Wednesday, February 19, 2014

Chỉ đạo thẳng thắn của Thủ tướng về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước!

ĐẤT VIỆT- 20/02/2014     -"Phải sốc lại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước", "doanh nghiệp nào không thông, chần chừ thì bộ, địa phương mời họ làm việc khác, chưa nói đến kiểm điểm nặng nề nhưng tuyệt đối không đề bạt cao hơn"... Là những lời gan ruột của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến việc tái cơ cấu, thoái vốn ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 2014-2015 diễn ra vào chiều 18/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận kết quả làm được của DNNN thời gian qua song Thủ tướng cũng cho biết, kết quả này chưa tương xứng với nguồn lực, lợi thế và mong muốn. Thủ tướng dẫn chứng, doanh nghiệp nhà nước vốn tín dụng chiếm 60% nhưng đóng góp GDP mới có 30% là thấp. Cùng với đó là sai phạm, vi phạm, kể cả vấn đề đạo đức đã ảnh hưởng không tốt hay số lỗ vẫn còn cao (16%).

“Vì vậy cần phải sốc lại và tái cơ cấu DNNN dù có nguyên nhân khách quan như tình hình kinh tế chung nhưng 3 năm mới sắp xếp 180 DN là còn chậm. Trong đó cổ phần hóa 99 DN, nhưng riêng Bộ GT-VT làm được 44 DN. Nếu bộ, địa phương nào cũng làm được thì tình hình đã khác", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu rằng, cần phải xác định xem có thể bán 60-70% cổ phần nhưng phải giữ được thương hiệu. Ngoài ra Thủ tướng lấy dẫn chứng về cổ phần hóa của Bia Sài Gòn, "mới cổ phần hóa được 7-8% thì là làm cho vui".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết liệt chỉ đạo thoái vốn ngoài ngành, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết liệt chỉ đạo thoái vốn ngoài ngành, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng cũng nêu quyết tâm “đánh” vào những lãnh đạo chậm tiến hành cổ phần hóa. Theo Thủ tướng, “DN nào không thông, chần chừ thì bộ, địa phương mời họ làm việc khác, chưa nói đến kiểm điểm nặng nề nhưng tuyệt đối không đề bạt cao hơn”.

Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Thủ tướng cho rằng mới thoái 4.000 tỷ trên 17.000 tỷ cần tiếp tục đẩy mạnh, tập trung vào lĩnh vực chính. Ví dụ như điện lực đầu tư ngân hàng, bảo hiểm thì chuyển sang SCIC để tập trung đầu tư vào điện. Hay ngân hàng hợp nhất thì chuyển sang ngân hàng mạnh.

“Rút lui phải có trật tự, chứ không phải bỏ chạy tán loạn. Mà việc đầu tư ngoài ngành trước đây là không sai, là chủ trương của Đảng nhà nước, nhưng đi vào thực tế không hợp lý thì điều chỉnh”, Thủ tướng nói.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định thực tiễn cho thấy các doanh nghiệp được cổ phần đều làm ăn có lãi nhờ công khai minh bạch, ngăn chặn được được tiêu cực. “Vì vậy, càng phải quyết liệt cổ phần hóa. Giờ chỉ cần quyết tâm và trách nhiệm”

“Cổ phần hóa là giải pháp trọng tâm của tái cơ cấu, là con đường phải làm. Nhưng bên cạnh đó phải làm đồng bộ các giải pháp khác như nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Đó là việc của lãnh đạo doanh nghiệp, không ai làm thay được. Cùng với đó là trách nhiệm từng bộ trưởng, chủ tịch phải được đề cao. Làm được hay không nằm trong những giải pháp này”, Thủ tướng chốt lại.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 24/12/2013, Thủ tướng đã từng cho rằng, trong tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty thì nhân tố quyết định là cán bộ, “bố trí cán bộ không tốt thì không tái được gì hết, trọng tâm là cổ phần hóa. Nếu ông cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì thay thế”.

Thủ tướng nêu rõ chủ trương sẽ bán hết cổ phần đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, nhưng phải có lộ trình cụ thể, không phải bán tràn lan để sơ hở thất thoát tài sản nhà nước.
“Phải đặt doanh nghiệp nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng của thị trường, trong tiếp cận vốn và các nguồn lực khác; còn làm nhiệm vụ công ích thì công khai minh bạch ra, ví dụ điện đưa về vùng sâu vùng xa thì tách ra” - Thủ tướng nói.

Có mặt tại những hội nghị tổng kết hoạt động năm 2013 và triển khai hoạt động năm 2014 của các bộ ngành và 1 số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng quyết liệt chỉ đạo việc cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành.

Ngày 15/1, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của ngành dầu khí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nghiêm túc thực hiện tái cơ cấu để hoạt động chất lượng và hiệu quả hơn, làm rõ hoạt động nào là công ích, hoạt động nào là kinh doanh, xây dựng chiến lược của Tập đoàn để vừa hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ, vừa có sức cạnh tranh ở khu vực và quốc tế.

Theo Thủ tướng, trong tái cơ cấu, phải coi cổ phần hóa là giải pháp chủ yếu, kiên quyết thoái vốn đầu tư ngoài ngành, chỉ giữ lại phần vốn nhà nước cần phải nắm giữ, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngày 14/1, trong phiên chất vất tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII Thủ tướng cũng cho biết, sẽ xử lý nghiêm nếu không tái cơ cấu kinh tế.

Trước đó, vào ngày 10/1 tại hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương cần đẩy nhanh tái cơ cấu DN.
Chỉ đạo ngành Giao thông vận tải vào ngày 9/1, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải với 15 tổng công ty.

Thủ tướng chỉ đạo cần phải cổ phần hóa hết, niêm yết trên thị trường chứng khoán, thu hẹp đầu tư ngoài ngành, bố trí lại cán bộ quản lý cho phù hợp, đặc biệt là các tổng công ty hàng hải, đóng tàu, hàng không.
"Năm nay phải cổ phần hóa quyết liệt, lãnh đạo nào không làm được thì thay", Thủ tướng chỉ đạo và khẳng định doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ giảm tiêu cực, tham nhũng.

Hà Anh

No comments:

Post a Comment