Wednesday, February 19, 2014

Ngán ngẩm dự án“rùa”


Thứ Tư, 19/02/2014 22:54

Nhiều dự án du lịch, khu kinh tế, KCN ở khu vực Nam Trung Bộ với vốn đăng ký đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, khởi công thậm chí hơn 10 năm rồi nhưng hiện vẫn dở dang

Đầu năm 2014, UBND một số tỉnh, thành khu vực Nam Trung Bộ đã có văn bản đôn đốc tiến độ các dự án “rùa” trên địa bàn. Người dân địa phương từ lâu đã quá chán ngán những dự án “khủng” này vì ảnh hưởng không ít đến đời sống của họ.
Chất lượng cao vẫn chậm
Dọc đại lộ Nguyễn Tất Thành của huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh hiện ra với những đồi cát hoang vắng, cách vài trăm mét lại có một bảng hiệu ghi tên dự án du lịch đã bạc màu, rách nát. Phần đất được giao cho những dự án du lịch hiện chỉ để dân địa phương chăn thả gia súc.
Năm 2003, Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu du lịch này theo định hướng phát triển thành khu du lịch chất lượng cao với tổng diện tích 2.150 ha. Ngay sau đó, có 30 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 17.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, gần 10 năm qua, tổng số vốn thực hiện của các dự án chỉ khoảng 2.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Loan, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, cho biết trong số các dự án nói trên, chỉ có 1 dự án đang xây dựng và đã khánh thành giai đoạn đầu; 6 nhà đầu tư khác đang xúc tiến xây dựng.

Rừng ở ven biển TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ngày càng teo tóp vì các dự án ì ạchẢnh: HỒNG ÁNH
Rừng ở ven biển TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ngày càng teo tóp vì các dự án ì ạchẢnh: HỒNG ÁNH

Tại TP Nha Trang, theo Ban Quản lý Dự án các công trình trọng điểm tỉnh Khánh Hòa, năm 2011, UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long làm chủ đầu tư xây dựng khu dân cư Cồn Tân Lập diện tích 7,9 ha, nằm cạnh chân cầu Trần Phú. Theo quy hoạch, phải giải tỏa toàn bộ khu vực này để xây dựng chung cư, nhà biệt thự, các công trình dịch vụ thương mại, công cộng với tổng vốn khoảng 2.718 tỉ đồng. Đến quý IV/2013, một phần kiến trúc, nhà cửa của dự án sẽ đưa vào sử dụng và các công trình hạ tầng xã hội được bàn giao. Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư mới hoàn thành 50% việc xây dựng hạ tầng cơ bản như đường nội bộ, hệ thống thoát nước...
Ông Huỳnh Kỳ Trầm, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình trọng điểm tỉnh Khánh Hòa, cho biết dự án chậm tiến độ là do việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, dự kiến đến cuối năm nay mới hoàn thành khâu này.
Do tình trạng ì ạch kéo dài nhiều năm liền tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi 8 dự án; buộc nhà đầu tư khu du lịch, dịch vụ, sân golf phải ký quỹ ít nhất 100 tỉ đồng/dự án. Thực tế, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp thực hiện ký quỹ để đầu tư.
Quyết “trảm”
Tại tỉnh Ninh Thuận, dự án được đánh giá lớn nhất là KCN Du Long với quỹ đất lên đến hơn 407 ha, thuộc 2 xã Bắc Phong và Lợi Hải, huyện Thuận Bắc.
Tháng 5-2008, liên danh Tập đoàn Hoa Cheng Long Đức Phong và Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (TP HCM) khởi công xây dựng KCN Du Long với tổng vốn 33 triệu USD. Trong đó, giai đoạn 1 đến khi dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2009 là 254 ha, số còn lại hoàn thành vào năm 2012. Hàng trăm hộ dân đã bị thu hồi đất sản xuất để giao cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư hứa hẹn người dân bị thu hồi đất sẽ được làm việc cho KCN với thu nhập cao để thoát nghèo.
Tuy nhiên, sau lễ khởi công rầm rộ vào ngày 19-5-2008, chủ đầu tư “biến mất”, công trình bỏ hoang. Đến giữa tháng 11-2008, liên danh nại lý do khủng hoảng tài chính, đề nghị và được tỉnh Ninh Thuận cho hoãn xây dựng dự án đến đầu năm 2009. Đến đầu tháng 12-2009, chủ đầu tư mới điều động vài xe ben đến san lấp mặt bằng. Đến tháng 10-2010, chỉ khoảng 10 ha mặt bằng được san lấp và một căn nhà cho công nhân được dựng tạm giữa đồng trống.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận, dù UBND tỉnh đã không dưới 10 lần nhắc nhở chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết nhưng tình trạng chây ì vẫn không được cải thiện.
Sau khi liên danh đầu tư bất thành, tháng 8-2011, Tập đoàn Hoa Cheng Long Đức Phong thành lập Công ty TNHH Hoa Thìn Long Đức Phong để tiếp tục xây dựng KCN Du Long với vốn đầu tư tăng lên 100 triệu USD. Chủ đầu tư mới cam kết trong năm 2012 sẽ san lấp 254 ha mặt bằng, đến cuối năm 2013 xây dựng xong cơ sở hạ tầng để kêu gọi đầu tư và hoàn tất việc san lấp 153 ha còn lại. Thực tế đến nay, dự án vẫn trong tình trạng bỏ hoang.
Bà Trương Thị Liễu, Phó Ban Quản lý Các cụm công nghiệp tỉnh Ninh Thuận, cho biết nếu đến cuối tháng 3-2014, Công ty TNHH Hoa Thìn Long Đức Phong không thể hiện quyết tâm đầu tư thì ban sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án. 

Mất rừng vì dự án ì ạch
Ngày 19-2, ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, cho biết các dự án du lịch dọc tuyến biển TP Tuy Hòa đều chậm tiến độ. Trong khi đó, diện tích đất rừng phòng hộ ven biển ở TP này ngày càng teo tóp.
Theo ông Trần Đình Quang, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp 2 (TP Tuy Hòa), năm 1990, đơn vị có gần 650 ha rừng nhưng hiện chỉ còn quản lý 212 ha, số còn lại đã giao cho các dự án. “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý rừng. Nhiều nhà đầu tư chặt cây rừng để bán. Mất hết rừng là vậy” - ông Quang bức xúc. Ông dẫn chứng trường hợp Công ty CP Bảo Toàn, chủ đầu tư một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng có diện tích 5 ha, tự ý chặt hàng ngàn cây dương liễu lâu năm để bán mà không được sự đồng ý của đơn vị chủ quản.
Cũng theo ông Quang, rừng bị mất còn do nhà đầu tư lơ là quản lý. Hằng đêm, hàng chục người dân đã mang cưa đến các cánh rừng phòng hộ ven biển đốn hạ cây về bán.H.Ánh

Lê Trường - Kỳ Nam

No comments:

Post a Comment