Thursday, March 6, 2014

Vội vã ra đi!...


Nguyên Lương

Ðịnh viết chủ đề cho bài tâm tình này là “Vội vã trở về,” nhưng nghĩ lại phải viết là “Vội vã ra đi” mới đúng, vì đi ra khỏi lòng quê hương, đến Mỹ, đến nơi tạm dung gần 40 năm.

Sau 3 tuần về lại thăm quê nhà, người thân, bè bạn và làm việc từ thiện, hai vợ chồng đã về lại Mỹ bình an. Về lại để nhìn thấy tuyết trắng phau, phủ ngập căn nhà vắng chủ khá lâu. Về để thấy hàng cây liễu bên hồ ngã rạp vì sức nặng của mưa đá mấy ngày trước. Về để thấy hai thế giới hoàn toàn khác nhau: bên ấm bên lạnh, bên ồn ào bên quạnh quẽ, bên quê nhà bên xứ người, và về lại, chỉ sau 3 tuần đi xa, để thấy hai thế giới khác biệt, hai con người khác biệt và những giằng xé trong tâm hồn.



Những em bé mồ côi tại Mái Ấm Mân Côi trongvòng tay yêu thương.

Lẫn lộn nửa vui, nửa buồn. Nửa bồi hồi xúc động, nửa lưu luyến xót xa. Ðể thấy vết thương trong lòng rỉ máu khi nhìn thấy ở đó, nơi mình vẫn gọi là quê hương, còn quá nhiều hệ lụy, khổ đau, bất hạnh, bất công. 40 năm tưởng quên và lòng mình đã thành gỗ đá, nhưng không. Khuất mắt không thấy thì thôi, thấy thì không cầm được nước mắt vì thấy xót xa.

Vẫn còn, và có lẽ còn nhiều hơn ngày xưa, là những đám người bị bỏ lại đàng sau khi xã hội ào ào đi tới với một tốc độ kinh hoàng. Có những người bạn thân không gặp từ ngày tan hàng, hỉ hả đãi tiệc mình sáng chiều mà mỗi phần ăn trên dưới 100 đô không tiếc, mà họ tiếc 50 xu (10 ngàn đồng VN) mua giúp một tấm vé số từ tay thằng bé bán dạo và buông những lời xua đuổi không thương xót. Về để thấy xã hội đã một thời đổ bao xương máu đấu tranh san bằng giai cấp để nay tạo thêm nhiều giai cấp thống trị, ngày càng mất cân bằng. Kẻ giàu, giàu kết xù, giàu đổ cả núi tiền lên những căn biệt thự dát vàng, những chiếc xe đời mới nhất. Người nghèo, nghèo rớt mồng tơi, không đủ miếng ăn, đêm không chỗ ngủ, ngày không nơi tránh mưa, và họ lui dần vào bóng tối đàng sau những ngọn đèn đường sáng trưng từ căn biệt thự xây cao, bỏ trống, không người ở.


Em bé Phương Vy đã có được tiền giúp đỡ từ Hoài Việt để mổ xương cột sống.
Ở đó, nơi ta vẫn nhận là quê hương, vẫn còn những người bạn một thời nhưng bây giờ ngồi nói chuyện như hai người xa lạ. Họ nói mình chuyện với mình rất rành bên trời Tây xa xôi, về nơi nào trượt tuyết, nơi nào chơi golf, trong khi mình hỏi họ nơi nào trên đất nước này nuôi trẻ mồ côi, tật nguyền, thì họ không biết, hay không cần biết. Nào có xa xôi gì đâu, gần nơi họ ở là một nhà tình thương nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi từ ngày đầu lọt lòng. Những đứa trẻ không biết cha mẹ là ai, gọi mấy ma sơ già, mấy ni cô trẻ là mẹ, là chị. Chỉ cần thay bữa ăn cả trăm đô một đĩa bằng một cái bánh mì, tiền còn lại nuôi sống được 100 em cả tháng.

Nghe dễ làm quá phải không, nhưng với họ là điều rất khó, bởi họ không cảm được cái đau, và có lẽ tâm hồn họ đã chai đá.

Nói những chuyện này họ cho là mình đạo đức giả, và thế là những người bạn ngày nào ngồi chung với nhau suốt bao nhiêu năm cùng trường, cùng nghe giảng những bài học đạo đức làm người, nhưng bây giờ mỗi người diễn dịch mỗi khác.


Những mảnh đời bất hạnh tại trại tâm thần Trọng Ðức.
Cái mình chú tâm không phải là cái họ chú ý.

