Wednesday, February 19, 2014

Tình hình mới nhất về dịch cúm gia cầm H5N1 tại VN

000_Hkg9386891-305.jpg
Mua bán gia cầm tại thị trấn Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái ngày 21 tháng 1 năm 2014.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
RFA- 19/02/2014
Dịch cúm gia cầm H5N1 đang bùng phát tại một số địa phương trên cả nước và từ đầu năm đến nay đã có hai ca tử vong vì chủng virus này tại Việt Nam.
Tình hình mới nhất ra sao và cơ quan chức năng đang có những biện pháp gì để phòng chống đợt dịch hiện đang xảy ra?
Gia Minh hỏi chuyện ông Văn Đăng Kỳ, trưởng Phòng Dịch tễ, Cục Thú y Việt Nam về những thông tin liên quan. Trước hết ông này trình bày thực tế tình hình hiện nay:
Văn Đăng Kỳ: Hiện ở Việt Nam đang có cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra ở các địa phương. Theo thông báo có 9 tỉnh có dịch, nhưng không phải 9 tỉnh mà ở mỗi tỉnh chỉ có một ổ dịch nhỏ thôi; tức của một hộ, một thôn, một xã thôi chứ không phải lây lan ra cả tỉnh. Ổ dịch nhỏ có thể khống chế được. Đương nhiên đã có hai ca bệnh ở Bình Phước và Đồng Tháp. Ở đó có người nhiễm bệnh và tử vong, đó là vấn đề quan trọng nhất. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là hiện nay Việt Nam đang cố gắng triển khai các  hoạt động rất mạnh; kể cả phó thủ tướng cũng tham gia trong việc chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, nhất là H7N9 xảy ra ở Quảng Tây giáp với 4 tỉnh của Việt Nam. Cho nên công tác giám sát dịch bệnh rất quan trọng, thế rồi xây dựng cơ chế phòng chống khẩn cấp khi có dịch xảy ra. Đây là một trong những biện pháp quan trọng đang triển khai rất quyết liệt.
Hôm qua, ngày 18/2 có cuộc họp đường dây nóng- họp trực tuyến do phó thủ tướng với ủy ban nhân dân 64 tỉnh- thành triển khai các vấn đề cấp bách phòng chống dịch bệnh.
Gia Minh: Ông nói có 9 tỉnh, trong khi đó báo chí lại loan tin 11 tỉnh; như thế có chính xác không?
Báo chí nói 11 tỉnh, còn thông tin chính thức của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn cho biết 9 tỉnh báo cáo đã phát hiện và có xác nhận của phòng thí nghiệm.
-Ô. Văn Đăng Kỳ
Văn Đăng Kỳ: Báo chí nói 11 tỉnh, còn thông tin chính thức của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn cho biết 9 tỉnh báo cáo đã phát hiện và có xác nhận của phòng thí nghiệm. Đương nhiên có một số tỉnh khác cũng nghi có dịch cúm gia cầm và xử lý ngay. Thông tin đó cũng đưa vào, nhưng thông tin của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn là chính thức và sẽ báo cáo sang tổ chức Thú y Thế giới (OIE) theo qui định về báo cáo khẩn cấp của tổ chức này.
Gia Minh: Dù tin nói dịch bùng phát ở 9 tỉnh, nhưng như ông nói mỗi nơi chỉ có những ổ dịch nhỏ thôi, vậy đó có phải là nguyên nhân mà người dân thờ ơ với tình hình không?
Văn Đăng Kỳ: Theo tôi không phải người dân thờ ơ, mà theo giám sát cho thấy cứ 100 con thủy cầm có 6 con dương tính, như thế cho thấy lưu hành virus theo dịch tễ học là rất cao. Cho nên nguy cơ xảy ra bệnh cũng rất nhiều. Chỉ đạo hiện nay là phải tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh và thực hiện chỉ đạo công tác tiêm phòng.
