực thế nào, phải quan trắc được mức nước trong hồ trước và sau lũ. Nếu trước lũ mức nước thấp và sau lũ mức nước cao hơn, thì rõ ràng hồ đã cắt lũ. Thế nhưng ai làm việc đó? Không ai cả!
Lại là bài toán trách nhiệm?
Không ai quan trắc những số liệu đó cả. Lỗ hổng trong quản lý dòng chảy rất lớn. Trong khi không có số liệu chính xác thì làm sao mà kết luận lũ là do thủy điện được. Bộ Công Thương nói không có cơ sở là đúng, ai làm gì được. Rồi lẽ ra phải có dự báo lũ, mưa tốt hơn để hoàn thiện quy trình này. Thế là trách nhiệm thuộc cả bộ phận dự báo nữa. Phải có tất cả các số liệu đó thì mới có cơ sở để bồi thường. Giờ chỉ nhìn bằng mắt thường thôi, không có trong giấy tờ văn bản nào thì khó lắm.
Bịt những lỗ hổng đó bằng cách nào?
Quan trắc mực nước hồ trước và sau lũ, tính toán xem xả lũ có làm tăng thêm lũ ở hạ du hay không, dự báo thế nào, thiệt hại về điện, thiệt hại về nước ai sẽ chịu trách nhiệm... Mọi quy trình nó rõ ràng thì sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Dân thì chẳng kiện được đâu!
Về lý thuyết thì hồ thủy điện nào cũng phải đáp ứng được yêu cầu cắt lũ và giảm hạn hán?
Đúng thế, từ phát điện, tưới tiêu, giao thông thủy đến cấp nước, phòng chống thiên tai, các công trình thủy điện phải đáp ứng được điều này. Nhưng mình thì không, chưa làm được điều đó. Cứ chỗ nào phát được điện, có lợi là làm thôi. Cơ quan thẩm định lại không am hiểu nhiều vấn đề xung quanh việc xây dựng. 
Trở lại câu chuyện kiện, nhiều người dân đã từng kiện đòi nhà máy thủy điện bồi thường thiệt hại, nhưng có lẽ kiện chỉ để mà kiện?
Với những lỗ hổng pháp lý tôi vừa nêu thì nó chẳng khác gì "con kiến mà kiện củ khoai". Tôi nghĩ rằng khó mà kiện nếu không có bằng chứng, không dựa trên cơ sở nào để mà kiện. Đà Nẵng kiện cho dân là một nhu cầu chính đáng. Chứ dân mà đi kiện, thì chắc là mù mờ lắm.
Phải chăng ta không thể quản lý?
Chỉ riêng quản lý nguồn nước đã có đến 5 - 6 bộ cùng chung tay, nhưng lại không bộ nào chịu trách nhiệm chính. Cuối cùng thì lỗ hổng còn nguyên đó thậm chí lớn hơn. Ví dụ, thủy điện liên quan đến cả Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ KH&CN. Thế nhưng, vấn đề này vẫn cứ tồn tại mãi đến tận bây giờ.
Xin cảm ơn ông!
 
"Theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, Dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước tại Điều 3: khoản 2, khoản 5, khoản 8; Điều 9: Khoản 1. Điều 54: Khoản 1, khoản 2. Điều 55: Khoản 1. Điều 61: Khoản 1. Điều 60: Khoản 3. Luật quy định rõ ai gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm. Nếu văn bản kiến nghị đến Bộ TN&MT không được thỏa mãn thì vì quyền lợi an sinh của 1,7 triệu dân Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng sẽ khởi kiện."
Tô Hội.

No comments:

Post a Comment