Ðiều gì đã làm cho họ chai đá như thế! Chẳng lẽ bao năm lăn lộn với cơm áo gạo tiền, lường lọc gian manh, cố nuốt trôi những tô cơm ngô trộn sắn và họ đã sống sót, lao thẳng tới và mãi mãi quyết không quay đầu nhìn lại để thấy bao nhiêu người còn bỏ lại sau lưng và một quá khứ buồn tủi.

Về lại Mỹ, sắp gặp những người bạn tâm đầu hợp ý, để bàn chuyện gây quỹ và những điều cần làm tháng 4 sắp tới. Tự nhiên không còn thấy xa lạ khi mình trở về sống trên đất lạ. Vì ở đây chúng ta thương quý nhau hơn và chúng ta còn biết nghĩ đến người khác. Có lẽ đây là cái vốn quý hóa nhất mà cuộc sống tha phương đã cho chúng ta: biết nghĩ đến nhau, biết thông cảm và chia xẻ với mọi người, nhất là những người bất hạnh.

Nhớ hôm ghé thăm Chùa Diệu Giác, nơi nuôi hơn 300 trẻ em bị bỏ rơi, nay đã xây cất khang trang hơn trước và các em đã có chỗ rộng chơi đùa. Thăm Trung Tâm Trọng Ðức nuôi hơn 300 em nam, 200 em nữ tâm thần nay đã có máy nước nóng chạy bằng năng lượng mặt trời để tắm trong những ngày Ðông. Mấy đứa trẻ mồ côi ở nhà tình thương Mân Côi Tết này có áo mới mặc chơi xuân, và em bé gái chờ chết vì dị tật trên lưng sẽ được cứu sống nhờ tiền giải phẫu từ Hoài Việt. Hỏi thăm mới biết những nơi này có được như vậy là nhờ tiền giúp đỡ từ các tổ chức từ thiện Việt Kiều. Không qua một tổ chức nào, họ đã: “xin tận gốc, cho tận ngọn” và số tiền do công lao kiếm được đã được đưa đến tận tay người nhận. Còn hỏi tiền quốc tế giúp cho Việt Nam xóa đói giảm nghèo đi đâu, anh đạp xích lô chỉ những căn nhà lầu cao tầng của cán bộ mà không nói thêm một lời nào.



Những em bị bệnh tâm thần nhưng vẫn còn những nụ cười trên môi.

Trong khi chúng tôi, những người Việt đã bỏ quê hương ra đi gần nửa đời người, vẫn chưa quên những đồng bào bất hạnh nơi quê nhà. Chúng tôi đã cùng nhau tổ chức nhiều buổi ca nhạc, nhờ những thương gia trong vùng bảo trợ tài chánh, để gây quỹ lấy tiền về giúp được người nào hay người nấy. Những món quà tuy nhỏ nhưng nặng nghĩa ân. Chúng tôi muốn cho người dân sống thiếu thốn nơi vùng đất khổ đó biết là dù cách xa ngàn dặm chúng tôi vẫn chưa quên họ, và người Việt hải ngoại cũng chưa bao giờ quên họ. Sắp tới, ngày 5 tháng 4, với sự bảo trợ của Anh Nguyễn Bảo, chủ nhân Top Granite 2, nhóm Hoài Việt sẽ tổ chức chương trình ca nhạc Thính Phòng và tiệc Dạ Vũ với Ca sĩ Ý Lan, Nhạc sĩ Ngô Tín (từ Cali), Nhạc Sĩ Ngọc Tân (từ Austin), Ca Sĩ Hoàng Tú (từ Virginia) và rất nhiều ca sĩ địa phương đóng góp trong một chương trình đặc sắc nhất từ trước đến giờ tại nhà hàng Golden City. Nghe ban tổ chức cho biết chương trình chưa thật sự được quảng cáo mà 10 bàn VIP đã bán sạch. Còn 20 bàn thường đã có hơn phân nửa người giữ chỗ. Chúng tôi rất phấn khởi cho chương trình Thính Phòng sắp tới từ những tin vui này.

Viết vội thư này thay lời thăm hỏi đầu năm đến những người bạn thân đã quan tâm về chuyến đi Việt Nam của vợ chồng mình. Về lại Mỹ, đêm nằm không ngủ được, còn nghe bên tai tiếng sóng biển Long Hải vỗ ì ầm vào bờ đá như tiếng vọng từ quê hương xa xôi, quê hương vẫn còn đó bao nhiêu bất hạnh và bất công. Tưởng là về để tìm lại chút hương vị thanh bình của ngày Tết mà gần 40 năm chưa quên, nay về mới thấy là mình đã quên mất những ngày Tết xưa thật rồi.

Vội vã trở về để rồi vội vã ra đi. Ði về nơi đó, trở lại nơi này, mang theo bao nỗi buồn khó tả.

No comments:

Post a Comment