Việt Nam tiến hành công tác tiêm phòng từ năm 2005 đến nay và rất thành công. Vừa rồi chúng tôi có đi kiểm tra những địa phương có ổ dịch. Ví dụ như ở Bắc Ninh, một ổ dịch xảy ra ngay sát một gia đình có tiêm phòng mà gia đình đó không hề gì. Ổ dịch này xảy ra hồi tháng giêng.Như thế công tác tiêm phòng rất quan trọng. Dù lưu hành của virus cáo nhưng mình có biện pháp tiêm phòng rồi triển khai biện pháp tiêu độc, khử trùng.
Từ ngày 22 tháng 2 đến 22 tháng 3 tới đây, Việt Nam tổ chức hoạt động khẩn cấp thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc - khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh - chất thải của gia cầm có nguy cơ cao; tức có virus. Vệ sinh, tiêu độc - khử trùng sẽ làm giảm mức độ virus phát tán. Đây là một công việc rất quan trọng và Bộ Nông nghiệp triển khai hơn tuần nay. Chính thức vào ngày 22 tháng 2 sẽ triển khai trên toàn quốc.
Gia Minh: Tình hình hiện nay có phải do gia cầm lưu hành nhiều trong dịp Tết vừa qua và thời tiết lạnh không thưa ông?
Văn Đăng Kỳ: Thời tiết lạnh thì virus sống trong điều kiện lạnh tốt hơn, trong thời gian dài hơn. Nhưng thực ra nguy cơ có nhiều loại virus đang biến thể ở Việt Nam: 1.1 xảy ra ở Đồng bằng Sông Cửu Long, 2., 3.2, 3.1 nhánh A, nhánh B, nhánh C. Hiện đang lưu hành nhánh C rất nhiều.
Có nhiều chủng loại virus, và mỗi chủng loại virus cần có loại vắc xin tương ứng dẫn đến khó trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Hiện nay Cục Thú Y đã cập nhật tất cả các thông tin, đưa bản đồ dịch tễ về cho các địa phương để các địa phương nắm chắc phải sử dụng, tiêm vắc xin gì cho có hiệu quả. Hiện nay đang triển khai rất khẩn cấp.
Gia Minh: Vấn đề nguồn vắc xin năm nay có đầy đủ và chất lượng chứ không gặp những trường hợp như trước đây?
Văn Đăng Kỳ: Các loại vắc xin để dự phòng mà hiện nay chính phủ cho Bộ Nông nghiệp dự trữ 40 triệu liều vắc xin. Khi có dịch xảy ra có thể sử dụng những vắc xin này để tiêm phòng khẩn cấp đối với các ổ dịch nhỏ lẻ. Đối với chương trình tiêm phòng nói chung đã triển khai ở các địa phương. Vấn đề này đã có công văn của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn từ năm 2003. Các địa phương phải triển khai ngân sách của địa phương để thực hiện việc tiêm phòng. Nguồn vắc xin rất dồi dào. Vắc xin 1.1 có thể sản xuất trong nước và sử dụng được. Còn vắc xin R05, R06 nhập từ Trung Quốc cũng rất hiệu quả.
Hiện không có lo lắng dịch bệnh diễn ra mà không có vắc xin tiêm phòng. Rất may là hiện nay nếu có virus xảy ra thì có vắc xin tiêm phòng tương ứng.
Gia Minh: Sự phối hợp thông tin và quyết liệt thực hiện cần phải đồng bộ phải không, thưa ông?
Văn Đăng Kỳ: Hiện Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học - Công nghệ, các cơ quan liên quan và các cơ quan truyền thông để tăng công tác phòng chống dịch bệnh lên. Truyền thông cho người dân là vấn đề quan trọng và đang triển khai rất cấp bách hiện nay tại Việt Nam.
Gia Minh: Cám ơn ông về những thông tin mới nhất về tình hình dịch cúm gia cầm ở Việt Nam.

No comments:

Post a Comment