Wednesday, February 19, 2014

Dịch sởi chưa dập xong, lo đối phó với dịch cúm

- “Bệnh hô hấp đang vào mùa, phải giải quyết, khống chế bệnh sởi cho nhanh để còn đối phó tiếp với các dịch bệnh khác, đặc biệt là cúm” - bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết.

Ráo riết chích ngừa sởi

Trong buổi họp giao ban về dịch bệnh với 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM ngày 19/2, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện tại khoa này có hơn 30 trẻ đang nằm viện điều trị sởi. Bình thường, số trường hợp trẻ phải nhập viện để điều trị bệnh này chỉ vài ba ca.
cúm gia cầm; sởi
Chích ngừa sởi cho trẻ. Ảnh: Thanh Huyền.
Riêng tại Bệnh viện Nhiệt Đới mỗi ngày nhận thêm từ 5 – 7 ca sởi mới (cả người lớn và trẻ em), lượng bệnh nhân sởi phải điều trị nội trú tại bệnh viện này luôn ở mức 25 ca/ngày.

Các ca bệnh sởi bắt đầu gia tăng trên địa bàn TP.HCM từ trước Tết Nguyên đán, sau đó lại rộ lên…Theo lý giải của các bác sĩ, nguyên nhân bùng phát dịch sởi là do người dân sợ biến chứng nên không đưa trẻ đi tiêm (chích) đủ liều.

“Nếu cứ sợ mà không chích ngừa cho trẻ, không chỉ dịch sởi bùng phát mà còn nhiều thứ dịch bệnh khác sẽ trỗi dậy. Lúc đó rất nguy hiểm.” - một bác sĩ tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM nhận định.

Triển khai công tác phòng, chống dịch sởi, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã thống nhất với đại diện y tế của 24 quận, huyện bắt đầu tổ chức chích ngừa sởi tại trạm y tế vào thứ 7 và chủ nhật mỗi tuần từ ngày 7/3.

Ngoài ra, để tiện cho phụ huynh tại những điểm như trường học, lớp học có từ 30 trẻ trở lên sẽ được ngành y tế địa phương đến tổ chức chích ngừa tại chỗ.

Theo số liệu thống kê từ Viện Pasteur TP.HCM, hiện 19 tỉnh thành phía Nam đã có ổ bệnh sởi. Trong đó, 43% là trẻ dưới 18 tháng tuổi và 13% là trẻ dưới 9 tháng tuổi.

Cúm gia cầm rình rập

Song song với dịch sởi, đại diện phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM cảnh báo: “Mặc dù chưa phát hiện ca cúm A/H7N9 nào tại TPHCM, nhưng nguy cơ lây nhiễm bệnh rất lớn.”
cúm gia cầm; sởi
Sắp tới TPHCM sẽ xử lý triệt để các chợ gia cầm lậu như thế này. Ảnh VietNamNet


Hiện tại các quận, huyện đã lập đội phản ứng nhanh để rà soát các trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh, chuẩn bị về thuốc men, nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng phó khi có dịch cúm xảy ra.

Đại diện trung tâm y tế dự phòng quận, huyện cũng phản ánh, tình trạng nuôi gà đá tự phát, rất khó quản lý trong dân chúng.

“Trên địa bàn quận Tân Phú người dân nuôi gà đá rất nhiều. Nhỡ có dịch cúm gia cầm xảy ra sẽ rất khó kiểm soát. Chúng tôi đã kiến nghị với UBND quận và đã triển khai một số biện pháp nhưng gần như…bó tay, không quản lý nổi” – đại diện trung tâm y tế dự phòng quận Tân Phú cho biết.

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, TP.HCM không phải là ổ dịch nhưng là nơi tiêu thụ gia cầm rất lớn.

Tới nay, TPHCM còn tồn tại 13 quận huyện với 45 điểm buôn bán, giết mổ gia cầm sống không phép. Trước tình hình trên, TP. đã tăng cường thêm 2 đoàn kiểm tra để kiểm soát 4 cửa ngõ ra vào TP.

Sở Y tế TPHCM cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng phòng dịch.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết: TP có nguy cơ bị lây cúm gia cầm rất lớn từ khu vực giáp ranh biên giới ở địa phận Tây Ninh. Vừa rồi trên kênh Đông (huyện Củ Chi) đã phát hiện 11 bao gia cầm chết bị thả trôi.

Chi cục thú y đã xét nghiệm các mẫu gia cầm của người chăn nuôi tại khu vực giáp ranh này và phát hiện 1 mẫu dương tính với cúm A/ H5N1 trên đàn gia cầm của một hộ dân.

Hiện, ngoài 4 đoàn kiểm tra tại 4 cửa ngõ, TP.HCM cũng đã thành lập thêm 3 đoàn kiểm tra liên ngành. UBND TP. chỉ đạo tất cả các quận, huyện phải xử lý kiên quyết để những điểm nóng không trở thành “điểm đen” về buôn bán, giết mổ gia cầm trái phép.
Mỗi tuần ngành thú y TP. bắt quả tang và xử lý hơn 1 ngàn con gia cầm lậu, chủ yếu do người dân từ quê “xách tay” lên hoặc vận chuyển bằng xe khách, xe máy (tại địa phận huyện Bình Chánh và Hóc Môn, nơi tiếp giáp với Long An, Tây Ninh).
Thanh Huyền

No comments:

Post a Comment