SM- 19/02/2014 -Với tổng dư nợ 1.068,5 tỷ đồng, tính đến hết tháng 1/2014, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được 3,56%. Với tốc độ này, phải mất gần 19 năm mới có thể tiêu thụ hết 30.000 tỷ, trong khi thời hạn kỳ vọng đặt ra sẽ kết thúc vào ngày 1/6/2016, tức là chỉ còn 2 năm 4 tháng nữa.
Theo thông tin từ NHNN, tính đến hết tháng 1/2014, các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 2.246 khách hàng với tổng số tiền đạt 2.324,3 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân 1.068,5 tỷ đồng, tăng đột biến 32,7% so với cuối tháng 12/2013. Nếu vậy, tính đến cuối năm 2013, gói 30.000 tỷ phải giải ngân được 805,2 tỷ đồng. Thế nhưng, theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đăng tải trên phương tiện truyền thông cho hay, tính đến hết ngày 31/12/2013, mới giải ngân được 732,5 tỷ đồng. Nhưng sau đó, đến ngày 15/1, báo cáo mới của NHNN cho thấy con số này phải là 758,7 tỷ đồng (trang web Bộ Xây dựng không cập nhật con số này). Số liệu có thể luôn được điều chỉnh nếu sau đó có thêm thông tin, nhưng việc “loạn” công bố thay vì hiệu chỉnh hay còn gọi là “tạm tính” đã nghiễm nhiên mang danh “chính thức” cho mọi con số được đưa ra, khiến cho thống kê Việt Nam lâm vào cảnh có vô vàn số liệu, mà số nào cũng… “đúng”!
Nhưng dù con số nào cũng là “chính thống”, thì đều cho thấy một thực tế: tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng vẫn quá chậm. Vậy là, một loạt động thái nới lỏng đã được đưa ra. NHNN ra Quyết định số 21 vào ngày 2/1 (cũng là ngày có hiệu lực) giảm lãi suất của các NHTM áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở thuộc gói 30.000 tỷ đồng từ 6%/năm xuống còn 5%. Và mới đây là thông tin có thể sẽ tăng thời hạn cho vay. Nhưng theo các chuyên gia đánh giá, dù điều này là cần thiết, song vẫn không đủ lực để tạo cú huých trên thị trường. Ông Phạm Trung Hà - Tổng Giám đốc Hòa Phát Land - cho rằng chỉ có thể tạo sự thay đổi rõ rệt khi kéo dài thời hạn cho vay cùng với việc đơn giản hóa thủ tục và giảm tiếp lãi suất cho vay. Bởi “nếu vẫn giữ lãi suất 5% như hiện nay, cùng với điều kiện cho vay ngặt nghèo, tiến độ giải ngân gói tín dụng sẽ khó được cải thiện”. Cùng chung nhận định với quan điểm này, ông Trần Như Trung - Phó giám đốc Savills Hà Nội - nói: “Nếu kéo dài thời hạn vay, mở rộng đối tượng, nhưng người có nhu cầu mua nhà không có sản phẩm để lựa chọn, thì việc giải ngân gói tín dụng này cũng rất khó.”
Sản phẩm BĐS ở Việt Nam không thiếu, khi giá trị tồn kho tính đến giữa tháng 12/2013 còn ở mức cao: khoảng 94.458 tỷ đồng. Cái “khan hiếm” chính là những căn nhà giá hợp lý. Theo TS Alan Phan trả lời phỏng vấn VOV, giá nhà đất hiện cao gấp 25 lần thu nhập trung bình của người dân, trong khi ở các nước khác chỉ rơi vào tầm 7-8 lần. Theo ông, “giá còn quá cao như thế, dân không thể mua được, thị trường vẫn tiếp tục trì trệ thôi. Khi nào giá chưa thay đổi, thị trường chưa thể “tan băng” được.” Đúng như các nhà kinh tế đã chỉ ra: Thị trường không thể vận hành hiệu quả khi xảy ra sự khan hiếm.
Trước kia, những chỉ số tăng trưởng cao vút khiến người ta dễ dàng lầm tưởng về mức thu nhập của mình, cùng với niềm tin có BĐS thì chẳng lo lỗ đã hút mọi dòng tiền nóng tiến về mặt hàng này. Thế nhưng, khủng hoảng ập đến, chi phí tiêu dùng tăng, đã đưa thu nhập thực tế trở về mặt đất. Cái thời vui mừng khi Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng thoát nghèo đã không còn dù trong báo cáo, thu nhập bình quân đầu người năm sau luôn cao hơn năm trước. Vậy là, tiếp bước châu Âu, người Việt Nam cũng phải thắt lưng buộc bụng, cắt mọi thứ có thể cắt. BĐS chính là một nguồn cắt hiệu quả nhất, khi người dân có thể tạm thời thuê nhà thay vì tốn hàng tỷ đồng mua một căn nhà mà khả năng mua hớ còn rất cao.
Quyền lực của người tiêu dùng giờ mới thực sự được bộc lộ. GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng điều này sẽ buộc những người làm BĐS phải thay đổi tư duy về mặt hàng “siêu lợi nhuận” này. Dù đến nay, BĐS đã có tín hiệu giảm giá, thì vẫn không thiếu những cái tên Dự án N03T1, Khu Ngoại giao đoàn (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) của CTCP Thi công cơ giới xây lắp… dựa vào ưu thế “bệ đỡ” để “câu thêm giờ”. Một khi còn tồn tại yếu tố can thiệp chủ quan thì cái gọi là “thị trường tự do” - nơi chẳng ai bị bắt phải mua thứ gì, hay cung hàng gì - càng khó định dạng.
Sản phẩm tốt vốn đã thiếu, mà nếu có rồi thì con đường đến với gói 30.000 tỷ đồng cũng không hề dễ dàng. Thủ tục vẫn rắc rối, trong khi một loạt những “bí quyết” chinh phục gói 30.000 tỷ đồng, một loạt những lời tư vấn từ ngân hàng chỉ càng cho thấy: muốn mua nhà cứ phải thu nhập cao đã, còn người thu nhập thấp thì… hãy cứ chờ! Bởi như ông Vũ Ngọc Kình - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh TP.HCM - cho biết: Nếu thu nhập thấp, khách hàng muốn vay 80% giá trị căn nhà thì khả năng trả nợ rất khó. Trong khi đó, đối tượng ban đầu của gói hỗ trợ 30.000 tỷ này lại chính là những người có thu nhập thấp! |
Lục Kiếm
No comments:
Post a Comment